GVR lên kế hoạch thoái vốn ngoài ngành
Đại hội cổ đông mới đây, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - VRG (mã GVR) có nhấn mạnh đến kế hoạch tái cơ cấu. Trong đó thoái vốn ngoài ngành được cho là một trong những mục tiêu chính.
Cụ thể, đến cuối năm 2019, Tập đoàn thoái vốn tại các đơn vị ngoài ngành và thu về 2.342 tỷ đồng. Theo giá trị sổ sách là 1.391 tỷ đồng, ghi nhận lãi 952 tỷ đồng. Trong thời gian tới, công ty còn phải thoái 2.061 tỷ đồng. Trong đó, giá trị đầu tư của 5 công ty thủy điện chiếm hơn 50%, khoảng 1.079 tỷ đồng.
Theo kế hoạch, tập đoàn tiếp tục rà soát thoái vốn tại các doanh nghiệp khác, kể cả những đơn vị đang hoạt động có hiệu quả và thuộc ngành sản xuất chính để tập trung vào các lĩnh vực có biên lợi nhuận cao và ổn định hơn. Chủ yếu là các khu công nghiệp gắn với các khu dân cư được quy hoạch cùng với dự án.
GVR dự kiến nghiên cứu thực hiện chuyển đổi 20 công ty nông nghiệp TNHH MTV do Tập đoàn đầu tư 100% vốn sang CTCP nhằm hướng đến hoạt động minh bạch, hiệu quả hơn và thu hút đầu tư bên ngoài, giảm vốn đầu tư của Tập đoàn. Nguồn vốn thoái được dành để đầu tư các lĩnh vực khác.
Trong năm 2020, tập đoàn này cho biết thực hiện sáp nhập Cao su Quavan vào Cao su Việt Lào, VRG Oudomxay vào Quasa Geruco, sáp nhập Cao su Hương Khê Hà Tĩnh vào Cao su Hà Tĩnh, Cao su Đăk Nông vào Cao su Đồng Phú
Lợi nhuận năm 2020 dự kiến tăng 5%
Tại đại hội, HĐQT trình cổ đông kế hoạch doanh thu thuần là 24.647 tỷ đồng, tăng 8% so với mức thực hiện năm 2019. Lợi nhuận sau thuế dự kiến 4.029 tỷ đồng, tăng 5%. Doanh nghiệp dự chi cổ tức năm 2020 và 2019 tỷ lệ 6%/năm.
Quý I/2020, doanh thu thuần thuần giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái, còn 2.745 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế là 337 tỷ đồng, tăng 7%. Với kết quả này, Tập đoàn Cao su hoàn thành 11% kế hoạch doanh thu và 8% kế hoạch.
Còn theo báo cáo HĐQT, kết quả sản xuất kinh doanh năm 2020 của Tập đoàn chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Các sản phẩm xuất khẩu chủ lực như mủ cao su, sản phẩm gỗ đều đang giảm giá mạnh và rất khó tiêu thụ do nhu cầu sử dụng trên thế giới giảm mạnh. Tình hình kinh doanh của các khu công nghiệp gần như ngưng trệ.
Trước tình hình khó khăn năm nay, HĐQT định hướng tiếp tục thực hiện việc tái cơ cấu, thoái vốn ở các công ty đủ điều kiện và sắp xếp lại cơ cấu để tạo nguồn vốn đầu tư. Công ty cũng nâng cao hiệu quả lĩnh vực khai thác, chế biến và tiêu thụ cao su trên cơ sở xây dựng và phát triển thương hiệu cao su của Tập đoàn gắn với thương hiệu cao su Việt Nam, đẩy mạnh hiệu quả hoạt động của các nhà máy sản xuất gỗ và gỗ nhân tạo (MDF, HDF...), tiếp tục thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp và cụm công nghiệp của Tập đoàn.
Tập đoàn Cao su tiếp tục đẩy mạnh phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên đất cao su phù hợp với quy hoạch của địa phương nhằm khai thác tối đa tiềm năng hiện có, nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai.
Năm 2020, công ty dành ra khoảng 2.426 tỷ đồng từ nguồn vốn chủ sở hữu và vốn vay cho mục đích đầu tư phát triển. Trong đó, hoạt động tài chính dài hạn là 1.865 tỷ đồng, gần gấp 3 lần năm 2019.
Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam mới niêm yết toàn bộ 4 tỷ cổ phiếu tại HOSE ngày 17/3. Chào sàn giữa bối cảnh thị trường chung diễn biến xấu, cổ phiếu GVR mở cửa trong sắc đỏ tại giá 10.500 đồng/cp, giảm hơn 9% so với mức giá tham chiếu 11.570 đồng/cp. Cổ phiếu có thời điểm rơi xuống dưới mệnh giá. Tuy vậy, hiện giá cổ phiếu GVR đã lên gần 13.000 đồng/cổ phiếu.
Tập đoàn Cao su được cổ phần hóa vào đầu năm 2018 khi bán hơn 100 triệu cổ phiếu trong tổng số 475 triệu đơn vị chào bán ra công chúng, giá đấu thành công bình quân đạt 13.011 đồng/cp. Do không bán hết, hiện Nhà nước vẫn nắm giữ 96,77% vốn điều lệ.
Cổ phiếu GVR bắt đầu giao dịch trên UPCoM từ 21/3/2018 với giá 10.900 đồng/cp và có giai đoạn tăng mạnh vào giữa năm 2019 lên mức đỉnh 16.600 đồng/cp.
Tập đoàn Cao su hiện sở hữu quy mô tài sản lên đến 76.000 tỷ đồng, trong đó lượng tiền đạt trên 11.000 tỷ đồng. Doanh nghiệp Nhà nước này có diện tích cao su kinh doanh vào khoảng 220.733 ha, diện tích KCN hơn 1,4 triệu m2 và diện tích nông nghiệp công nghệ cao gần 3,44 triệu m2.
Nhiều mục tiêu kinh tế trên quỹ đất
Tập đoàn sẽ phát triển và trồng khoảng 20.000ha rừng, tương đương khoảng 5% diện tích cao su hiện nay; chuyển đổi diện tích quỹ đất đang trồng cao su sang trồng rừng, định hướng phát triển mạnh ở khu vực miền Trung.
GVR sẽ tiếp tục tái cơ cấu ngành nghề kinh doanh, chỉ tập trung đầu tư vào 5 ngành nghề có truyền thống và lợi thế gồm chế biến gỗ cao su; sản phẩm công nghiệp cao su; khu công nghiệp đầu tư trên đất cao su; trồng, chăm sóc chế biến mủ cao su; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, Tập đoàn tập trung đầu tư vào 3 lĩnh vực đầu tiên nhằm tạo đà phát triển trong năm 2020 và kế hoạch 5 năm 2021 - 2025.
Năm 2020, hạ tầng khu công nghiệp là lĩnh vực được Tập đoàn ưu tiên đầu tư với kỳ vọng dòng dịch chuyển sản xuất toàn cầu sẽ từ Trung Quốc sang Việt Nam thời gian tới. GVR hiện đang quản lý 16 khu công nghiệp với tổng diện tích gần 6.566ha. GVR đang lên kế hoạch triển khai các KCN Nam Tân Uyên, Rạch Bắp mở rộng và dự kiến đến cuối năm sẽ có sản phẩm thương mại. Phần còn lại, các KCN Bắc Đồng Phú, Nam Đồng Phú, Long Thành - Dầu Giây… đang tiến hành thực hiên các thủ tục.
Theo chia sẻ của ban quản trị, GVR đang phối hợp với các địa phương để quy hoạch các KCN, diện tích dự kiến trong giai đoạn 2021 - 2025 lên đến 15.000ha, trung bình mỗi năm cho thuê từ 600 - 1.000ha. Năm 2020 sẽ thoái vốn khỏi SIP bằng việc bán trực tiếp trên sàn, lên kế hoạch thoái tiếp tại NTC.
Thanh Nga(TH)/ Sở hữu trí tuệ