Thông qua công tác theo dõi, nắm tình hình kinh doanh hàng hóa trên các nền tảng thương mại điện tử và công tác quản lý địa bàn, Tổ công tác Thương mại điện tử 1169, Cục QLTT Đắk Lắk phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 1 tiến hành kiểm tra địa điểm kinh doanh có địa chỉ tại 81 Đỗ Nhuận, phường Tân Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột do ông Nguyễn Viết Lãm (sinh năm 1995, trú tại phường Tân Lợi) làm chủ cơ sở.
Kho hàng bị phát hiện chứa nhiều hàng hóa không rõ nguồn gốc. |
Qua kiểm tra, bước đầu phát hiện tại địa chỉ nêu trên chứa hàng nghìn sản phẩm thực phẩm chức năng (thuốc giảm cân; siro hỗ trợ ăn ngon, ngủ ngon cho trẻ em; viên tinh nghệ sữa ong chúa; collagen; bột cần tây…); mỹ phẩm (kem dưỡng da, sữa tắm, tinh dầu, thuốc nhuộm tóc, dầu gội đầu, son môi…); bánh kẹo, ca cao… Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở không xuất trình được hóa đơn, chứng từ, hồ sơ tài liệu chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa, đồng thời cũng không xuất trình được Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động kinh doanh.
Liên quan đến sản phẩm mỹ phẩm, theo bác sĩ Bệnh viện Da liễu trung ương, tác hại khôn lường của mỹ phẩm kém chất lượng, mỹ phẩm nhái không đáp ứng được nhu cầu làm đẹp, còn gây nguy hiểm cho tính mạng, sức khỏe người sử dụng.
Ngoài ra, để có giá thành rẻ hơn nhiều so với hàng thật, tác dụng nhanh, dễ lừa người dùng, các cơ sở sản xuất và kinh doanh mỹ phẩm giả đã đưa vào những thành phần độc hại, bị cấm như corticoid, parabens, formaldehyde, propylen glycol, chì, thủy ngân, kẽm, cyanua. Hậu quả là nhiều người sau khi sử dụng đã bị dị ứng, thậm chí đáng lẽ chữa sạm da, trẻ hóa da thì lại càng bị sạm nặng hơn.
Điểm chung của các trường hợp sử dụng mỹ phẩm giả thường là mắc triệu chứng viêm da tiếp xúc cấp tính, có dị ứng hoặc kích ứng. Việc điều trị, khắc dị ứng thường mất thời gian dài và tốn kém tiền bạc, chưa kể nếu không may bị nặng sẽ để lại hậu quả trên da suốt đời, thậm chí tử vong do nhiễm độc chì.
Hơn nữa, trong những sản phẩm làm giả, chất lượng kém thường có các hoạt chất, hóa chất gây dị ứng, hóa chất chấm sẽ làm tổn thương da, khiến nổi mẩn đỏ, ngứa, thậm chí mưng mủ. Nếu sử dụng mỹ phẩm giả lâu dài, hậu quả nặng nề hơn khiến da bị ngộ độc do mỹ phẩm có chứa kim loại nặng hoặc thủy ngân. Có nhiều trường hợp người dùng phải nhập viện, để lại di chứng về sau hoặc điều trị không hết.
Nguy hại nhất là gây ung thư da, suy giảm chức năng tế bào máu. Nếu bị bệnh khác kết hợp dị ứng mỹ phẩm giả có thể gây viêm nhiễm nội tạng, hoại tử dẫn đến tử vong. Để tránh mua nhầm mỹ phẩm giả, kém chất lượng, người tiêu dùng nên đến những địa điểm bán uy tín, tránh hậu quả đáng tiếc, không vì ham rẻ mà "tiền mất, tật mang".
Theo Chất lượng Việt Nam Online