Theo Ban soạn thảo, thời gian gần đây các hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ, lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa của Việt Nam liên tục gia tăng, với nhiều hình thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi như: gian lận, giả mạo xuất xứ Việt Nam để tiêu thụ trong nước; gian lận, giả mạo xuất xứ Việt Nam, chuyển tải bất hợp pháp để xuất khẩu.
Việc gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa không đúng quy định, chuyển tải bất hợp pháp hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, đã và đang ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp làm ăn chân chính, mất đi thương hiệu Việt Nam, gây thiệt hại lớn đối với nền kinh tế Việt Nam…
Thời gian qua, Chính phủ đặc biệt quan tâm đến công tác phòng chống gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp.'
Ghi nhãn hàng hóa bằng mã vạch giúp kiểm soát hàng giả hàng nhái |
Vì vậy một trong những điểm đáng chú ý của dự thảo lần này là cho phép thể hiện một số nội dung ghi nhãn bắt buộc theo phương thức điện tử, nhằm khắc phục những bất cập về ghi nhãn, chống gian lận xuất xứ và chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp, chống hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Trên thực tế, việc ghi nhãn hàng hóa là thể hiện nội dung cơ bản, cần thiết về hàng hóa lên nhãn hàng hóa để người tiêu dùng nhận biết, làm căn cứ lựa chọn, tiêu thụ và sử dụng; để nhà sản xuất, kinh doanh, thông tin, quảng bá cho hàng hóa của mình và để các cơ quan chức năng thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát.
Về lý do bổ sung nội dung cho phép thể hiện một số ghi nhãn bắt buộc theo phương thức điện tử, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, việc bổ sung này nhằm đáp ứng yêu cầu chỉ đạo tại Nghị quyết 01 NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ, tạo môi trường thuận lợi cho kinh doanh, hội nhập quốc tế, đẩy mạnh áp dụng thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất kinh doanh và quản lý, tạo thuận lợi thương mại, bảo vệ lợi ích quốc gia và quyền người tiêu dùng.
Chia sẻ về vấn đề này, lãnh đạo Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, những điểm nổi bật của Dự thảo Nghị định chính là bổ sung quy định ghi nhãn đối với hàng hóa xuất khẩu theo hướng: Hàng hóa sản xuất trong nước để xuất khẩu thực hiện ghi nhãn hàng hóa theo pháp luật của nước nhập khẩu; Trường hợp hàng hóa sản xuất trong nước để xuất khẩu có nhãn hàng hóa thể hiện xuất xứ hàng hóa thì nội dung xuất xứ hàng hóa phải bảo đảm đáp ứng các quy định pháp luật của Việt Nam về xuất xứ hàng hóa.
Thứ hai là, điều chỉnh quy định về ghi nhãn hàng hóa nhập khẩu theo hướng bắt buộc trên nhãn gốc phải thể hiện 3 nội dung bao gồm: Tên hàng hóa; Tên và địa chỉ tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa và xuất xứ hàng hóa hoặc nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa.
Cùng đó, dự thảo cũng sửa đổi quy định về ghi xuất xứ hàng hóa theo hướng: Ghi xuất xứ hàng hóa theo đúng quy định pháp luật của Việt Nam về xuất xứ hàng hóa và các hiệp định mà Việt Nam ký kết tham gia.
Bên cạnh đó, bổ sung quy định cho phép thể hiện một số nội dung ghi nhãn bắt buộc theo phương thức điện tử. Ví dụ như việc ứng dụng mã số mã vạch, QR Code... để cung cấp thông tin về nhãn hàng hóa và thông tin về truy xuất nguồn gốc của hàng hóa.
Theo Tạp chí Sở hữu trí tuệ và Sáng tạo