Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 06/12/2024

Thu hút vốn FDI: Góc nhìn từ hoạt động góp vốn mua cổ phần qua kênh địa ốc

DTVN 19:53 16/12/2019

Bên cạnh việc xây dựng những chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư nước ngoài cần chắc chắn rằng các quy định này sẽ không tạo ra kẽ hở để doanh nghiệp FDI trục lợi nhất là thông qua hoạt động góp vốn

Góp vốn, mua cổ phần doanh nghiệp Việt tăng mạnh

Theo Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 11 tháng năm 2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 31,8 tỷ USD, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2018.

Vốn thực hiện của dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 17,69 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2018.

Theo đó, tính đến ngày 20/11/2019, có 3.478 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tăng 28,2% số dự án so với cùng kỳ năm 2018. Tổng vốn đăng ký cấp mới 14,68 tỷ USD, bằng 93% so với cùng kỳ năm 2018. Vốn đầu tư đăng ký cấp mới giảm nhưng tốc độ giảm đã nhỏ dần so với các tháng trước.

Vốn FDI không ngừng đổ vào Việt Nam

Trái ngược xu hướng giảm của vốn đăng ký mới và tăng thêm, vốn đầu tư theo góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng mạnh.Về vốn điều chỉnh, có 1.256 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2018. Tổng vốn đăng ký điều chỉnh 5,87 tỷ USD, bằng 79,3% so với cùng kỳ năm 2018.

Cụ thể trong 11 tháng năm 2019, có 8.561 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp 11,24 tỷ USD, tăng 47,1% so với cùng kỳ năm 2018 và chiếm 35,4% tổng vốn đăng ký.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, đầu tư theo hình thức góp vốn mua cổ phần có xu hướng tăng mạnh trong những năm gần đây và chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng vốn đầu tư nước ngoài.

Cụ thể, năm 2017, đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần chiếm 17,02% tổng vốn đăng ký; năm 2018 chiếm 27,78%; 11 tháng năm 2019 chiếm 35,4% tổng vốn đăng ký. Trong khi đó, vốn giải ngân khá tích cực. 11 tháng, đã có 17,62 tỷ USD được đưa vào thực hiện, tăng 6,8% so với cùng kỳ.

Cũng theo Cục Đầu tư nước ngoài, trong 11 tháng năm 2019, đã có 117 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam trong đó, Hồng Kông dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 6,69 tỷ USD (trong đó, có 3,85 tỷ USD mua cổ phần vào Công ty TNHH Vietnam Beverage tại Hà Nội, chiếm 57,5% tổng vốn đầu tư của Hồng Kông).

Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 5,73 tỷ USD, chiếm 18% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Singapore đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký là 4,47 tỷ USD, chiếm 14% tổng vốn đầu tư; tiếp theo là Trung Quốc, Nhật Bản...

Cục Đầu tư nước ngoài cũng cho biết, đầu tư từ Trung Quốc, Hồng Kông có xu hướng tăng so với cùng kỳ do tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Cụ thể, đầu tư từ Trung Quốc tăng gần 2 lần, từ Hồng Kông tăng 3,9 lần so với cùng kỳ 2018.

Cũng theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành lĩnh vực, trong đó đầu tư tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng số vốn đạt 21,56 tỷ USD, chiếm 67,8% tổng vốn đầu tư đăng ký; lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 3,31 tỷ USD, chiếm 10,4% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo là các lĩnh vực bán buôn bán lẻ, hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ,...

Nhà đầu tư nước ngoài thường chọn việc góp vón, mua cổ phần doanh nghiệp nội để “đi tắt” đầu tư

Góp vốn, mua cổ phần địa ốc: “Mừng một nửa và lo một nửa”

Với 3,31 tỷ USD đổ vào bất động sản sau 11 tháng, có thể thấy, đây là một kênh đầu tư khá ưu việt đối với các nhà đầu tư ngoại muốn đầu tư tại Việt Nam. Và phương thức được nhiều doanh nghiệp ngoại lựa chọn chính là góp vốn và mua cổ phần.

Dẫn chứng thực tế tại TP. HCM, báo cáo tình hình kinh tế - xã hội trong nửa đầu năm 2019 cho thấy, lĩnh vực bất động sản đang thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước cao nhất, tiếp theo mới là dòng tiền đổ vào công nghiệp sản xuất, chế biến, chế tạo.

Điều đáng nói, vốn FDI đăng ký vào bất động sản qua kênh góp vốn, mua cổ phần đạt 1,75 tỷ USD, chiếm 58,6% tổng vốn FDI vào bất động sản (cao nhất từ trước đến nay và tăng trưởng đến 235% so với cùng kỳ năm trước). Từ quý II/2019 đến thời điểm trung tuần quý IV/2019, đặc biệt trong tháng 8, vốn FDI vào bất động sản hình thức góp vốn mua cổ phần ghi nhận tăng đột biến.

Không chỉ dừng lại ở giá trị, số lượt góp vốn mua cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài trong 10 tháng qua cũng tăng mạnh, đạt 299 lượt, so với cùng kỳ năm ngoái chỉ đạt 121 lượt (cả năm 2018 chỉ có 147 lượt, năm 2017 là 107 lượt và 2016 là 80 lượt).

Thực tế, nhiều doanh nghiệp bất động sản niêm yết như Vingroup, Novaland, Thuduc House, Nam Long, NBB, TTC Land... đã tiên phong hợp tác với khối ngoại để đầu tư phát triển dự án.

Theo bà Dương Thùy Dung - Giám đốc cấp cao của CBRE Việt Nam, nguyên nhân khiến vốn FDI đổ vào bất động sản thông qua việc mua cổ phần tăng cao một phần do Ngân hàng Nhà nước kiểm soát dòng tín dụng vào lĩnh vực bất động sản, điều chỉnh giảm tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn và nhu cầu tái cấu trúc vốn chủ sở hữu khiến các doanh nghiệp bất động sản trong nước đẩy tăng tiếp cận vốn đầu tư nước ngoài qua hình thức liên doanh, liên kết, bán cổ phần…

Cũng nhận định về xu hướng trên, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính đã chỉ ra một số vấn đề cần lưu ý.

Ông Đính cho rằng, dòng vốn FDI đổ vào bất động sản Việt Nam tăng mạnh trong nhiều năm gần đây nhất là theo hình thức góp vốn, mua cổ phần là xu hướng không mới. Việc này có lý do từ thủ tục, chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam quá phức tạp, rườm rà, mất thời gian và rủi ro quá cao công với việc thủ tục sang tên, chuyển nhượng chủ đầu tư dự án ở Việt Nam cũng rất phức tạp, khó khăn. Vì lý do này, nhà đầu tư ngoại thường lựa chọn giải pháp góp vốn theo tỉ lệ cao vào những doanh nghiệp đang hoạt động hoặc đã được cấp đầy đủ giấy phép hoạt động, sau đó từng bước chiếm hữu, nắm quyền chi phối, điều hành tại doanh nghiệp.

Đây là giải pháp nhanh nhất, dễ nhất để nhà đầu tư ngoại đẩy nhanh dòng vốn FDI vào dự án, từng bước chiếm quyền chi phối, thâu tóm dự án.

Trước những lo ngại tăng vốn FDI để từng bước thâu tóm, chiếm hữu doanh nghiệp rồi dần tiến tới thâu tóm, sở hữu đất đai, tài sản của đất nước, ông Đính nhận định, đây chính là hệ quả của cơ chế quản lý chưa chặt chẽ.

Bất động sản trở thành kênh đầu tư béo bở cho các doanh nghiệp ngoại

Theo ông Đính, xu hướng đầu tư vào bất động sản Việt Nam không chỉ có những nhà đầu tư Trung Quốc mà còn có rất nhiều những nhà đầu tư nước ngoài khác.

Xét trên phương diện đầu tư, kinh doanh đây là hiện tượng bình thường, tuy nhiên, trên góc độ quản lý sẽ có những lo ngại đằng sau dòng vốn FDI đổ vào bất động sản ngoài mục đích đầu tư thì còn những mục đích khác. Nhất là với dòng vốn Trung Quốc, đó là lo ngại thực tế.

Vì thế, ông Đính cho rằng, nhà đầu tư luôn đứng trên lợi ích của doanh nghiệp. Vì thế, với bất kỳ nhà đầu tư nào nếu công tác quản lý bị buông lỏng thì sai phạm đều có thể xảy ra.

Là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế, khu vực kinh tế có vốn FDI đã và đang mang đến đồng thời cả cơ hội và thách thức. Trong bối cảnh nền kinh tế nước ta hội nhập sâu rộng như hiện nay, điều quan trọng là phải tận dụng được cơ hội và lái dòng vốn FDI để không chỉ phát triển theo chiều rộng, mà phải cả chiều sâu và mang tính bền vững.

Trước những đòi hỏi này, ngày 20/8/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TƯ về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Nghị quyết đã nêu rõ những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như: Hoàn thiện thể chế, chính sách thu hút đầu tư, chính sách quản lý, giám sát đầu tư; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài... Đây chính là những giải pháp khung để kênh vốn FDI phát triển mạnh mẽ nên các cấp, ngành, địa phương phải có hành động cụ thể, sớm đưa nghị quyết vào cuộc sống.

Điều cần làm trước tiên là phải hoàn thiện thể chế, chính sách trong thu hút vốn FDI theo hướng công khai, minh bạch, có tính cạnh tranh cao. Bên cạnh việc xây dựng những chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư, cũng cần chắc chắn rằng các quy định này không tạo ra kẽ hở để doanh nghiệp FDI trục lợi.

Muốn chọn được các dự án chất lượng, ngay từ đầu nguồn phải có “bộ lọc” chuẩn. Theo đó, các cơ quan quản lý Nhà nước nhất thiết phải đặt ra các tiêu chí khắt khe về vốn, công nghệ, lao động… và buộc doanh nghiệp tuân thủ. Bên cạnh đó, phải tạo điều kiện và chú trọng thu hút doanh nghiệp hoạt động trong các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ mới, tiên tiến, thân thiện môi trường.

Theo TBCK

Link gốc : https://tbck.vn/thu-hut-von-fdi-goc-nhin-tu-hoat-dong-gop-von-mua-co-phan-qua-kenh-dia-oc-55796.html

Bạn đang đọc bài viết Thu hút vốn FDI: Góc nhìn từ hoạt động góp vốn mua cổ phần qua kênh địa ốc tại chuyên mục Thị trường địa ốc. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Thị trường địa ốc