Hà Nội, Chủ nhật Ngày 24/11/2024

Vạch trần chiêu thức 'lỗ giả, lãi thật' về chuyển giá trong doanh nghiệp FDI

DTVN 17:16 19/06/2020

Nhiều nghiên cứu cho rằng, đây là “lỗ giả, lãi thật”, “biểu hiện của việc chuyển giá” và đa số “doanh nghiệp FDI báo lỗ đều có dấu hiệu chuyển giá.

Các doanh nghiệp FDI có thực sự lỗ?

Theo Báo cáo đánh giá thực trạng hoạt động của các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam (gọi tắt là DN FDI) và chính sách ưu đãi tài chính của Bộ Tài chính từ năm 2012 đến năm 2017, quy mô hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) của các DN này duy trì tăng trưởng ở mức cao, tốc độ tăng doanh thu cao hơn tốc độ tăng tài sản (22%) và tốc độ tăng vốn đầu tư của chủ sở hữu (14%).

Lợi nhuận trước thuế năm 2017 của các DN FDI có báo cáo đạt 344.607,5 tỷ đồng, tăng 19,2% so với năm 2016. Một số ngành có sự gia tăng lợi nhuận trước thuế cả về số tuyệt đối và số tương đối, bao gồm: Kinh doanh bất động sản (tăng 193,3%); khai thác, chế biến khoáng sản (tăng 146,3%); linh kiện điện tử, máy vi tính và thiết bị điện tử (tăng 40,3%)...

Trong khi đó, 16.718 DN FDI có báo cáo năm 2017 thì tới 8.646 DN kê khai lỗ (chiếm 52%) với trị giá lỗ là 86.180 tỷ đồng, có 10.582 DN lỗ lũy kế (chiếm 63%) với trị giá lỗ lũy kế là 397.996 tỷ đồng và có 2.673 DN lỗ mất vốn (chiếm 16%) với trị giá vốn chủ sở hữu là âm (-85.604 tỷ đồng). Trong 2.673 DN lỗ mất vốn năm 2017 có đến 1.590 DN lỗ mất vốn nhưng vẫn mở rộng SXKD. Số lượng DN FDI báo lỗ hằng năm từ 44% đến 52% (đặc biệt năm 2017 lên cao nhất là 52% trên số lượng DN có báo cáo).

Đánh giá về thực trạng này, trên Quân đội Nhân dân trích nguồn từ Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, nhận định: Mặc dù doanh thu và lợi nhuận trước thuế của DN FDI tăng đều qua các năm, nhưng tỷ lệ DN báo lỗ, lỗ lũy kế, lỗ mất vốn qua các năm tăng cao và chưa có dấu hiệu giảm. Đáng chú ý, tốc độ tăng về số lượng DN báo lỗ và DN lỗ lũy kế đã cao, nhưng tốc độ tăng của quy mô đầu tư và hoạt động của các DN báo lỗ và có lỗ lũy kế cũng cao.

Điều đó cho thấy, tình trạng chuyển giá của khu vực DN FDI ngày càng gia tăng và phức tạp. Trong đó, cách thức chuyển giá điển hình mà các DN FDI thường áp dụng là thông qua kê khai cao giá hàng hóa, nguyên vật liệu và cung ứng các dịch vụ hành chính, kỹ thuật, pháp lý trong nội bộ tập đoàn (trường hợp của Adidas Việt Nam, Coca-Cola Vietnam, Pepsi Vietnam…).

Hoặc chuyển giá thông qua các khoản vay từ công ty mẹ, công ty liên kết với chi phí lãi vay luôn vượt quá mức thông thường để có thể chuyển lợi nhuận ra nước ngoài (trường hợp của Công ty Trà Đài Loan, Công ty trà Kinh Lộ, Keangnam Vina...).

Cơ quan thuế cũng truy thu Heineken Việt Nam 916 tỉ đồng tiền thuế và tiền chậm nộp thuế (Ảnh minh họa)

Còn theo nghiên cứu “Trốn và tránh thuế của thuế thu nhập DN FDI tại Việt Nam” do nhóm các chuyên gia kinh tế của VERP thực hiện cho thấy, con số mà DN FDI trốn thuế lớn gấp 3 – 4 lần so với con số vi phạm mà cơ quan chức năng phát hiện hằng năm. Ước tính con số này khoảng 13.300 – 19.700 tỷ đồng mỗi năm.

TS Đoàn Xuân Tiên, Phó Tổng kiểm toán Nhà nước nhận định, tình trạng DN FDI kê khai, báo lỗ ngày càng phổ biến, chiếm khoảng 50% tổng số DN FDI đang hoạt động tại Việt Nam. Bên cạnh đó là các hành vi “chuyển giá”; chuyển giao máy móc đã lạc hậu khi vào đầu tư…

Tại TP.HCM, gần 60% trong số hơn 3.500 DN FDI thường xuyên kê khai lỗ liên tục trong nhiều năm.

Điều bất hợp lý là mặc dù thua lỗ liên tục và lỗ lớn nhưng các DN này vẫn mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh. Qua đối chiếu thuế, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện ra một hình thức chuyển giá nữa là công ty FDI ở Việt Nam nhưng bán hàng công ty mẹ ở chính quốc giá thấp hơn giá thành; lỗ lũy kế qua nhiều năm trong khi quy mô hoạt động và doanh số của DN FDI vẫn ổn định, thậm chí tăng trưởng qua các năm; có lãi trong thời gian được miễn thuế, nhưng sau đó báo lỗ khi hết thời hạn miễn thuế; chi mua máy móc thiết bị, dây chuyền sản xuất, nguyên vật liệu từ bên liên kết với tỷ trọng lớn trong tổng mua sắm từ các nguồn…

Điển hình nhất là vụ Coca-Cola Việt Nam bị truy thu, xử phạt về thuế hơn 821 tỷ đồng vào cuối năm 2019. Đây được xem là DN FDI đứng đầu danh sách nghi án chuyển giá tại Việt Nam và Cục Thuế TP.HCM đã xếp DN này ở vị trí số 1 trong danh sách DN có nghi vấn chuyển giá. Kể từ khi vào Việt Nam từ năm 1995 đến nay, Coca-Cola báo lỗ tới hơn 20 năm liên tiếp.

Ngoài Coca-Cola Việt Nam, cuối năm 2019, qua kiểm tra, cơ quan thuế cũng truy thu Heineken Việt Nam 916 tỉ đồng tiền thuế và tiền chậm nộp thuế. Trước đó, một loạt DN FDI khác cũng bị truy thu thuế như Công ty Holcim Việt Nam bị truy thu 1.800 tỉ đồng, Ngân hàng TNHH MTV Standard Chartered bị truy thu 19 tỷ đồng…

Đa số các doanh nghiệp FDI báo lỗ đều có dấu hiệu chuyển giá

Theo Tạp chí Tài chính, tại báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam năm 2015 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố cho thấy, khối doanh nghiệp FDI có tỷ lệ doanh nghiệp thua lỗ lên đến 51,2% (năm 2008) hay 49,8% (năm 2009); các năm 2010, 2011 có giảm xuống, lần lượt là 44,2% và 45% nhưng trong 3 năm từ 2012-2014 lại tăng cao trở lại, xấp xỉ 48%(1).

Một điều bất hợp lý là mặc dù thua lỗ liên tục và lỗ lớn nhưng doanh nghiệp FDI vẫn mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh. Điều đáng nói là trong khi doanh nghiệp FDI báo lỗ thì hầu hết các doanh nghiệp trong nước cùng ngành nghề đều có lãi, nhất là trong lĩnh vực may mặc, giày da.

Tình trạng lỗ này là lỗ thật hay là lỗ do chuyển giá để trốn thuế? Theo báo cáo của nhóm chuyên gia nghiên cứu chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia (PCI) năm 2013, có khoảng 65% doanh nghiệp FDI (được khảo sát) có mức lợi nhuận rất cao (trên 20%), 44% doanh nghiệp FDI có lãi cao (từ 10% - 20%), 12% doanh nghiệp FDI lãi trung bình và 9% doanh nghiệp FDI lãi rất ít thừa nhận có chuyển giá. Cá biệt, có khoảng 30% doanh nghiệp FDI lỗ (từ 0% - 5%) thừa nhận chuyển giá. Điều này một lần nữa “củng cố” cơ sở thực tiễn cho “nghi án” doanh nghiệp FDI tự “đẩy” mình xuống dưới mức có lãi nhằm tránh thuế thu nhập doanh nghiệp để tối đa hóa lợi nhuận. Hiện tượng này (báo lỗ liên tục) được nhiều nghiên cứu cho rằng, đây là “lỗ giả, lãi thật”, “biểu hiện của việc chuyển giá” và đa số “doanh nghiệp FDI báo lỗ đều có dấu hiệu chuyển giá.

Trên thực tế, kết quả thanh tra của cơ quan thuế đối với các doanh nghiệp FDI có nghi vấn chuyển giá cho thấy, nhiều doanh nghiệp FDI có lãi nhưng đã biến lãi thành lỗ thông qua chuyển giá. Kết quả thanh tra về chuyển giá của ngành thuế qua các năm đều cho thấy, mỗi năm ngành thuế đã truy thu hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tỷ đồng từ xử lý chuyển giá của doanh nghiệp. Tuy nhiên, đây chỉ là con số bề nổi, tảng băng chìm trong vấn đề chuyển giá của doanh nghiệp FDI vẫn còn khó đoán định và kiểm soát...

Một điều bất hợp lý là mặc dù thua lỗ liên tục và lỗ lớn nhưng doanh nghiệp FDI vẫn mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, trong đó có ngành may mặc (Ảnh minh họa)

TS Châu Huy Quang, luật sư điều hành Công ty R&T LCT Lawyers, nhận định tình trạng chuyển giá không chỉ xuất hiện ở Việt Nam. Hiện nay, hình thức chuyển giá phổ biến nhất mà các DN FDI áp dụng là bán hàng hóa, nguyên vật liệu cho các bên có quan hệ liên kết (như công ty mẹ hay công ty liên kết trong cùng tập đoàn) với giá thấp hơn giá thị trường, thậm chí giá bán thấp hơn giá vốn, nhưng ngược lại có hợp đồng mua hàng hóa, nguyên vật liệu hay dịch vụ từ các bên có quan hệ liên kết đó với mức giá cao.

“Điều này khiến cho báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh của DN FDI luôn duy trì tình trạng lỗ do kết quả chi phí hoạt động nhiều hơn doanh thu, và theo đó trốn tránh được nghĩa vụ đóng thuế đối với nhà nước. Trong khi đó, công ty mẹ hay công ty liên kết được hưởng lợi từ giá hàng hóa, dịch vụ thấp, nhưng sau đó lại thực hiện hình thức hỗ trợ vốn hoặc cho vay để DN FDI tại Việt Nam tiếp tục hoạt động và mở rộng kinh doanh”, ông Quang nói trên Thanh niên.

T.Hà/Sở hữu trí tuệ

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/vach-tran-chieu-thuc-lo-gia-lai-that-ve-chuyen-gia-trong-doanh-nghiep-fdi-d78273.html

Bạn đang đọc bài viết Vạch trần chiêu thức 'lỗ giả, lãi thật' về chuyển giá trong doanh nghiệp FDI tại chuyên mục Kinh doanh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Kinh doanh