Hà Nội, Thứ Bảy Ngày 27/04/2024

Tìm lời giải với nạn rửa tiền trong kinh doanh bất động sản

Theo ANTT 11:23 06/09/2019

Nền kinh tế Việt Nam dùng quá nhiều tiền mặt để giao dịch mua bán tài sản có giá trị lớn, trong khi đó, việc báo cáo, rà soát về những giao dịch đáng ngờ giống như việc làm không công…

Mới đây, Bộ Xây dựng vừa có công văn yêu cầu sở xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện công tác phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản.

Theo đó, các sở phải yêu cầu doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quản lý, môi giới bất động sản, sàn giao dịch thực hiện các quy định về nhận biết, cập nhật thông tin khách hàng, rà soát các giao dịch.

Các sở xây dựng phải yêu cầu các sàn, môi giới lập và gửi báo cáo các giao dịch đáng ngờ hoặc giao dịch tiền mặt có giá trị từ 300 triệu đồng trở lên về Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) và Cục Phòng chống rửa tiền (Ngân hàng Nhà nước - NHNN).

Các giao dịch tiền mặt có giá trị từ 300 triệu đồng trở lên trong lĩnh vực bất động sản đều phải báo cáo. Ảnh minh họa.

Theo Bộ Xây dựng, môi giới, sàn bất động sản có thể liên hệ với Cục Phòng chống rửa tiền để có thông tin và hướng dẫn về các danh sách đen, cảnh báo hoặc những cá nhân có ảnh hưởng chính trị để tránh các rủi ro trong giao dịch.

Thực tế, quy định các giao dịch bất động sản trên 300 triệu đồng được xem là đáng ngờ và cần được báo cáo đã có từ lâu, song việc triển khai, giám sát còn rất nhiều vấn đề bất cập khiến tiền phi pháp vẫn lọt vào kênh này.

Ngay từ đầu năm, trong một báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã bày tỏ một số quan ngại về thị trường bất động sản TP.HCM năm 2019, trong đó có cảnh báo hiện tượng rửa tiền ở phân khúc cao cấp, hạng sang.

"Hiệp hội nhận thấy trong phân khúc nhà ở trung cấp, tỷ lệ nhà đầu tư khoảng 20 - 30%; phân khúc bình dân khoảng trên dưới 10%. Việc gia tăng quá nhiều nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp trong phân khúc nhà ở cao cấp và trung cao cấp nhằm đầu tư kinh doanh, cất giữ tài sản, cũng có thể nhằm mục đích rửa tiền, dễ dẫn đến việc đầu cơ và kích giá ảo trên thị trường bất động sản", HoREA lo ngại.

Đây không phải là lần đầu tiên bất động sản được nhận định là lĩnh vực dễ bị lợi dụng để rửa tiền, nhưng có lẽ là lần đầu tiên hiện tượng này được đề cập một cách thẳng thắn.

Cách đây nhiều năm, một số chuyên gia đã chỉ ra tình trạng bất động sản Việt Nam giá gốc thì ít mà giá chênh thì nhiều. Giá chênh lại nằm ngoài hệ thống sổ sách và được giao dịch bằng tiền mặt. Chính vì thế rất khó phát hiện được hành vi rửa tiền, bởi phần lớn tiền giao dịch bất động sản nằm ngoài hóa đơn chứng từ.

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng thư ký Hội môi giới Việt Nam, nhà môi giới khi đươc cấp chứng chỉ môi giới đều phải học môn chống rửa tiền, trên thực tế việc này cũng đã có quy định, thậm chí là chế tài, tuy nhiên việc ngăn chặn nạn rửa tiền là không hề dễ dàng.

Tôi cho rằng rất khó để xác định, kê khai rửa tiền tại một dự án bất động sản, do Việt Nam chưa bắt buộc giao dịch qua tài khoản của ngân hàng mà vẫn thường xuyên thanh toán bằng tiền mặt, do vậy việc xác định, kiểm đếm rất khó khăn”, ông Nguyễn Văn Đính nói.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng thư ký Hội môi giới Việt Nam.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính nhiều năm kinh nghiệm tại Mỹ cho biết, dòng tiền đi vào phân khúc bất động sản cũng có nhiều nguồn khác nhau. Có nguồn tiền lành mạnh, tiền từ làm ăn chân chính, nhưng cũng có cả dòng tiền từ những hành vi bất hợp pháp, từ tham nhũng, tiêu cực, từ buôn gian bán lậu.

Nguyên nhân chính là do nền kinh tế Việt Nam dùng quá nhiều tiền mặt để giao dịch mua bán tài sản có giá trị lớn. Ông Hiếu đặc biệt lưu ý đến phân khúc hạng sang, nghỉ dưỡng cao cấp, bởi muốn đầu tư vào phân khúc này thì phải là những người có rất nhiều tiền, hoặc phải là những nhà đầu tư có khả năng vay được tiền từ ngân hàng, đại bộ phận dân chúng có thu nhập bình dân không thể với tới được.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính nhiều năm kinh nghiệm tại Mỹ.

Để thực hiện quy định về chống rửa tiền, theo ông Đính cần phải đi song hành với nhiều quy định khác, như kê khai đóng thuế, quy định giao dịch qua tài khoản ngân hàng,… Đồng thời, các quy định phải có sự điều chỉnh theo hướng chặt chẽ, rõ ràng và làm quyết liệt hơn.

Bên cạnh đó, ông Đính cho rằng, hiện nay việc báo cáo hoạt động môi giới còn đang lỏng lẻo, chưa được tuân thủ một cách triệt để. Để cải thiện tình hình, các sàn bất động sản, các cơ quan quản lý cần có sự giám sát, có chế tài quy định chặt chẽ hơn, báo cáo kê khai giao dịch mua bán đầy đủ, chi tiết.

Thông tin tham khảo:

- danviet.vn

- moitruongvadothi.vn

- thanhnien.vn

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/tim-loi-giai-voi-nan-rua-tien-trong-kinh-doanh-bat-dong-san-d61804.html

Bạn đang đọc bài viết Tìm lời giải với nạn rửa tiền trong kinh doanh bất động sản tại chuyên mục Video. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]