Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 26/04/2024

Những rào cản khi đưa nông sản Việt lên sàn thương mại điện tử

DTVN 14:33 02/06/2021

COVID -19 khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy, nông sản khó tìm đầu ra, thương mại điện tử được coi là giải pháp cứu cánh giúp nông sản vượt qua cơn bĩ cực.

Việc chuyển đổi số, đưa các mặt hàng nông nghiệp Việt Nam lên sàn thương mại điện tử đã được chuẩn bị từ nhiều năm trước. Trong giai đoạn 2020 - 2021, ảnh hưởng của Covid-19 đã thúc đẩy việc chuyển đổi này diễn ra mạnh mẽ hơn.

Mới đây, với vải thiều Thanh Hà, Bộ Công thương đã phối hợp với các sàn thương mại điện tử lớn trong và ngoài nước, như Alibaba, Lazada, Sendo để tiếp cận thị trường. Theo ghi nhận của Cục Xúc tiến Thương mại, tính từ ngày 14/5 đến nay, đã có khoảng ba tấn vải thiều Thanh Hà được tiêu thụ trên Lazada. Con số này không lớn nhưng đây là những trái vải đầu mùa, được bán với giá thành tốt. Riêng sàn thương mại Sendo đã bán hết 6 tấn vải thiều chỉ sau một ngày.

Những rào cản khi đưa nông sản Việt lên sàn thương mại điện tử

Đại diện Bộ Công thương đánh giá việc đưa các sản phẩm nông nghiệp lên thương mại điện tử góp phần không nhỏ vào việc đa dạng hoá thị trường, kênh phân phối, tránh bị phụ thuộc vào một vài thị trường nhất định, giảm rủi ro khi có biến động.

Tiềm năng là rất lớn, tuy nhiên đại diện Cục Xúc tiến thương mại cũng cho rằng đang còn rất nhiều rào cản, thách thức để đưa thêm nhiều mặt hàng nông sản tươi lên sàn TMĐT.

Ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đánh giá bán nông sản qua sàn thương mại điện tử sẽ vấp phải 3 khó khăn. Đầu tiên là vấn đề cung ứng. Quả vải từ vườn đến tay người tiêu dùng phải qua một loạt bên trung gian như thương lái thu mua, nhà vận chuyển, rồi sàn thương mại điện tử. Để quả vải giữ được độ tươi ngon như khi mới thu hái đòi hỏi quy trình bảo quản nghiêm ngặt.

Thứ hai là cam kết chất lượng. Thói quen tiêu dùng của người Việt Nam lâu nay là mua trực tiếp, nhằm kiểm tra thực tế nông sản. Nếu mua online qua các sàn thương mại điện tử, người mua cần sự kiểm định của cơ quan chức năng, cam kết của các đơn vị trong chuỗi cung ứng, cũng như từ chính các hợp tác xã, người nông dân.

Tuy nhiên, rào cản khó nhất là kiến thức của nông dân về kinh doanh trực tuyến còn hạn chế. "Từng tiếp xúc với nông dân, tôi biết nhiều người cảm thấy khó khăn trong việc tự mở gian hàng điện tử. Nếu bán bằng phương pháp này, họ sẽ mất thời gian nghiên cứu, cập nhật kiến thức sao cho hấp dẫn người mua. Khi ấy, chính quyền địa phương cần có những chính sách khuyến khích nông dân ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, tiêu thụ nông sản", ông Chiến phân tích.

Ông Chiến nhìn nhận, những vấn đề này cũng đang là thách thức với chính các HTX, hộ sản xuất, bà con nông dân khi chưa có kinh nghiệm kinh doanh qua môi trường điện tử. Trong khi đó, muốn bán hàng qua sàn thương mại điện tử thì yêu cầu đầu tiên là hộ sản xuất, HTX phải kiên định mục tiêu mà mình theo đuổi về chất lượng, mẫu mã, nâng cao trình độ sử dụng công nghệ với khách hàng online.

Trong khi đó, bà Vũ Thị Minh Tú, Giám đốc Đối ngoại Lazada Việt Nam cho biết dù xuất khẩu hay tiêu thụ nội địa, chuỗi cung ứng nông sản cần được tổ chức bài bản thì mới mong phát triển thị trường bền vững, không phải giải cứu. Vấn đề cần làm trong thời gian tới là hỗ trợ nông dân, HTX tiếp cận thị trường tốt hơn. Làm thế nào tổ chức chuỗi cung ứng nông sản từ nông trại tới bàn ăn, với nông sản tươi sống như vải thiều thì việc chuyển đổi số còn nhiều thách thức cần sự chung tay của các bên.

Thách thức nổi bật, về phía nhà bán hàng như người nông dân, HTX là khả năng tiếp cận, mức độ hiểu biết nắm bắt công nghệ còn hạn chế, khó khăn giới thiệu sản phẩm tới người dùng online. "Thời gian qua, các công việc như đóng gói sản phẩm sao cho đúng chuẩn, chụp ảnh làm sao để hấp dẫn đều được chúng tôi "cầm tay chỉ việc" cho nông dân, HTX. Nếu chúng ta làm tốt điều này thì khách hàng mới quay trở lại lần sau", bà Tú chia sẻ.

Mặt khác để đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử thì kênh phân phối cần đảm bảo năng lực kho bãi, hệ thống bảo quản lạnh, đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, thời gian giao hàng tới khách hàng. Từ đó, giảm thiểu rủi ro, khiếu nại của khách hàng, bởi chuyện giải quyết các khúc mắc từ phía người tiêu dùng sẽ rất khó khăn, phức tạp, tốn kém.

Trước thách thức trên, Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục giao các đơn vị trực thuộc tổ chức nhiều chương trình tập huấn cho bà con nông dân, HTX về kỹ năng về ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh. Bộ sẽ trực tiếp trao đổi phối hợp với các đối tác, các sàn thương mại điện tử để triển khai tập huấn, hỗ trợ sâu hơn cho bà con nông dân. Đây là xu thế tất yếu cho đầu ra của sản phẩm nông sản.

Theo Tạp chí Sở hữu trí tuệ và Sáng tạo

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/nhung-rao-can-khi-dua-nong-san-viet-len-san-thuong-mai-dien-tu-d100184.html

Bạn đang đọc bài viết Những rào cản khi đưa nông sản Việt lên sàn thương mại điện tử tại chuyên mục Thị trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Thị trường