Theo đó, mục tiêu của kế hoạch là nhằm triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ giao tại kế hoạch thực hiện Hiệp định UKVFTA ban hành kèm theo Quyết định số 721/QĐ-TTg ngày 18/5/2021 của Thủ tướng Chính phủ trong ngành Ngân hàng trên cơ sở huy động sự tham gia của các đơn vị chức năng có liên quan của NHNN cũng như hệ thống các tổ chức tín dụng. Đồng thời, hỗ trợ các cơ quan, tổ chức và công chúng nắm được nội dung cam kết của Hiệp định UKVFTA và cách thức thực thi cam kết Hiệp định trong lĩnh vực dịch vụ ngân hàng tài chính một cách đúng đắn thông qua kế hoạch thực hiện rõ ràng, hiệu quả, nhất quán và có tính kết nối với các cơ quan, tổ chức liên quan, đặc biệt là báo chí và truyền thông.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) ban hành kế hoạch thực hiện Hiệp định UKVFTA. Ảnh minh họa |
Cùng với đó, vận dụng có hiệu quả các ưu đãi của Hiệp định, từ đó tận dụng tối đa các cơ hội và hạn chế đến mức tối thiểu các thách thức của Hiệp định UKVFTA trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, góp phần tích cực vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tạo công ăn việc làm và xóa đói giảm nghèo.
Kế hoạch thực hiện Hiệp định UKVFTA của NHNN đã đề ra những nhiệm vụ chủ yếu, nội dung công việc và phân công cụ thể cho các đơn vị triển khai thực hiện.
Trong đó có các những nhiệm vụ chủ yếu: Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về Hiệp định UKVFTA; công tác xây dựng, rà soát pháp luật thể chế; nâng cao năng lực cạnh tranh của hệ thống tổ chức tín dụng theo chuẩn mực quốc tế; kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững; nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, giám sát ngân hàng; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng; tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo, đánh giá; đào tạo và phát triển nhân lực.
Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA) được đàm phán dựa trên nguyên tắc kế thừa các cam kết đã có trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA), với những điều chỉnh cần thiết để đảm bảo phù hợp với khuôn khổ thương mại song phương giữa Việt Nam và Vương quốc Anh (UK) và bảo đảm cân bằng lợi ích của cả hai bên. Theo đó, Hiệp định gồm 9 điều khoản; 1 Phụ lục sửa đổi một số điều của lời văn EVFTA; 1 Nghị định thư và 1 thư song phương trao đổi giữa Việt Nam và UK. Về cơ bản, các nội dung thuộc diện điều chỉnh của Hiệp định UKVFTA cũng tương tự như Hiệp định EVFTA, gồm thương mại hàng hóa (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), quy tắc xuất xứ, hải quan và thuận lợi hóa thương mại, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS), các rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT), thương mại dịch vụ (các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ, thương mại và phát triển bền vững, hợp tác và xây dựng năng lực, và pháp lý - thể chế. |
Theo Chất lượng Việt Nam Online