Hà Nội, Thứ Năm Ngày 25/04/2024

Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà đang vi phạm Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

ĐTVN 15:45 15/10/2019

Mặc dù phát hiện sự cố nước nhiễm dầu thải từ lâu nhưng Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà lại không hề có thông tin cảnh báo, khuyến cáo đến người tiêu dùng.

Mấy ngày qua, dư luận đang hết sức quan tâm đến vụ việc đầu nguồn nước sạch Hà Nội bị nhiễm dầu thải. Cụ thể, theo phản ánh của người dân, hiện tượng nước sạch sông Đà có mùi lạ xuất hiện từ ngày 10/10 ở nhiều quận của Hà Nội như Thanh Xuân, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm... Tới ngày 11/10, Thành phố Hà Nội đã có đoàn kiểm tra liên ngành đi lấy mẫu nước ở một số điểm.

Mặc dù sự việc xảy ra từ ngày 10/10 nhưng phải đến sáng 14/10, Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) mới có văn bản gửi Sở Xây dựng Hà Nội về việc quản lý vận hành nhà máy từ ngày 9 - 11/10/2019. Văn bản này thừa nhận vào 12h00 ngày 9/10/2019, thời tiết khu vực mưa, nhân viên bảo vệ đi vớt rong rêu phát hiện ngoài cửa kênh dẫn nước hồ có váng dầu chưa rõ nguyên nhân. Bảo vệ đã báo cáo lên lãnh đạo Công ty này cho hướng xử lý.

Sau khi nhận được thông tin, nhà máy đã đóng van cấp nước vào bể chứa trung gian và tiến hành xúc xả toàn bộ nước qua nhà máy thông qua van xả cặn đoạn từ nhà máy về đến bể chứa trung gian. Do không có nước về bể chứa nên Công ty buộc phải giảm áp để duy trì cấp nước.

Về việc xử lý váng dầu, Công ty đã sử dụng phao, gối hút dầu chuyên dụng trên kênh dẫn nước hồ 500m làm khu vực tách dầu và thu gom, vị trí đặt phao. Và theo Tổng giám đốc Nguyễn Văn Tốn, Công ty đã tiến hành bổ sung than hoạt tính vào khu xử lý, cũng như tăng hóa chất xử lý trong đó có clo theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế là 0,8 mg/l.

“Để tìm nguyên nhân xuất hiện váng dầu, Công ty đã huy động toàn bộ cán bộ công nhân viên nhà máy đi kiểm tra và thông báo với công an xã, chính quyền địa phương, công an huyện để điều tra, làm rõ”, báo cáo nêu.

Nguồn nước cấp cho nhà máy bị nhiễm dầu. Ảnh: Mạnh Thắng/Tiền Phong

Nội dung báo cáo trên đã hé lộ một sự thật rằng, việc nguồn nước bị ô nhiễm dầu thải đã được doanh nghiệp cung cấp nước phát hiện ngay từ ngày 9/10. Tuy nhiên cho đến trước thời điểm ngày 14/10, tuyệt nhiên không có bất kỳ một thông tin chính thức nào được Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) thông báo tới các công ty phân phối nước và người dân sử dụng nước của công ty này.

Doanh nghiệp này cũng không hề có những cảnh báo, khuyến cáo kịp thời cho người dân về các nguy cơ nước sạch bốc mùi ảnh hưởng thế nào tới sức khỏe, giải pháp xử lý nguồn nước ra sao để người dân an tâm.

Nhận định về sự việc nói trên, ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT), cho biết lãnh đạo nhà máy nước sạch đã biết sự việc nhưng vẫn tiếp tục cấp nước cho người dân là hành động thiếu trách nhiệm.

"Nguồn nước sông Đà rất quan trọng, là nguồn cung cấp nước sinh hoạt chính cho người dân. Doanh nghiệp không kiểm soát tốt để ảnh hưởng đến chất lượng nước là rất thiếu trách nhiệm", ông Thức nêu quan điểm.

Trong khi đó, thực tế hiện nay cũng đang cho thấy, dù phải sống chung cùng nước bẩn thì những ngày qua, hàng nghìn hộ dân vẫn đang phải trả tiền cho nhà cung cấp nước. Là khách hàng, họ có quyền đòi hỏi Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà và các công ty phân phối nước sạch thực hiện nghiêm các cam kết về chất lượng nước theo hợp đồng cung cấp nước sạch đã ký kết và phải bồi thường khi nguồn nước bị ô nhiễm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Dư luận cũng không khỏi thắc mắc về việc liệu Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) có đang cố tình che giấu sự việc? Việc không sớm thông tin cảnh báo, khuyến cáo người dân về nguồn nước đang bị ô nhiễm có đang vi phạm Luật Bảo vệ Quyền lợi người tiêu dùng?

Bởi nếu chiểu theo Khoản 3 Điều 12 Luật Bảo vệ Quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trong việc cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng nêu rõ, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa phải “Cảnh báo khả năng hàng hóa, dịch vụ có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tính mạng, tài sản của người tiêu dùng và các biện pháp phòng ngừa”.

Mặt khác, tại Khoản 8 Điều 10 Luật Bảo vệ Quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 cũng đã nêu về hành vi bị cấm: “Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng.”

Theo Bảo Lâm/VietQ

Bạn đang đọc bài viết Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà đang vi phạm Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại chuyên mục Đời sống – Xã hội. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Đời sống – Xã hội