Đại diện Asanzo cũng khẳng định, đến thời điểm này, cơ quan nhà nước chưa ban hành kết luận gì về việc Asanzo sai phạm, nhưng vì Ban lãnh đạo Asanzo quá “sốt ruột” trước tình trạng thiệt hại của doanh nghiệp nên đã xin phép tổ chức họp báo để công bố các văn bản mà Asanzo đang có trong tay.
Trước thắc mắc của các phóng viên về việc Asanzo căn cứ vào văn bản của Tổng cục QLTT và văn bản của VCCI có đủ cơ sở để kết luận và tuyên bố “Asanzo được minh oan” mà không có sự chứng kiến của các cơ quan quản lý hay không, đại diện doanh nghiệp này cho rằng, với hai văn bản trên, hiện tại chưa có bất cứ cơ quan quản lý nhà nước nào kết luận Asanzo có vi phạm các quy định về xuất xứ hàng hóa như một số tờ báo đã quy kết.
Liên quan đến vấn đề này, trả lời Tiền Phong, Bộ trưởng Bộ Tài chính kiêm Phó Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389 quốc gia) Đinh Tiến Dũng, cho biết hiện tại, Thủ tướng vẫn chưa ký quyết định cuối cùng kết luận vụ việc, phải chờ thêm. Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cũng xác nhận thông tin này.
Asanzo ngày càng rơi vào cơn khủng hoảng truyền thông do chính sự nôn nóng của mình và cách làm không hiệu quả khi mà cơ quan chức năng chưa có kết luận thì họ đã 'cầm đèn chạy trước ô tô' (Ảnh: SKCĐ) |
Ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 tỏ ra khá ngạc nhiên về việc Asanzo tổ chức họp báo “minh oan”. Ông Thế cho hay: “Đấy là việc của Asanzo, họ làm phải đúng quy định pháp luật. Còn việc điều tra của cơ quan chức năng đến nay vẫn chưa có kết luận chính thức. Khi nào có kết luận chính thức tôi sẽ công bố với báo chí”.
Về việc Asanzo họp báo công bố được minh oan, ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho hay, quản lý thị trường chỉ tham gia xác minh thông tin theo chỉ đạo của Văn phòng thường trực BCĐ 389 về kiểm tra sau thông quan chứ không được lập đoàn thanh kiểm tra và cũng không có thẩm quyền đưa ra kết luận.
“Báo cáo của chúng tôi gửi Văn phòng 389, gửi cơ quan Hải quan, gửi cả cơ quan cảnh sát điều tra để cung cấp thêm thông tin về xác minh các công ty liên quan chứ không kết luận, vì không thuộc thẩm quyền”, ông Linh nói.
Trong văn bản gửi Báo Giao thông chiều 19/9, Công ty TNHH Điện tử Sharp Việt Nam (SVN) dưới danh nghĩa công ty con tại Việt Nam của Tập đoàn Sharp cho biết, SVN cho biết đã nhận được thông tin rằng “trong buổi họp báo ngày 17/9 của một nhà sản xuất Việt Nam là Công ty cổ phần Tập đoàn Asanzo công bố trước công chúng về bằng chứng Asanzo đang sở hữu công nghệ Nhật Bản như các phát ngôn trên truyền thông. Đó là bằng chứng về mối hợp tác giữa Asanzo và Sharp – Roxy (Hong Kong) – SRH. Asanzo đã công bố lá thư xác nhận của SRH về mối quan hệ hợp tác này vào ngày 12/9/2019 như là bằng chứng. Tuy nhiên, SRH đã công bố việc kết thúc liên doanh cùng Công ty Roxy vào ngày 31/10/2016”, văn bản của SVN nêu rõ.
Cụ thể, ngày 25/9/2016 Tập đoàn Sharp kết thúc việc liên doanh cùng Công ty Điện tử Roxy và SRK trở thành công ty con 100% vốn sở hữu tạo Tập đoàn Sharp. Tiếp đó, ngày 31/12/2016 đã hoàn thành việc đăng ký thay đổi tên công ty từ Sharp – Roxy (Hong Kong) thành Công ty TNHH Sharp Hong Kong. Từ thời điểm này (cuối 2016), Công ty Điện tử Roxy không còn quan hệ gì với Tập đoàn Sharp nữa.
“Dựa trên sự thật đó, việc SRH xác nhận theo thư công bố của Asanzo vào ngày 12/9/2019 là không thể xảy ra. Do đó, chúng tôi tin rằng lá thư xác nhận bởi SRH được công bố bởi Asanzo trong buổi họp báo của họ vào ngày 17/9/2019 là giả mạo. Vì thế nội dung mà Asanzo đưa ra “Sharp Roxy Hong Kong tuyên bố và khẳng định rằng chúng tôi đang có hợp đồng kinh doanh với Asanzo, bao gồm bán linh kiện điện tử, chuyển giao phần mềm, công nghệ và cách làm, cùng với các dịch vụ liên quan. Cho đến bây giờ, hợp đồng vẫn đang có hiệu lực là không đúng sự thật”, SVN khẳng định.
“Việc giả mạo chứng từ của Asanzo không chỉ gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương hiệu Sharp được gây dựng hơn 107 năm lịch sử bởi Tập đoàn Sharp, và điều này là hoàn toàn không thể chấp nhận được. Chúng tôi, Tập đoàn Sharp và Sharp Việt Nam đang tìm hiểu các pháp lý cần thiết để theo đuổi vụ kiện Asanzo trong vai trò bảo vệ thương hiệu Sharp toàn cầu”, SVN khẳng định.
Trao đổi với PV, luật sư Hoàng Tùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa (Hà Nội) cho hay: Theo quy định, việc họp báo là quyền của cơ quan và tổ chức cá nhân. Tuy nhiên, luật sư cho rằng, việc tổ chức họp báo với mục đích thông tin những vấn đề “nóng” khi chưa có kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền như của Asanzo phải chăng nhằm dẫn hướng dư luận?
“Trong hồ sơ thanh tra của cơ quan thanh tra, những chứng cứ, kết luận khi chưa công khai theo quy định là những thông tin tài liệu thuộc loại bí mật nhà nước và những hồ sơ này được coi là tài liệu mật. Việc tổ chức họp báo của Asanzo một lần nữa đã thể hiện thái độ không những không tôn trọng đạo đức kinh doanh mà còn coi thường quyền lợi của người tiêu dùng, coi thường pháp luật...”, Luật sư Hoàng Tùng nhận định, đồng thời không đồng tình với cách làm của phía doanh nghiệp này.
“Tại sao khi chưa có kết luận thanh tra lại tổ chức họp báo công khai việc “minh oan”. Dư luận cho rằng, có chăng Asanzo biết trước nội dung của kết luận thanh tra thuộc loại bí mật chăng? Do đó, cơ quan chức năng cần sớm có kết luận để minh bạch vấn đề và tránh tiền lệ xấu. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng cần kiểm soát chặt chẽ những nội dung tại họp báo của doanh nghiệp.
Cần biết rằng, trong khi chưa có kết luận chính thức, mọi nội dung tài liệu liên quan trong quá trình thanh tra thuộc bí mật, việc tổ chức họp báo rồi những thông tin đưa ra có thể làm ảnh hưởng tình hình kinh tế - xã hội”, luật sư nhấn mạnh.