Và trong 7 - 10 năm tới là các quốc gia thành viên Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU.
Nhiều thách thức
Ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đã phát triển khá nhanh trong 2 năm trở lại đây, một số sản phẩm đã xuất khẩu sang thị trường Lào, Campuchia, Myanmar, Trung Mỹ... Số liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) cho thấy, sản lượng ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước là 258.733 chiếc năm 2017; 258.116 chiếc năm 2018 và 131.089 chiếc trong 6 tháng đầu năm 2019.
Bộ Công Thương đánh giá, ngành công nghiệp ôtô phát triển sẽ đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng cao của nhân dân khi thu nhập trên đầu người vượt ngưỡng 3.000 USD/năm; đồng thời, có tác động lan tỏa, lôi kéo phát triển nhiều ngành kinh tế, kỹ thuật khác; giảm nhập siêu, ổn định kinh tế vĩ mô.
Tuy vậy, “ngành công nghiệp ôtô Việt Nam hiện mới chỉ tham gia vào phân khúc thấp của chuỗi giá trị ngành; phụ thuộc lớn vào sự phân công sản xuất của các tập đoàn ôtô toàn cầu, chưa làm chủ được những công nghệ cốt lõi” - báo cáo thừa nhận.
Ngành sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước vẫn chưa đạt được tiêu chí của ngành sản xuất ôtô thực sự; chưa tạo được sự hợp tác, liên kết và chuyên môn hóa giữa các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô và phụ tùng linh kiện; chưa hình thành được hệ thống các nhà cung cấp nguyên vật liệu và sản xuất linh kiện quy mô lớn. Bên cạnh đó, giá bán xe vẫn ở mức cao so với các nước trong khu vực. Chất lượng xe sản xuất, lắp ráp trong nước mặc dù đã được cải thiện nhưng chưa bằng chất lượng xe nhập khẩu.
Cần nâng cao giá trị gia tăng của ngành công nghiệp ôtô |
Đưa ra ý kiến tại Hội thảo “Hoàn thiện chính sách thuế và hỗ trợ tài chính thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ôtô và phụ tùng ôtô” mới đây, ông Toru Kinoshita - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), Tổng Giám đốc Công ty Toyota Việt Nam (TMV) - dẫn chứng, nắp bình xăng sản xuất trong nước được doanh nghiệp báo giá 4 USD trong khi hàng Thái Lan nhập khẩu vào Việt Nam chỉ bằng một nửa.
“Khoảng chênh lệch này còn lớn hơn với những linh kiện có giá trị cao hơn” - Chủ tịch VAMA chỉ ra. Bên cạnh đó, các loại thuế, phí đối với sản phẩm ôtô chưa hợp lý; chính sách liên quan đến ngành chậm ban hành so với các nước trong khu vực làm mất cơ hội thu hút đầu tư.
Tìm hướng giải quyết trong dài hạn
Để phát triển ngành công nghiệp ôtô, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách mới tập trung hỗ trợ, thúc đẩy nhanh dự án lớn về sản xuất, lắp ráp ôtô của doanh nghiệp lớn; thu hút đầu tư từ tập đoàn đa quốc gia đầu tư dự án có quy mô lớn kèm theo chuyển giao và làm chủ công nghệ tại Việt Nam. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu sửa đổi áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng ôtô từ 9 chỗ ngồi trở xuống theo hướng không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với phần giá trị tạo ra trong nước, thời hạn của chính sách từ 5 - 10 năm.
“Quan trọng hơn, cần phát triển công nghiệp hỗ trợ để nâng cao giá trị gia tăng ngành công nghiệp ôtô. Theo đó, kết hợp sửa đổi các chính sách về thuế, chú trọng thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp và những ưu đãi, hỗ trợ khác của Chính phủ để thu hút dự án đầu tư sản xuất ôtô điện” - báo cáo khẳng định.
Bộ Công Thương cũng đang phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu, đề xuất Chính phủ về chính sách cho vay ưu đãi để người tiêu dùng có thể mua ôtô trong nước nhằm kích cầu tiêu dùng cho ngành sản xuất ôtô nội địa, theo kinh nghiệm của một số nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia.
Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề xuất trình Chính phủ ban hành một số chính sách hỗ trợ đặc biệt cho dự án sản xuất, lắp ráp ôtô lớn (bao gồm cả ôtô sử dụng nhiên liệu hóa thạch và ôtô điện), như: Hỗ trợ về hạ tầng, đất đai, đào tạo nguồn nhân lực... |
Theo Công Thương