Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

Dầu thải bị đổ trộm xuống đầu nguồn nước sạch Sông Đà như thế nào?

DTVN 09:08 15/10/2019

Để tận mục sở thị mức độ ô nhiễm của nguồn nước cung cấp cho Nhà máy nước Sông Đà, nhóm phóng viên đã lần ngược tìm đến địa điểm dầu thải được đổ trộm xuống suối tại xã Phú Minh (Kỳ Sơn, Hoà Bình).

Nhà máy nước Sông Đà tại Kỳ Sơn, Hoà Bình. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Dầu thải được đổ trực tiếp từ xe tải xuống vệ đường. Lượng dầu này sau đó chảy theo khe đất rồi đổ thẳng xuống suối Khại. Bắt đầu từ đây, dòng suối mang nước chạy thẳng tới hồ Đầm Bài (xã Phú Minh, huyện Kỳ Sơn). Đáng lưu ý, đây là khu vực đặt kênh dẫn nước nhà máy xử lý nước cung cấp cho thành phố Hà Nội.

Cách... suối nguồn bị nhiễm bẩn

Suối Khại - theo cách gọi của cộng đồng dân tộc Mường thuộc huyện Kỳ Sơn (Hoà Bình) bắt nguồn từ núi cao, chảy qua các xã Phúc Tiến, Phú Minh rồi đổ ra hồ Đầm Bài trước khi được dẫn vào kênh dẫn nước của Nhà máy nước Sông Đà (Viwasupco). Đây được coi là nguồn chính cung cấp một lượng lớn nước cho Viwasupco vận hành và sản xuất.

Tuy nhiên, từ khoảng 1 tuần nay, toàn bộ suối Khại đã lâm vào cảnh bị "đầu độc" khi một lượng lớn dầu thải bị đổ trộm xuống.

Anh Nguyễn Văn Dũng (thôn Vật Lại, xã Phú Minh) kể lại: “Rạng sáng ngày 9/10, khi xuống khu vực trang trại phía trên suối Khại thì tôi phát hiện ra cá nổi chết trắng ao đồng thời không khí xung quanh có mùi nồng nặc.”

Tại vị trí đổ thải, một lớp cát dày đã được đổ để che đi vết dầu (Ảnh: Sơn Bách/Vietnam+)

Ngay lập tức, anh Dũng lấy xe máy chạy lên tỉnh lộ 446 nối xã Phú Minh và xã Phúc Tiến thì phát hiện ven đường có nhiều vết dầu bám lại trên cây cỏ.

“Dầu bị đổ trộm lúc này đã chảy tràn theo khe đất xuống khu vực suối Khại phía dưới. Mùi dầu khét lẹt hết sức khó chịu,” anh Dũng kể lại.

Theo lời kể của anh Dũng, chúng tôi men theo đường tỉnh 446. Tại điểm cách xã Phúc Tiến 4km, phóng viên đã phát hiện khu vực dầu thải bị đổ trộm. Vị trí này nằm sát mép vực. Sâu xuống phía dưới khoảng hơn 20m chính là con suối Khại. Do độ dốc lớn nên khi được đổ xuống, dầu thải đã chảy thẳng xuống phía dưới, men theo khe đất đá rồi đổ vào dòng nước.

Vị trí đổ thải nằm cách xã Phúc Tiến 4km. (Ảnh: Sơn Bách/Vietnam+)

Để tận mục sở thị đường đi của dầu bẩn trước khi tiếp cận nguồn nước huyết mạch cho Viwasupco, chúng tôi đã lần theo khe đất để xuống chân dòng suối. Mưa lớn đã khoét con đường này thành một khe nhỏ chỉ vừa một người leo. Đất đá đều trơn tuột do “ngậm dầu”.

Cây cối bị lưỡi dầu bẩn liếm qua đều cháy xém, xác xơ. Thi thoảng, tới những đoạn hốc ăn sâu vào, những vệt, vũng dầu vẫn đọng lại, bám chặt vào đất quánh đặc và nhão nhoét. Tại khu vực gần suối Khại, những dấu vết của dầu thải vẫn còn hiện rõ khi một mảng đất đá lớn quanh đó đã đổi màu đen đúa.

Sau khi nhập chung dòng nước, dầu bắt đầu chảy về phía hạ nguồn trước khi chảy thẳng vào kênh xử lý của Viwasupco.

Dấu vết của dầu vẫn hằn rõ tại điểm tiếp giáp với suối Khại. (Ảnh: Sơn Bách/Vietnam+)

Trong khi đó, báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hoà Bình cho thấy vào tối ngày mồng 8, rạng sáng 9/10, người dân phát hiện một xe tải 2,5 tấn bơm dầu thải đổ trộm ra khe núi sát con suối tại hai xã Phúc Minh và Phúc Tiến (huyện Kỳ Sơn, Hoà Bình) - cách kênh dẫn nước của nhà máy khoảng 800m.

Sau đó, khu vực này có mưa to khiến số dầu nhớt lan nhanh đến kênh dẫn nước của Nhà máy nước mặt Sông Đà.

Rùng mình “con suối chết”

Để tìm hiểu rõ hơn về mức độ ô nhiễm tại khu vực nước cấp cho Viwasupco hoạt động, nhóm phóng viên đã quyết định lần ngược theo suối Khại về phía đầu nguồn.

Ngay từ điểm xuất phát nằm gần kênh dẫn Viwasupco, chúng tôi đã có thể ngửi thấy mùi khét lẹt. Phía hai ven bờ, những ngấn dầu đen đúa vẫn in hằn như những vết cứa nhức nhối.

Càng đi sâu, đường đi càng trở nên nhỏ hẹp. Cây cối hai bên chằng chịt rậm rạp dần. Chỉ duy có mùi dầu thì mỗi lúc một đậm đặc. Đá, cát dưới đáy cũng đen kịt và trơn tuột vì chất thải đã lắng xuống. Dùng tay vục cát hay miết đá đều dễ dàng cảm nhận được lớp dầu bóng loáng bám chặt vào da.

Có những đoạn, dầu đọng lại thành lớp dày 5-6cm. (Ảnh: Sơn Bách/Vietnam+)

Đến vị trí cách điểm xuất phát chừng 500m thì nước trở nên ngầu đục. Mỗi lần rút chân ra khỏi bùn, lớp dầu đen như mực lại bị sục lên, cuồn cuộn lan chảy về phía dưới hạ nguồn. Không chỉ “đọng” dưới đấy, dầu bám thành từng lớp dày tới 4-5cm ven hai bờ. Dầu phủ kín mít các bãi cát cạn. Dầu thậm chí còn vương vãi thành vệt trên tán cỏ cây xung quanh.

Để hạn chế dầu “xâm lấn” xuống hạ lưu, phía Viwasupco đã huy động công nhân và người dân địa phương đắp hẳn một con đập thô sơ chắn ngang lòng suối. Một loạt bao tải cát, cây gỗ cỡ lớn được sử dụng. Nhưng theo dòng chảy, dầu vẫn âm thầm chạy xuống kênh xử lý nước nằm cách vài trăm mét phía dưới. Tại vị trí chất thải bị đổ trộm, một lớp cát dày được đổ dọc sườn đồi dẫn xuống suối để che đi những vết dầu loang.

Một đập tràn thô sơ được đắp để ngăn dầu trong... vô vọng. (Ảnh: Sơn Bách/Vietnam+)

Đau lòng nhất, suốt dọc đường chúng tôi đi thi thoảng lại nổi lên những xác cua, ốc nằm chết ven bờ. Những con cua bị “sặc” hoá chất hoặc nằm còng queo, đỏ quạch hoặc nổi lập lờ sát mặt nước. Cây cối cháy vàng, héo úa. Cả dòng nước nguồn bỗng dưng trở thành suối chết. Sau gần 1 tuần, công tác khắc phục sự cố vẫn đầy... thô sơ và ngổn ngang, chưa triệt để.

Anh Dũng, người xóm Vật Lại bên dòng suối Khại đau đớn nói: “Từ bé tới giờ, chưa lúc nào tôi thấy suối Khai như vậy cả.” Bản thân trang trại anh Dũng đang trông coi cũng đã bị “lưỡi dầu bẩn” quét qua khiến hơn 500kg cá các cùng một số lượng lớn ba ba nuôi bị chết. Ước tính thiệt hại ban đầu lên tới 60-70 triệu đồng.

Cua, ốc chết do "sặc" hoá chất. (Ảnh: Sơn Bách/Vietnam+)

Nghiêm trọng hơn, nguồn nước ô nhiễm sau đó đã “nhập dòng” vào kênh xử lý của Viwasupco - đơn vị cung cấp nước sạch cho phía Tây Hà Nội. Ngày 8/10 sự cố dầu thải xảy ra thì chỉ hơn 1 ngày sau, hàng nghìn cư dân tại các quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông... đã kêu trời vì phát hiện nước mình sử dụng có mùi lạ.

Trong văn bản gửi Sở Xây dựng Hà Nội, ông Nguyễn Văn Tốn, Tổng Giám đốc Viwasupco vẫn khẳng định: “Kết quả kiểm tra chất lượng nước sạch đầu ra của Phòng hóa nghiệm Công ty vẫn đảm bảo theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế”. Thế nhưng, thực tế phản ánh của người dân cũng như hiện trạng nhãn tiền tại Kỳ Sơn lại làm dấy lên những lo ngại về chất lượng thực sự của nguồn nước.

Trong khi chờ đợi các cơ quan chức năng đưa ra kết luật cuối cùng thì hàng nghìn người dân phía Tây Hà Nội sẽ vẫn phải mua nước đóng chai về dùng. Và phía thượng nguồn, suối Khại vẫn âm thầm ngậm dầu ô nhiễm./.


Theo Sơn Bách - Minh Sơn/Vietnam+

Bạn đang đọc bài viết Dầu thải bị đổ trộm xuống đầu nguồn nước sạch Sông Đà như thế nào? tại chuyên mục Đời sống – Xã hội. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Đời sống – Xã hội