Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

Triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng

CHẤT LƯỢNG VIỆT NAM ONLINE 10:30 09/07/2021

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất chất lượng (NSCL) giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh

Nhiều hoạt động liên quan tới năng suất được triển khai

UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, thực hiện Quyết định số 1322/QĐ-TTg ngày 31/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021 - 2030 và Quyết định số 36/QĐ-TTg ngày 11/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021 - 2030; theo đề nghị của Sở Khoa học và Công nghệ (Sở KHCN) tại Tờ trình số 707/TTr-SKHCN ngày 28/5/2021, UBND tỉnh ban hành kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất chất lượng (NSCL) giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh.

Cũng theo UBND tỉnh Khánh Hòa, thời gian qua, tỉnh này đã triển khai nhiều hoạt động thực tiễn liên quan đến nâng cao năng suất chất lượng. Cụ thể, tỉnh đã triển khai Dự án năng suất và chất lượng thuộc Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa (Dự án NSCL tỉnh Khánh Hòa).

Dự án NSCL tỉnh Khánh Hòa đã được phê duyệt và triển khai thực hiện được các nội dung về tuyên truyền phổ biến, đào tạo tập huấn. Từ đó, đã tạo được sự quan tâm của một số doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) về công tác quản lý và các hoạt động nâng cao NSCL; trang bị, bổ sung được kiến thức và kỹ năng quản lý về NSCL cho một số cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) trong tỉnh.

Bên cạnh đó, Sở KHCN đã lồng ghép thực hiện nhiệm vụ KHCN để tính toán năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) và các chỉ tiêu năng suất (NS) của tỉnh, các ngành, các tổ chức, doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh đạt được yêu cầu trong việc cung cấp các luận cứ khoa học để Tỉnh ủy và UBND tỉnh xây dựng báo cáo trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh và định hướng các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn 2021 - 2025.

Dự án cũng đã phối hợp, lồng ghép với các hoạt động quản lý, các chương trình khác để thực hiện một số nội dung liên quan đến nâng cao NSCL như: Vận động và triển khai hoạt động Giải thưởng Chất lượng Quốc gia (GTCLQG) trong một số DN tiêu biểu, triển khai Dự án tăng cường năng lực đánh giá sự phù hợp cho Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) tỉnh Khánh Hòa, điều tra và xây dựng được cơ sở dữ liệu về tổ chức đánh giá sự phù hợp để cung cấp thông tin cho các DNNVV biết và lựa chọn, nhằm giảm chi phí đánh giá sự phù hợp. Các hoạt động xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đã đi vào chiều sâu và ổn định; qua đó đã đảm bảo được một số mục tiêu cơ bản mà Dự án NSCL tỉnh Khánh Hòa đã đặt ra.

Những hạn chế cần khắc phục

Hạn chế lớn nhất của Dự án NSCL của tỉnh Khánh Hòa là một số nội dung lớn của Dự án về hỗ trợ DNNVV để thực hiện các hoạt động nâng cao NSCL chưa thực hiện được. Nguyên nhân, các nội dung hỗ trợ DN của Dự án chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định mức chi cụ thể nên phải xây dựng Nghị quyết của Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh. Việc xây dựng Nghị quyết của HĐND về quy định mức chi bị các vướng mắc liên quan đến cơ chế đặc thù. Việc không thực hiện được nội dung hỗ trợ DN đã ảnh hưởng rất lớn đến việc hoàn thành các mục tiêu và nội dung khác của Dự án NSCL (như: Đào tạo DNNVV về các kiến thức và kỹ năng nâng cao NSCL, nhưng không hỗ trợ để áp dụng cụ thể vào DN sẽ không phát huy tác dụng thực chất nâng cao NSCL trong DN; không xây dựng được mô hình DN điển hình về nâng cao NSCL trên địa bàn tỉnh).

Dự án tăng cường năng lực thử nghiệm, đo lường cho Trung tâm Kỹ thuật TCĐLCL tỉnh Khánh Hòa triển khai quá chậm do vướng mắc về thủ tục đầu tư và mặt bằng thi công nên chưa thực hiện được nội dung hỗ trợ lập hồ sơ chỉ định lĩnh vực đánh giá sự phù hợp. Việc xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật địa phương do các ngành chủ trì (có 01 Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về nước sinh hoạt do Sở Y tế chủ trì) đến nay vẫn chưa hoàn thành thủ tục phê duyệt dự án và kế hoạch để triển khai; một số mặt hàng đặc trưng của Khánh Hòa như yến sào, trầm hương chưa được Bộ quản lý chuyên ngành ban hành các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật nên việc quản lý chất lượng còn khó khăn.

Tuy Sở KHCN đã hoàn thành đề tài tính toán TFP cho tỉnh, nhưng theo Nghị định số 97/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ Quy định nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và Quyết định số 54/2016/QD-TTg ngày 19/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, chỉ tiêu TFP được quy định là chỉ tiêu thống kê quốc gia, không có trong hệ thống chỉ tiêu thống kê ở cấp tỉnh; do đó gây ra khó khăn trong việc bàn giao kết quả đề tài và giao nhiệm vụ tính toán chỉ tiêu TFP cấp tỉnh cho cơ quan chuyên môn.

Đến giai đoạn kết thúc Dự án trong năm 2020, Nghị quyết của HĐND về hỗ trợ DNNVV chưa được thông qua, nên các mục tiêu và nội dung về hỗ trợ DNNVV nâng cao NSCL không thực hiện được.

Ảnh minh họa

Định hướng, giải pháp cho giai đoạn 2021-2025

Theo kết quả về tính toán TFP và các chỉ tiêu NS của tỉnh trong Đề tài KHCN “Chỉ tiêu năng suất giai đoạn 2010 - 2015, các giải pháp nâng cao chỉ tiêu năng suất đến năm 2020 định hướng đến 2030 của tỉnh Khánh Hòa’’, NS lao động trung bình giai đoạn 2016- 2018 theo giá năm 2010 là 67,4 triệu đồng, tăng bình quân 6,9%/năm; hiệu quả vốn đầu tư (1COR) năm 2018 là 8,93; NS vốn đầu tư giai đoạn 2011 - 2015 là 0,45 và giai đoạn 2016 - 2018 là 0,39; tốc độ tăng NS vốn năm 2018 so với năm 2017 là -4,8% (giảm); tốc độ tăng TFP trung bình giai đoạn 2011 - 2015 là 1,09% và giai đoạn 2016 - 2018 là 2,76%; mức độ đóng góp của NS các nhân tố tổng hợp TFP vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh trung bình giai đoạn 2011 - 2015 là 17,2% và giai đoạn 2016 - 2018 là 36,25%.

Định hướng phát triển các ngành kinh tế thế mạnh của tỉnh, các sản phẩm, hàng hóa (SPHH) đặc trưng, chủ lực, ưu tiên của địa phương, có khả năng đáp ứng tốt yêu cầu tiêu dùng trong nước và tham gia xuất khẩu của tỉnh. Trong đó, bao gồm các ngành dịch vụ, du lịch; công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, chế biến thực phẩm; sản xuất thủy sản, hàng công nghiệp phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu, hàng thay thế hàng nhập khẩu; công nghiệp hóa chất phục vụ nông nghiệp, nông thôn; sản xuất vật liệu xây dựng; sản xuất hàng tiểu thủ công nghiệp,...

Tập trung các nhóm SPHH như các sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp theo Quyết định số 2084/QĐ-UBND ngày 20/7/2018 của UBND tỉnh, gồm: Xoài, sầu riêng, bưởi, tỏi, mía tím và mía nguyên liệu; bò, heo, gà; keo lai giâm hom; cá ngừ vây vàng, cá ngừ sọc dưa, tôm thẻ chân trắng, tôm hùm; Các loại nông sản thực phẩm được công nhận và tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), chương trình phát triển thương hiệu, quản lý an toàn thực phẩm theo chuỗi..., như: Mía tím, sầu riêng Khánh Sơn, tỏi Vạn Ninh, xoài, khoai sáp Cam Lâm, táo Cam Ranh, bưởi da xanh, tôm hùm, ốc hương, nước mắm, rong nho khô, chả cá, nem chua, hoa cúc Ninh Giang,...

Các loại SPHH đặc trưng của Khánh Hòa: Yến Sào, các sản phẩm từ Yến Sào; trầm hương và các sản phẩm chế biến từ trầm hương; Các SPHH của ngành công nghiệp hỗ trợ phụ trợ cho sản xuất sản phẩm, phụ tùng; lắp ráp và sửa chữa máy móc, thiết bị, dụng cụ cơ khí; điện, điện tử - tin học; sản xuất, gia công chi tiết, bán thành phẩm; chế biến cà phê,...Nhóm hàng tiểu thủ công nghiệp về nội thất, trang trí, du lịch: Đá mỹ nghệ Ninh Giang, đúc đồng Diên Khánh, sản phẩm đồ nội thất bằng gỗ,...;Các dịch vụ du lịch, kinh doanh hàng hóa hướng vào sản phẩm dịch vụ phục vụ tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí,...

Về nguồn lực triển khai thực hiện chương trình, theo thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có 40 đơn vị có hoạt động nghiên cứu KHCN, có 41 tổ chức thực hiện hoạt động đánh giá sự phù hợp ở các lĩnh vực, có 35 tổ chức có đăng ký hoạt động KHCN. Ngoài ra, trong tỉnh còn có hơn 20.500 cán bộ có trình độ cao đẳng, đại học và trên 200 cán bộ có trình độ trên đại học, tỷ lệ lao động được đào tạo nghề chiếm trên 25%. Các nguồn lực trên được xem là tiềm năng để phục vụ cho triển khai các hoạt động nâng cao NSCL trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.

Tuy vậy, bên cạnh đó vẫn còn một số khó khăn về nguồn lực trên địa bàn tỉnh để hỗ trợ cho hoạt động nâng cao NSCL trong giai đoạn tiếp theo như: Chưa có các tổ chức tư vấn và đánh giá cho các hoạt động áp dụng hệ thống quản lý chất lượng và các công cụ nâng cao NSCL, có rất ít tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định, chưa hình thành được các trung tâm về đổi mới sáng tạo, lực lượng chuyên gia liên quan đến hoạt động nâng cao NSCL chưa có,...

Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng

Mục tiêu chung của kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất chất lượng (NSCL) giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa là hỗ trợ DN trên địa bàn tỉnh nâng cao NSCL của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ SPHH trên cơ sở ứng dụng các thành tựu của KHCN; áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến NSCL; hỗ trợ DN trong nghiên cứu, đổi mới, chuyển giao và ứng dụng công nghệ để nâng cao NSCL; kết hợp với nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, phù hợp xu thế của cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ tư.

Thúc đẩy hoạt động nâng cao NS lao động, NS các nhân tố tổng hợp TFP dựa trên nền tảng KHCN và đổi mới sáng tạo (ĐMST); qua đó, nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng trưởng bền vững cho DN, nâng tỷ trọng đóng góp của TFP vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh Khánh Hòa; góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế tỉnh Khánh Hòa, đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Mục tiêu cụ thể là đào tạo và được chứng nhận đạt tiêu chuẩn cho 10-15 lượt chuyên gia NSCL trong tỉnh; Góp phần đạt mục tiêu tăng NS lao động bình quân 7%/năm; Đóng góp của NS các nhân tố tổng hợp TFP vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 40% vào năm 2025; Có tối thiểu 50 DN tham gia Kế hoạch và được hỗ trợ thực hiện các biện pháp để nâng cao NSCL. Trong đó, có ít nhất 03 DN xây dựng và triển khai Dự án điểm áp dụng đồng bộ các giải pháp về cải tiến NS; thực hiện các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo để nâng cao NS;

Hỗ trợ triển khai thực hiện từ 5 - 10 nhiệm vụ khoa học công nghệ có nội dung gắn liền với nghiên cứu, ứng dụng KHCN nhằm nâng cao NSCL phục vụ cho ngành, lĩnh vực và DN trên địa bàn tỉnh; Nâng cao năng lực cho 02 tổ chức đánh giá sự phù hợp thuộc hệ thống tổ chức sự nghiệp công lập của tỉnh đáp ứng đủ yêu cầu năng lực đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho các SPHH chủ lực trên địa bàn tỉnh; Hình thành ít nhất 01 Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST, trong đó có các hoạt động về tuyên truyền, hướng dẫn, đào tạo về nâng cao NSCL dựa trên nền tảng ĐMST.

Tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn theo Kế hoạch; lồng ghép với việc triển khai các nhiệm vụ của các chương trình quốc gia, các chương trình mục tiêu, các đề án và kế hoạch triển khai trên địa bàn tỉnh để đào tạo kiến thức về NSCL dựa trên nền tảng KHCN và ĐMST phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc CMCN lần thứ tư cho ít nhất 300 lượt CBCCVC của các cơ quan hành chính nhà nước, ít nhất 500 lượt lãnh đạo và người lao động trong các DN trong tỉnh; Lồng ghép, kết hợp nội dung NSCL với các chương trình, đề án, kế hoạch có liên quan đang được triển khai trên địa bàn tỉnh, để hỗ trợ lẫn nhau, tăng tính đồng bộ và hiệu quả của các hoạt động hỗ trợ DN trong việc nâng cao NSCL

Các hoạt động phục vụ cho việc nâng cao NSCL trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa sẽ bao gồm việc hỗ trợ, áp dụng các tiến bộ KHCN, nghiên cứu, đổi mới, chuyển giao và ứng dụng công nghệ mới; áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến NSCL, truy xuất nguồn gốc (TXNG); nghiên cứu KHCN, các hoạt động ĐMST; ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, các hoạt động theo định hướng của cuộc CMCN lần thứ tư; các hoạt động nghiên cứu, tính toán đề xuất các giải pháp nâng cao NS lao động và NS các nhân tố tổng hợp TFP; công tác tuyên truyền, phổ biến, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho hoạt động nâng cao NSCL phù hợp xu thế của cuộc CMCN lần thứ tư.

Đối tượng hướng đến là các DN, tổ chức kinh tế, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa (sau đây gọi chung là DN); trong đó ưu tiên các DN thuộc các ngành, sản xuất kinh doanh các SPHH chủ lực, đặc trưng, ưu tiên, có hàm lượng giá trị gia tăng cao, tham gia vào chuỗi giá trị nêu tại tiết b2 điểm b khoản 2 Mục I của Kế hoạch này; Các cơ quan quản lý nhà nước: Các sở, ban, ngành trong tỉnh; Chi cục TCĐLCL; UBND các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Khánh Hòa;

Các cơ quan liên quan nhưTrung tâm Kỹ thuật TCĐLCL; Cục Thống kê, Văn phòng đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Khánh Hòa; các tổ chức tư vấn, thử nghiệm, kiểm định, hiệu chuẩn, chứng nhận; các Hiệp Hội, các đơn vị sự nghiệp công lập, các tổ chức KHCN, các Viện và Trường đại học, trường đào tạo nghề; các cơ quan thông tin đại chúng,...

Nội dung kế hoạch cũng đề cập tới việc hỗ trợ DN thực hiện các biện pháp để nâng cao NSCL. Cụ thể, hỗ trợ DN áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến NSCL, công cụ hỗ trợ cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh; Hỗ trợ DN áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến NSCL cơ bản; trong đó chú trọng áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến NSCL đặc thù cho ngành, lĩnh vực, các tiêu chuẩn về các hệ thống quản lý mới được công bố;

Hỗ trợ DN áp dụng hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn ISO 56000 về quản lý ĐMST, các mô hình, công cụ cải tiến NS trong lĩnh vực chuyên ngành (NS dịch vụ công, NS xanh, NS bền vững...); Hỗ trợ DN áp dụng hệ thống TXNG SPHH; áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (G.A.P), thực hành sản xuất nông nghiệp hữu cơ, NS xanh; thực hành sản xuất tốt GMP (áp dụng trong các lĩnh vực sản xuất, chế biến các sản phẩm yêu cầu điều kiện vệ sinh, an toàn cao như: Thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, thiết bị y tế),...;

Hỗ trợ DN ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số để thiết lập, tối ưu hóa, hiện đại hóa hệ thống quản trị DN; áp dụng tiêu chuẩn, công cụ hỗ trợ cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh; Hướng dẫn DN xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn cơ sở (TCCS) cho các SPHH chưa có tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật. Hỗ trợ chứng nhận SPHH, chứng nhận hệ thống quản lý an toàn thực phẩm, môi trường, năng lượng, an toàn và sức khỏe nghề nghiệp và chứng nhận hệ thống TXNG SPHH phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế hoặc khu vực.

Lựa chọn 03 DN có quy mô sản xuất lớn, có khả năng hấp thụ công nghệ mới và đảm bảo trình độ KHCN để xây dựng 03 mô hình điểm về triển khai áp dụng đồng bộ các giải pháp nâng cao NSCL, trong đó chú trọng hoạt động nâng cao NSCL trên nền tảng KHCN và ĐMST; tổ chức đánh giá về vai trò dẫn dắt của các DN này trong việc phát triển phong trào NS trên địa bàn tỉnh; Lồng ghép, gắn kết chặt chẽ các nội dung về NSCL trong việc triển khai nhiệm vụ của các đề án, chương trình về KHCN, chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình quốc gia, chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa để triển khai có hiệu quả các hoạt động hỗ trợ DN nâng cao NSCL...

Thực hiện lồng ghép các hoạt động: Hỗ trợ đào tạo cho các hoạt động nâng cao năng lực quản lý DN, nâng cao NSCL; hỗ trợ tư vấn đổi mới công nghệ, sử dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất để nâng cao NS lao động, nâng cao chất lượng SPHH; khởi sự, thành lập DN sản xuất công nghiệp nông thôn; xây dựng thương hiệu, áp dụng TXNG, sản xuất sạch hơn; hỗ trợ tư vấn, áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị DN, quản trị sản xuất; nghiên cứu ứng dụng KHCN, các hoạt động ĐMST trong việc áp dụng các mô hình sử dụng hiệu quả năng lượng, tài nguyên và sản xuất sạch hơn; mô hình thiết kế bền vững, sinh thái, tái chế và tái sử dụng, mô hình phân phối và tiêu dùng bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh và thúc đẩy xuất khẩu theo hướng bền vững, kinh tế tuần hoàn...

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1322/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030. Đây được coi là cú huých mới hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 tác động mạnh mẽ đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030 đặt ra mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên cơ sở áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, góp phần nâng tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Giai đoạn 2021-2025, tỷ lệ hài hòa của hệ thống tiêu chuẩn quốc gia với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực đạt khoảng 65%; đào tạo, chứng nhận đạt tiêu chuẩn cho khoảng 600 chuyên gia năng suất chất lượng tại các bộ, cơ quan, địa phương và doanh nghiệp.

Giai đoạn 2026-2030, tỷ lệ hài hòa của hệ thống tiêu chuẩn quốc gia với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực đạt khoảng 70-75%; đào tạo, chứng nhận đạt tiêu chuẩn cho khoảng 1.000 chuyên gia năng suất chất lượng, trong đó có khoảng 200 chuyên gia được chứng nhận đạt trình độ khu vực và quốc tế.

Giai đoạn 2021-2030, số doanh nghiệp được hỗ trợ các giải pháp nâng cao năng suất và chất lượng hàng năm tăng từ 10-15%, trong đó, số giấy chứng nhận Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001 và số giấy chứng nhận Hệ thống quản lý môi trường ISO 14001 cấp cho DN tăng ít nhất 10% so với giai đoạn 2011-2020; có ít nhất 100 doanh nghiệp được hướng dẫn áp dụng đồng bộ các giải pháp nâng cao năng suất chất lượng, trở thành mô hình điểm để chia sẻ, nhân rộng trên toàn quốc.

Theo Chất lượng Việt Nam Online

Link gốc : http://vietq.vn/trien-khai-cac-giai-phap-ho-tro-doanh-nghiep-nang-cao-nang-suat-chat-luong-d188766.html

Bạn đang đọc bài viết Triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng tại chuyên mục Kinh doanh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Kinh doanh