Làm tốt chuyện "hậu cần" trước khi "tiếp khách"
Với những kết quả tích cực trong phòng chống dịch bệnh, Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, tạo niềm tin lớn cho các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm đầu tư kinh doanh tại Việt Nam khi trở thành một trong số ít quốc gia ít bị ảnh hưởng của dịch bệnh và dự báo sẽ sớm vượt qua cơn bão suy thoái toàn cầu.
Trong xu thế dịch chuyển dòng vốn đầu tư nước ngoài ra khỏi Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á do tác động kép từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và dịch bệnh COVID-19, Việt Nam được đánh giá là một trong những vùng trũng thu hút dòng vốn, với các lợi thế ưu việt.
Cơ hội là hiện hữu, song theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng để thu hút được dòng vốn này trong thời gian tới, Việt Nam sẽ phải cạnh tranh rất quyết liệt.
“Căng thẳng Mỹ - Trung khiến nhiều nhà đầu tư rời khỏi Trung Quốc; nhiều nước có chính sách vô cùng cạnh tranh để đón dòng vốn này. Có thể kể đến Thái Lan với gói kích thích rất lớn...
Trong bối cảnh này, Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng, sau khi dịch Covid-19 được khống chế trên phạm vi toàn cầu, khi các tập đoàn đa quốc gia phục hồi sản xuất - kinh doanh, định hình lại chiến lược đầu tư kinh doanh trong chuỗi sản xuất, cơ hội được đánh giá là sẽ đến với Việt Nam, tùy thuộc vào các giải pháp xử lý khủng hoảng và hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ trong tương quan với các nước trong khu vực, cũng như khả năng phục hồi và hấp thụ các cơ hội của doanh nghiệp.
Nhìn nhận cơ hội đến từ sự chuyển dịch làn sóng đầu tư gắn liền với chuỗi giá trị và sản xuất thời hậu dịch là rõ ràng, song các doanh nghiệp trong nước vẫn tỏ ra khá thận trọng. Những hạn chế về quy mô, năng lực và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước lại là rào cản khiến các nhà sản xuất trong nước không thể tự tin đón nhận cơ hội tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu nhất là khi phần lớn doanh nghiệp trong nước chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Ngay cả khi đã đạt về chất lượng và chủng loại sản phẩm, doanh nghiệp Việt Nam cũng khó cạnh tranh về giá so với các nước, do chi phí cao bởi lãi vay ngân hàng, thuế và phí các loại, chi phí không chính thức cao trong khi đó, các hỗ trợ của Chính phủ về đất đai, công nghệ, vốn, nhân lực vẫn còn tồn tại nhiều trên chính sách...
TS. Nguyễn Đình Cung (nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương - CIEM), thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, đề xuất Chính phủ có thể lập một tổ công tác đặc biệt để đàm phán, thu hút dòng vốn FDI dịch chuyển đầu tư sau dịch COVID-19.
Theo TS. Nguyễn Đình Cung, chắc chắn sẽ có một làn sóng dịch chuyển vốn đầu tư, nhưng nếu Việt Nam "ngồi chờ" thì dòng vốn này chưa chắc đã đến hoặc có thể có vốn đến với Việt Nam, nhưng lại là dòng vốn không chất lượng.
Định hướng thu hút FDI lúc này là có thể chọn lọc và đón được dòng vốn chất lượng. Muốn như vậy thì phải nâng cấp được vị trí của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu. "Phải hành động, phải đi tìm người ta", TS. Cung nhấn mạnh.
Nguyên Viện trưởng CIEM nêu quan điểm: "Nếu Chính phủ thấy việc đón dòng vốn FDI quan trọng thì nên lập một tổ công tác đặc biệt, lấy thẩm quyền của Thủ tướng đi đàm phán với các tập đoàn, doanh nghiệp có ý định dịch chuyển dây chuyền sản xuất. Việc hành động như vậy sẽ giúp Việt Nam biết được các tập đoàn đa quốc gia đang như thế nào, họ cần gì. Lúc đó, Việt Nam cũng đặt ra những mục tiêu riêng thu hút vốn như thế nào, cần gì từ các nhà đầu tư.
"Có tổ công tác đặc biệt sẽ đi mời, đi chào, đi đón đầu, đi gặp gỡ để kéo được những dòng vốn mà mình cần về. Không thể ngồi chờ, nếu ngồi chờ thì các nước khác sẽ hút hết những cái ngon nhất. Những cái còn lại mới đến lượt Việt Nam", TS. Nguyễn Đình Cung phân tích.
Thanh Nga(TH)/ Sở hữu trí tuệ