Đại sứ quán Việt Nam tại Na Uy thông báo, gần đây xuất hiện tình trạng mạo danh các công ty của Na Uy để lừa đảo các đối tác nước ngoài. Đối tượng lừa đảo lập các website giả danh các công ty xuất khẩu thủy sản có thật với đầu mối liên hệ là giả mạo.
Lợi dụng tâm lý cho rằng Na Uy là một nước phát triển, hệ thống luật pháp chặt chẽ, các công ty làm ăn đảm bảo uy tín, các công ty khi thấy hợp đồng có điều khoản hấp dẫn nên tiến hành gấp sợ lỡ cơ hội, không chịu kiểm tra kỹ thông tin về đối tác… mà các đối tượng xấu đã lừa đảo được nhiều công ty của các nước khác, nhất là từ các nước đang phát triển.
Trang web giả mạo doanh nghiệp thủy sản Na Uy |
Cảnh sát Na Uy cho biết đã được báo cáo về 40 trường hợp lừa đảo trong thời gian qua và cho rằng con số thực tế còn lớn hơn.
Một số website mà đối tượng lừa đảo đã sử dụng như www.espevaerlaks.com; www.viemkcofisk.com; www.inkanorge.com; www.sunseaseafood.com; www.hansonfishingas.com; www.fjoksak.com; www.torsvagbruket.com; www.verager.pl; www.alincoas.com; www.langenesas.com; www.diamondshipping.org; www.norwegian-seafoodsupply.com; www.aschumsseafoodab.com; www.kjpedesen.com; www.sjotrollhavbrukas.com.
Đại sứ quán Việt Nam tại Na Uy cũng chỉ ra một số dấu hiệu lừa đảo như đối tác muốn trao đổi qua Whatsapp hoặc Skype; tài khoản thanh toán thuộc ngân hàng nằm ngoài Na Uy; trao đổi qua thư điện tử không phải của các doanh nghiệp, bằng thư công cộng như gmail; mã số thuế VAT trên website là 10 ký tự (Các công ty Na Uy có mã số thuế 9 ký tự); website của công ty có tên miền không kết thúc với đuôi .no; website của công ty không có phiên bản tiếng Na Uy.
Để giảm thiểu khả năng bị lừa đảo, cảnh sát Na Uy khuyến cáo khi trao đổi giao dịch nên đề nghị đối tác dùng video conference và lưu lại. Các công ty có thật không ngại vấn đề này, còn đối tượng lừa đảo thường từ chối tiếp xúc lộ diện. Các công ty Việt Nam khi tiến hành hợp tác thương mại với các công ty Na Uy cần xác minh cẩn thận về đối tác để việc hợp tác, giao dịch được đảm bảo hơn.
Theo Chất lượng Việt Nam Online