Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

Nam Định: Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu

DTVN 15:55 19/06/2020

Tỉnh Nam Định đang tập trung xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao và kiểu mẫu, góp phần đưa địa phương phát triển hài hòa, bền vững và thực sự trở thành vùng quê đáng sống.

Dẫn đầu cả nước

Theo báo cáo của Văn phòng điều phối NTM tỉnh Nam Định, những năm qua, Chương trình xây dựng NTM tại địa phương được sự hưởng ứng, tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân; với quyết tâm chính trị cao và sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, sáng tạo của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở nên đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Đến hết năm 2018, toàn tỉnh Nam Định có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Đến hết năm 2018, toàn tỉnh có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn NTM, tính bình quân mỗi xã tăng 13,2 tiêu chí so với năm 2010; đến tháng 7/2019 có 10/10 đơn vị cấp huyện đã được công nhận đạt chuẩn NTM, hoàn thành sớm 1,5 năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ XIX đề ra.

Tháng 10/2019, tỉnh Nam Định được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, là 1 trong 2 tỉnh dẫn đầu cả nước trong phong trào xây dựng NTM, được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba về thành tích xây dựng NTM.

Tỉnh Nam Định xác định, xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, là cuộc vận động lớn, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực với sự tham gia tích cực của người dân; xây dựng NTM có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc.

Sau khi các địa phương đạt chuẩn NTM và tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, tỉnh Nam Định tập trung xây dựng NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu, góp phần xây dựng tỉnh Nam Định ngày càng giàu đẹp, văn minh, nông thôn Nam Định phồn thịnh, phát triển bền vững, hài hòa và thực sự là vùng quê đáng sống.

Mục tiêu đến năm 2025, tỉnh Nam Định có 25% xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Mục tiêu cho giai đoạn mới

Mục tiêu đến năm 2025, xây dựng nông thôn Nam Định có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng hiện đại, kết nối đồng bộ với đô thị và sự phát triển kinh tế, cảnh quan môi trường sạch đẹp, xã hội văn minh, đồng thời giữ gìn được bản sắc tốt đẹp của nông thôn Nam Định; người dân ở nông thôn có thu nhập khá, ổn định, có điều kiện sống văn minh; kinh tế nông nghiệp, nông thôn phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, bền vững, hiệu quả và có sức cạnh tranh cao. Có ít nhất 50% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 25% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 5 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao, huyện Hải Hậu được công nhận huyện NTM kiểu mẫu.

Để đạt được mục tiêu trên, hướng tới xây dựng NTM bền vững, tỉnh Nam Định tiếp tục quán triệt, cụ thể hóa các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của các bộ, ngành trung ương vào điều kiện thực tiễn của tỉnh để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ, sáng tạo Chương trình xây dựng NTM. Tiếp tục thực hiện phong trào thi đua "Chung sức xây dựng NTM" và cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh", trong đó đặc biệt coi trọng việc không ngừng củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM cấp xã, cấp huyện để đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu theo hướng bền vững. Đẩy mạnh tái cơ cấu, phát triển nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, gắn với phát triển các ngành công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ, tạo việc làm tăng thu nhập, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn.

Tổ chức rà soát, quản lý, sử dụng hiệu quả các quy hoạch; tập trung thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp, phát triển doanh nghiệp, ngành nghề nông thôn, tạo điều kiện tập trung, tích tụ ruộng đất để phát triển nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn.

Đẩy mạnh thực hiện các nội dung tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh, trong đó đặc biệt coi trọng phát triển chăn nuôi trang trại, gia trại an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh theo quy hoạch. Nhân rộng các mô hình cánh đồng lớn liên kết theo chuỗi giá trị các sản phẩm trồng trọt chủ lực.

Tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng khuyến khích, hỗ trợ nông dân và các chủ trang trại thành lập Hợp tác xã (HTX) kiểu mới theo Luật HTX 2012. Triển khai mạnh mẽ Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) để khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong tỉnh.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, phát triển công nghiệp chế biến gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm và phát triển thị trường tiêu thụ các nông sản chủ lực của tỉnh. Tăng cường hợp tác quốc tế trong sản xuất nông nghiệp với các nước có nền nông nghiệp tiên tiến như Nhật Bản, Hàn Quốc...

Bên cạnh đó, xây dựng và giữ gìn cảnh quan môi trường nông thôn theo hướng xanh - sạch - đẹp, hình thành các vùng quê đáng sống. Thực hiện đồng bộ các biện pháp xử lý triệt để ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, các khu chăn nuôi, các cụm - điểm công nghiệp. Cải tạo, nâng cấp các khu xử lý rác thải sinh hoạt tập trung ở các xã, thị trấn trở thành khu xử lý rác thân thiện môi trường. Thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng các khu xử lý chất thải theo quy hoạch. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng công trình nước sạch tập trung trên địa bàn nông thôn...

Để Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 được thực hiện hiệu quả, Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Nam Định đề nghị, Văn phòng Điều phối NTM trung ương tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn... sớm ban hành Bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2021-2025 để các địa phương thuận tiện trong việc xác định mục tiêu xây dựng NTM trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp. Tăng cường hỗ trợ để tạo nguồn lực cho các địa phương xây dựng NTM. Ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi hơn, tạo điều kiện tích tụ, tập trung ruộng đất, thu hút đầu tư vào nông nghiệp…

Nam Định đặt mục tiêu đến hết năm 2025, toàn tỉnh có trên 98% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch.

Theo Nguyễn Hạnh/Báo Công Thương Điện Tử

Link gốc : https://congthuong.vn/nam-dinh-xay-dung-nong-thon-moi-kieu-mau-139129.html

Bạn đang đọc bài viết Nam Định: Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu tại chuyên mục Kinh tế địa phương. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Kinh tế địa phương