Trong khuôn khổ các hoạt động vì cộng đồng, nhằm góp phần chung tay với Chính phủ thúc đẩy lộ trình chuyển đổi số quốc gia, Ngân hàng TMCP Kiên Long hợp tác cùng Tập đoàn Công nghệ Unicloud xây dựng đề án triển khai lắp đặt 1.000 máy giao dịch ngân hàng tự động (STM) tại nhiều địa phương, đặc biệt là các địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa, qua đó trực tiếp hỗ trợ người dân được tiếp cận số hoá và các dịch vụ công.
Đưa trải nghiệm ngân hàng số đến vùng sâu, vùng xa
Nắm giữ vai trò huyết mạch của nền kinh tế, Tài chính - Ngân hàng được xác định là một trong 8 lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số và là bước quan trọng để có thể phát triển đồng đều ba trụ cột Kinh tế số - Chính phủ số - Xã hội số. Tuy nhiên, việc chuyển đổi theo hướng từ truyền thống sang tăng hàm lượng công nghệ để phát triển và mở rộng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng vẫn còn gặp nhiều khó khăn về nền tảng cũng như hạ tầng, đặc biệt là tại các nông thôn, nơi tập trung hơn 70% dân số hiện nay.
Mặc dù tập trung phần đông dân số trên cả nước nhưng việc sử dụng các dịch vụ ngân hàng tại các vùng nông thôn vẫn còn nhiều hạn chế, người dân gặp khó khăn khi tiếp cận các dịch vụ tài chính chính thống. Điều này đã dẫn đến thói quen sử dụng tiền mặt và ngại tiếp cập với các dịch vụ ngân hàng điện tử, qua đó hình thành tâm lý ngại chuyển đổi trong đại bộ phận người dân khi tiếp cận với các hình thức thanh toán hiện đại trong chiến lược chuyển đổi số chung của quốc gia.
Vì vậy, chiến lược chuyển đổi số trong công tác xây dựng nông thôn được xem như là giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm, góp phần thực hiện 3 mục tiêu chính gồm xây dựng chính quyền số ở nông thôn, phát triển các chủ thể kinh tế số ở nông thôn và phát triển xã hội số cho cộng đồng dân cư. Trong quá trình thực hiện chuyển đổi số cần đẩy mạnh công tác đầu tư hạ tầng, ứng dụng công nghệ để kéo gần khoảng cách giữa người dân với việc tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng số.
Phát huy vai trò của một thực thể tài chính, với trách nhiệm dành cho xã hội, cộng đồng cũng như nhìn nhận quá trình số hóa vùng nông thôn như là một chiến lược phát triển bền vững, Ngân hàng TMCP Kiên Long (KienlongBank) đã hợp tác cùng Tập đoàn Công nghệ Unicloud (Unicloud) xây dựng kế hoạch nhằm gia tăng nhận thức về các sản phẩm, dịch vụ tài chính cho dân cư tại các vùng nông thôn, nơi đối với nhiều người nông dân ngân hàng vẫn còn khá xa vời và việc bước chân vào các ngân hàng lớn để sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính gặp nhiều rào cản.
Mục tiêu lắp đặt 1.000 máy STM của KienlongBank và Unicloud
Trong chiến lược số hóa nông thôn, KienlongBank và Unicloud đặt mục tiêu sử dụng công nghệ để đơn giản hóa thủ tục, phá băng rào cản giúp người nông dân dễ dàng tiếp cận từ những dịch vụ cơ bản nhất. Để hiện thực hóa mục tiêu này, hai đơn vị lên kế hoạch triển khai lắp đặt theo lộ trình 1.000 máy giao dịch ngân hàng tự động (STM) tại các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là những nơi bị hạn chế về khả năng tiếp cận các sản phẩm và dịch vụ tài chính thông thường để người dân có thể sử dụng tiện ích ngân hàng số cho các hoạt động dịch vụ công cũng như giao dịch thường nhật.
Từng gây ấn tượng mạnh tại “Ngày chuyển đổi số” ngành Ngân hàng (04/08/2022), sự hiện diện của hệ thống máy STM được đánh giá là một máy giao dịch ngân hàng đa tiện ích, dễ dàng đi vào thực tiễn cộng đồng, đồng thời song hành và góp phần thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số của Việt Nam nói chung và lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế là Tài chính - Ngân hàng nói riêng.
Tích hợp trong mỗi máy STM là hàng loạt công nghệ hiện đại, tân tiến nhất hiện nay như định danh điện tử (eKYC); nhận diện khuôn mặt (Face ID), nhận diện giọng nói tự nhiên (Voice Recognition) hay công nghệ phân tích chuyển thể từ hình ảnh sang chữ... với khả năng an toàn và bảo mật cao. Đặc biệt, sản phẩm tích hợp phần mềm điều khiển máy tự phát triển (UniCAT) của Unicloud được sản xuất 100% tại Việt Nam, hiện chưa có ngân hàng hay công ty công nghệ nào ngoài Unicloud làm được, đã vượt qua chứng thực bảo mật thẻ của Mỹ (EMV Level 2), chứng chỉ VCCS của NAPAS…
Mỗi máy STM sẽ được trang bị đầy đủ các chức năng nghiệp vụ của một PGD ngân hàng như mở tài khoản thông qua công nghệ eKYC (xác thực danh tính bằng CCCD gắn chíp hoặc tĩnh mạch đạt độ chính xác cao nhất tại Việt Nam hiện nay); mở thẻ bằng mã QR; ký hợp đồng; tư vấn; thanh toán; nộp lệ phí dịch vụ hành chính công… đồng thời trao quyền cho khách hàng tự phục vụ các nhu cầu giao dịch của mình mà vẫn dễ sử dụng, phù hợp với khu vực nông thôn và miền núi.
Cùng với các tính năng ưu việt, có thể thay thế hầu hết các dịch vụ tài chính của một PGD ngân hàng truyền thống, đặc biệt liên quan trực tiếp, thiết thực đến hoạt động giao dịch thiết yếu của người dân như: Mở thẻ ATM, mở tài khoản, mở sổ tiết kiệm, nộp tiền, rút tiền, chuyển tiền, thanh toán dịch vụ công, thanh toán hóa đơn..., STM còn được tích hợp thêm tính năng video call, máy in và scan nhằm hỗ trợ đắc lực cho người dân thực hiện 24/7 các giao dịch đòi hỏi phải có chữ ký tươi mà không cần phải gặp mặt trực tiếp giao dịch viên.
Nếu được khai thác tối đa các tính năng, thì STM hoàn toàn có thể hỗ trợ đắc lực cho công tác số hoá dịch vụ công, góp phần không nhỏ trong việc rút ngắn được quy trình, tiết kiệm được thời gian khi thay vì phải đến tận trung tâm hành chính công (bộ phận "một cửa" của xã) trong giờ làm việc hành chính, thì người dân có thể thực hiện được một số thủ tục dịch vụ công thông qua STM đặt tại các địa bàn gần hơn vào bất cứ lúc nào.
Đặt trong bài toán tổng thể (chi phí lắp đặt một máy STM tiết kiệm hơn nhiều chỉ riêng chi phí mở một phòng giao dịch), trong điều kiện có sự cùng tham gia của ngân hàng và các cấp chính quyền tại địa phương, thì người dân chính là đối tượng được hưởng lợi lớn nhất trong việc được hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ tài chính, ngân hàng đa tiện ích cũng như các dịch vụ công.
Vì vậy, khi được đầu tư và nghiên cứu khai thác hiệu quả, STM và Digital Banking Platform sẽ là một trong các giải pháp rất hữu hiệu để triển khai mục tiêu thực thi tài chính toàn diện của Chính phủ, đồng thời góp phần thúc đẩy nhanh công cuộc số hoá xã hội xuống đến tận địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa... hướng tới Chính phủ điện tử và nền kinh tế số.
Việc triển khai lắp đặt 1.000 máy STM chỉ là bước đầu trong kế hoạch dài hạn “phổ cập hóa toàn dân” các sản phẩm, dịch vụ tài chính của KienlongBank và Unicloud. Bằng việc xác định tầm quan trọng của chuyển đối số trong hoạt động ngân hàng, KienlongBank đã định hướng nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai là phát triển ngân hàng số thông qua việc đổi mới mô hình kinh doanh từ truyền thống sang ngân hàng số với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin nhằm bắt kịp những thay đổi về xu hướng, hành vi tiêu dùng của khách hàng. Theo đó, KienlongBank cũng tập trung nguồn lực để đẩy nhanh chuyển đổi số với việc chuyển đổi hệ thống core bank, core thẻ; xây dựng ứng dụng Mobile Banking hay xa hơn nữa là triển khai các phòng giao dịch số kiểu mẫu Digital branch với trọng tâm chính là hệ thống máy STM…
Ngoài ra, KienlongBank cũng sẽ tập trung phát triển sản phẩm, dịch vụ thanh toán cung cấp cho khách hàng theo hướng đa kênh, đa tiện ích sử dụng trên nền tảng công nghệ số, tích hợp ứng dụng công nghệ thanh toán hiện đại trong thanh toán liên ngân hàng, thanh toán song phương, bù trừ điện tử qua hệ thống thanh toán tập trung, hệ thống thẻ, hệ thống ngân hàng tự động…
Với sự đón nhận của thị trường cũng như những thành tựu đạt được ban đầu trong ngành Ngân hàng, hệ thống STM hứa hẹn sẽ trợ lực cho hoạt động mở rộng phạm vi tiếp cận dịch vụ ngân hàng tới tất cả người dân. Trong đó sự chung tay giữa KienlongBank và Unicloud sẽ chủ động dẫn dắt thay đổi và xóa mờ ranh giới giữa nông thôn và thành thị ngày nay.
Hồng Hà