Coca-Cola “chơi lớn”, Masan “giấu bài” và những ẩn số
Sau 9 năm cân lên đặt xuống, tháng 4/2019, Coca-Cola đã chính thức công bố quyết định dấn thân vào ngành sữa và lựa chọn Fonterra (New Zealand) làm đối tác chiến lược tại thị trường Việt Nam.
Việt Nam cũng là thị trường đầu tiên mà Coca-Cola tung sản phẩm sữa Nutriboost như một con bài chiến lược mới, đồng thời đầu tư rất lớn, đổ tiền vào các chương trình tiếp thị và quảng bá dòng sản phẩm mới này. Điều này cho thấy, Coca-Cola đặc biệt coi trọng thị trường Việt Nam.
Ông PeeYush Sharma, Tổng giám đốc Coca-Cola Việt Nam tiết lộ: “Nutriboost sẽ là sản phẩm chủ lực của Coca-Cola Việt Nam trong năm nay, giúp Coca-Cola mở rộng thị phần và đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng. Coca-Cola đặt mục tiêu tăng gấp đôi doanh số ngành sữa thuộc Công ty Coca-Cola từ năm 2019-2022”.
Tham vọng của Coca-Cola không phải là không có cơ sở, khi đang nắm trong tay lợi thế vượt trội là marketing và mạng lưới phân phối, chưa kể nguồn lực tài chính hùng hậu và khả năng quản trị, kinh doanh quy mô toàn cầu.
Cùng thời điểm Coca-Cola đổ bộ ngành sữa, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên Công ty Masan năm 2019, ông Trương Công Thắng, Chủ tịch HĐQT Masan Consumer tuyên bố, Masan sẽ nhảy vào ngành sữa trong vòng 1 - 2 năm tới. Dù chưa gia nhập, nhưng Masan sẵn sàng công bố sẽ đạt mức tăng trường 20 - 25% trong 3 năm liên tiếp (2021 - 2023) cho riêng mảng sữa. Tuyên bố này cho thấy, ngành sữa đã lọt vào tầm ngắm của Masan.
Điều này không lạ, khi Masan đang là “đại gia” của sản phẩm ngành hàng tiêu dùng và có hệ thống phân phối mạnh. Masan vốn có tiềm lực vững vàng và kinh nghiệm về sản xuất, kinh doanh hàng tiêu dùng, trong khi phân khúc trà sữa đóng chai và các sản phẩm nước uống có chứa sữa tại Việt Nam vẫn đang bỏ ngỏ.
Một “đại gia” khác cũng được giới kinh doanh cho là sẽ sớm tham gia “bữa tiệc sữa” khu đang nhanh chóng trở thành “người khổng lồ” kinh doanh đa ngành. Năng lực tài chính hùng mạnh, quản lý chuyên nghiệp, marketing và truyền thông rất tốt, đặc biệt, hệ thống siêu thị riêng không ngừng mọc lên khắp nơi nơi sẽ là lợi thế lớn để đại gia này tham gia và thành công trong ngành sữa.
Cơ hội trong thị trường nhiều tỷ USD
Điều gì khiến Coca-Cola, Masan và nhiều đại gia Việt nóng lòng tham gia ngành sữa đến vậy?
Câu trả lời là tiềm năng vô hạn, hứa hẹn những con số doanh thu và lợi nhuận khổng lồ từ thị trường quy mô gần 100 triệu dân Việt Nam, làm bàn đạp phát triển tại thị trường 600 triệu dân ASEAN, xa hơn nữa là cơ hội bước chân vào thị trường tỷ dân Trung Quốc.
Theo số liệu của Hiệp hội Sữa Việt Nam (VDA), mức tiêu thụ sữa các loại bình quân đầu người tại Việt Nam đã tăng hơn 2 lần kể từ năm 2010 đến nay, ước tính năm 2019 đạt trên 30 kg/năm. Mức tăng này được thúc đẩy bởi yếu tố thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh, đời sống ở khu vực nông thôn được cải thiện. Ngoài ra, còn phải kể đến các chính sách hỗ trợ, truyền thông về dinh dưỡng cộng đồng.
Tuy vậy, mức tiêu thụ sữa của người Việt Nam còn thấp so với các nước khu vực. Ví dụ, mức tiêu thụ sữa tại Hàn Quốc là 80 kg/người/năm, tại Trung Quốc là 50 kg/người/năm và tại Thái Lan là 45 kg/người/năm. Dự báo, đến năm 2030, mức tiêu thụ sữa bình quân tại Việt Nam đạt trên 60 kg/người/năm. Theo tính toán, sau năm 2030, các công ty sữa sẽ cung cấp cho thị trường sản lượng sữa gấp 2 - 3 lần so với hiện nay.
Cũng theo số liệu của VDA, tăng trưởng doanh thu bình quân của ngành sữa từ năm 2010 - 2018 đạt 12,7%, tổng doanh thu ngành sữa năm 2018 đạt trên 115.000 tỷ đồng.
Dự báo, đến năm 2030, tổng doanh thu ngành sữa sẽ đạt trên 12 tỷ USD và tiếp tục tăng nhanh sau năm 2030. Miếng bánh khổng lồ này chắc chắn sẽ không lọt ngoài tầm mắt của các ông lớn như Vinamilk, Masan...
Lợi nhuận của ngành sữa cũng rất hấp dẫn, nhiều hơn bất kỳ ngành thực phẩm nào khác. Có thể thấy rõ điều này qua các chỉ số kinh doanh của công ty sữa đầu ngành - Vinamilk. Theo số liệu đã công bố ra công chúng, 10 năm gần đây, tăng trưởng doanh thu bình quân của Vinamilk đạt 16,4%, doanh thu năm 2018 đạt trên 52.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt trên 10.200 tỷ đồng.
Ngoài ra, ngành sữa đang đứng trước cơ hội rất lớn khi Nghị định thư giữa Việt Nam và Trung Quốc đã được ký kết vào tháng 4/2019, mở ra cơ hội xuất khẩu sữa chính ngạch vào thị trường này. Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã quyết định lựa chọn và đề nghị Tổng cục Hải quan Trung Quốc xem xét cấp code xuất khẩu sữa cho 5 công ty sữa đầu tiên là Vinamilk, TH True Milk, Nutifood, Hanoimilk và Mộc Châu Milk.
Thị trường sữa Việt Nam vốn đã có sự cạnh tranh gay gắt giữa những “đại gia” sữa Việt như Vinamilk, TH True Milk… và các thương hiệu lớn trên thế giới như Nestle, Abbott… sẽ trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết, nếu có thêm các ông lớn như Masan, Vingroup gia nhập cuộc chơi. Vấn đề đặt ra là, Masan, Vingroup sẽ gia nhập theo “ngả đường” nào?
Con đường M&A
Ngành sữa là “chiếc bánh” ngon, nhưng cuộc chơi không hề đơn giản. Không chỉ “đốt tiền” vào marketing, hệ thống phân phối, các doanh nghiệp ngành sữa còn rải vốn đầu tư công nghệ, dây chuyền sản xuất, hệ thống đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm và đặc biệt là vùng nguyên liệu. Đó chính là lý do vì sao Vinamilk, TH phải đầu tư trang trại bài bản, rộng lớn, nhập con giống đắt đỏ từ nước ngoài, thậm chí ra nước ngoài đầu tư mở rộng trang trại… Điều này cũng lý giải vì sao các công ty sữa “tuyến 2” của Việt Nam còn hạn hẹp về tài chính đang khá chật vật để giành thị phần.
Nắm trong tay nhiều lợi thế, Masan, Vingroup có quyền năng để nhảy vào bất cứ ngành nào họ muốn và con đường nhanh nhất, hiệu quả nhất mà họ đã từng thành công là M&A.
Công ty nào sẽ lọt vào “mắt xanh” của các đại gia?
Vinamilk - gã khổng lồ siêu lợi nhuận, có lẽ chỉ dành cho các tập đoàn lớn nước ngoài. TH True Milk thì đã được bà chủ Thái Hương khẳng định “sẽ không bao giờ bán”. Nutifood có sản phẩm sữa bột lợi nhuận cao, tham vọng giá trị M&A lên đến hơn 1 tỷ USD - mức giá khá cao, nên rất khó để M&A thành công...
Như vậy, mục tiêu M&A có thể sẽ là những cái tên thuộc “tuyến 2” của ngành sữa Việt.
Đầu tiên là Công ty cổ phần Sữa quốc tế (IDP), được dẫn dắt và điều hành bởi “phù thủy marketing” Trần Bảo Minh, đã báo lỗ lũy kế lên đến trên 700 tỷ đồng do quá mạnh tay chi đầu tư quảng bá thương hiệu mà không hiệu quả.
Theo ông Minh, Công ty phải trích đến 10% doanh thu để chi cho hoạt động marketing, nhưng con số này vẫn còn quá nhỏ so với mức chi của các ông lớn. Họ chỉ cần trích một vài phần trăm trên doanh thu khủng là đã có tới hàng ngàn tỷ đồng để chi phí cho thương hiệu. Rõ ràng, quảng bá thương hiệu là cuộc đua không cân sức giữa các công ty nhỏ và các “ông lớn”.
Trong khi đó, Hanoimilk của ông Hà Quang Tuấn cũng không có nhiều tiền để quảng bá thương hiệu, nên đã chọn chiến lược cạnh tranh bằng chất lượng. Kết quả là, dù có sản phẩm đạt giải thưởng quốc gia và quốc tế, nhưng Hanoimilk vẫn không bán được nhiều hàng, quy mô doanh thu và lợi nhuận không đủ lớn, nên phải chuyển sang gia công để duy trì nhà máy.
Hơn nữa, Hanoimilk còn gặp khó khăn về tài chính do triển khai đầu tư Dự án Đổi mới công nghệ, mở rộng nhà máy và Dự án Trang trại bò sữa tại Mê Linh (Hà Nội), trong khi chưa phát hành được 300 tỷ đồng cổ phiếu mới. Tuy nhiên, nhờ có nhiều năm thực hiện chiến lược cạnh tranh bằng chất lượng và sớm triển khai các dự án, Hanoimilk đang sở hữu nhà máy hiện đại với đội ngũ kỹ thuật lành nghề và đã được giao quỹ đất lên tới hàng trăm héc-ta tại Mê Linh, có nền tảng tốt để tiếp tục đầu tư.
Theo nguồn tin riêng của Báo Đầu tư, Hanoimilk đang nằm trong tầm ngắm của nhiều “ông lớn” cả trong nước và nước ngoài.
Cái tên khả dĩ còn lại là Mộc Châu Milk. Động thái Vinamilk nhanh chân mua 38,34% cổ phần của GTNfoods, đơn vị sở hữu 51% Mộc Châu Milk được giới đầu tư nhận định sẽ khiến các ông lớn như Masan và cả các tập đoàn lớn nước ngoài “nhanh chân rảo bước”, đẩy nhanh kế hoạch xâm nhập thị trường sữa Việt bằng các thương vụ với Hanoimilk, IDP.
Thị trường sữa Việt Nam thời điểm này như một thùng thuốc nổ dồn nén, hứa hẹn các thương vụ M&A “bom tấn” và sau đó là cuộc “thư hùng” hấp dẫn giữa các tân binh mới tham gia thị trường với các đại gia cựu trào ngành sữa.
Theo Hữu Tuấn/Báo Đầu Tư