Hà Nội, Thứ Năm Ngày 12/12/2024

Sớm khắc phục những nghịch lý về giá tại thị trường bán lẻ

DTVN 11:30 16/04/2020

Trên thị trường hiện nay, tuy giá lợn hơi của một số công ty chăn nuôi lớn đã hạ xuống 70.000đ/kg, nhưng vẫn còn đem lại một khoản lợi nhuận rất lớn cho họ bởi giá thành chăn nuôi lợn hiện nay

Trên thị trường hiện nay, tuy giá lợn hơi của một số công ty chăn nuôi lớn đã hạ xuống 70.000đ/kg, nhưng vẫn còn đem lại một khoản lợi nhuận rất lớn cho họ bởi giá thành chăn nuôi lợn hiện nay chỉ khoảng 43.000đ/kg. Theo đó, mỗi con lợn sẽ có lãi khoảng từ 2.000.000 – 3.000.000đồng.

Trong giai đoạn hơn một tháng nay, các công ty chăn nuôi đã thu lãi hàng nghìn tỷ đồng chênh lệch giá một cách vô lý. Mặc dù giá lợn hơi có giảm đôi chút, song nghịch lý là giá bán lẻ từ mùng 3/4/2020 – 9/4/2020 vẫn đứng yên ở mức cao và có ngày lại tăng lên một mức cao hơn. Việc hạ giá nhỏ giọt trong khi khoảng chênh lệch giá còn rất lớn của lợn hơi đã không có những tác dụng mạnh vào giá bán lẻ ở chợ và siêu thị.

Sớm khắc phục những nghịch lý về giá tại thị trường bán lẻ Việt Nam

Dư luận đặt ra câu hỏi “Tại sao giá lợn hơi không thể trở nhanh về mức 60.000 – 62.000đ/kg mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lại đề xuất đến quý II, III mới giảm xuống mức đó?”. Cách đây hơn một tháng, Chính phủ đã yêu cầu hai Bộ Nông nghiệp và Công thương làm rõ lợi nhuận chênh lệch giá nộp ngân sách của các khâu chăn nuôi và các trung gian phân phối thị lợn để có hướng xử lý, nhưng cho tới nay vẫn chưa có số liệu báo cáo công khai cho mọi người được biết.

Những đề xuất có vai trò rất quan trọng về việc đưa thịt lợn vào mặt hàng bình ổn giá của các cơ quan thống kê, vật giá và thuế vẫn chưa được chấp nhận, nếu không đưa vào luật định thì thực tế rất khó để kiểm soát giá từ khâu chăn nuôi, tới khâu bán lẻ trên thị trường hiện nay. Nghịch lý về giá thịt lợn cao ngất ngưởng vẫn chưa được giải quyết một cách tận gốc và có tác dụng thiết thực với người tiêu dùng xã hội trong mấy tháng nay, nhất là trong những lúc chi tiêu đang còn những khó khăn là một dấu hỏi lớn của dư luận cần được giải đáp một cách thấu đáo và bằng những hành động cụ thể trên thị trường tiêu dùng thịt lợn.

Giá thịt lợn là như vậy, còn giá gia cầm và giá trứng gia cầm thì sao? Từ tháng 2/2020 tới nay, giá gia cầm và trứng gia cầm liên tục suy giảm, chỉ bằng 50% giá thành chăn nuôi của các hộ và trang trại trên nhiều tỉnh thành trong cả nước. Điều quan trọng là giá thấp như vậy nhưng lại bán rất chậm, không tiêu thụ được bao nhiêu so với tồn kho của gia cầm đã đến lứa xuất chuồng và các loại trứng.

Về giá cả bán lẻ ở chợ và siêu thị: 1kg gà lông công nghiệp giá xuất chuồng chỉ có 15.000đ – 17.000đ/kg, nhưng trong thực tế, giá bán gà mảnh ở chợ lẻ và siêu thị vẫn khoảng 50.000đ – 60.000đ/kg. Giá trứng của người chăn nuôi xuất bán chỉ có 10.000đ – 12.000đ/10 quả với gà công nghiệp và 17.000đ – 18.000đ/10 quả gà ta, nhưng ở thị trường hiện nay vẫn bán với giá phổ biến từ 18.000 – 22.000đ/10 trứng gà công nghiệp và 35.000đ – 40.000đ/chục trứng gà ta. Đây là một trong những nguyên nhân khiến lượng gia cầm và trứng tiêu thụ chậm lại mặc dù giá thịt lợn còn cao ngất, người tiêu dùng đang có nhu cầu chuyển hướng sang sử dụng gia cầm và trứng để thay thế.

Ông Khanh – Nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Việt Nam có phát biểu tại Đài VTC ngày 06/3/2020 rằng, “Một con gia cầm đi từ trang trại đến khâu bán lẻ, phải qua 4-5 khâu bao gồm: Người mua gom hưởng khoảng 21%, người giết mổ hưởng 6%-10%, người bán buôn tới chợ lẻ hưởng 40% và cuối cùng là hộ kinh doanh lẻ hưởng 35% - 40%”.

Đây chính là thêm một nguyên nhân nữa để đẩy giá gia cầm và các loại trứng tăng lên gấp 2 -3 lần so với giá xuất chuồng ở khâu phân phối. Rõ ràng khâu này đã đẩy giá gia cầm lên 1 mức khá cao làm cho thị trường tiêu thụ sẽ bị chậm lại và người tiêu dùng lại bị móc túi một phần vô lý trong chuỗi sản xuất chăn nuôi bán lẻ của mặt hàng này.

Từ giá thịt lợn đến giá gia cầm và trứng các loại cho ta thấy: những nghịch lý có thật đang hiện diện ở sản xuất và khâu tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi ở Việt Nam. Hậu quả cuối cùng là người tiêu dùng xã hội phải gánh chịu. Chính vì lẽ đó mà các bộ ngành và các cơ quan có liên quan cần sớm đề xuất những giải pháp mạnh mẽ hiệu quả và thiết thực để đưa giá thịt lợn và giá gia cầm cùng các loại trứng về một mức giá hợp lý, nhằm vừa thúc đẩy sản xuất chăn nuôi phát triển một cách bền vững và phục vụ người tiêu dùng xã hội. Nếu làm được như vậy trong thời gian sớm nhất thì những nghịch lý trên sẽ được loại bỏ, góp phần vào nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong năm 2020 và những năm tiếp theo.

Chuyên gia Vũ Vinh Phú

Theo Lao động Thủ đô

Link gốc : http://laodongthudo.vn/som-khac-phuc-nhung-nghich-ly-ve-gia-tai-thi-truong-ban-le-106484.html

Bạn đang đọc bài viết Sớm khắc phục những nghịch lý về giá tại thị trường bán lẻ tại chuyên mục Tiêu dùng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tiêu dùng