Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

Phơi bày chiêu trò kinh doanh mỹ phẩm, thực phẩm chức năng… 'dởm'

DTVN 13:38 29/05/2021

Lập tài khoản Facebook, Zalo… chụp ảnh, địa chỉ bán hàng không rõ ràng, livestream và đăng bài quảng cáo mỹ phẩm, thực phẩm chức năng... ai quy định

Chuyển biến từ Chỉ thị 17

Dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền là những mặt hàng trọng điểm của hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả và luôn diễn biến phức tạp. Hoạt động này tập trung chủ yếu trên các tuyến biên giới đường bộ, tuyến hàng không, tuyến bưu điện, chuyển phát nhanh và ở một số địa bàn như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng, Quảng Trị, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Cần Thơ, Long An, An Giang...

Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 17/CT-TTg (năm 2020) về tăng cường chống buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng đối với nhóm mặt hàng là dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng và vị thuốc y học cổ truyền, kết quả đấu tranh đã có những chuyển biến rất rõ. Đặc biệt là trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, công tác kiểm soát các hoạt động xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu đối với người, phương tiện, hàng hóa tại các các cửa khẩu, khu vực biên giới, cảng hàng không,cảng biển được siết chặt. Do vậy, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nói chung và đối với nhóm mặt hàng trên có chiều hướng giảm mạnh.

Tại các tuyến biên giới trọng điểm như các tỉnh phía Bắc, miền Trung-Tây Nguyên, Tây Nam bộ, tuyến hàng không khi hoạt động buôn lậu được kiểm soát, các đối tượng chuyển hướng hoạt động trên tuyến biển, thông qua dịch vụ bưu chính, các cửa khẩu quốc tế, đường mòn, lối mở.

Nổi cộm trên một số địa bàn tỉnh, thành phố như Quảng Ninh (Móng Cái, Quảng Hà), Lạng Sơn (Chi Ma, Tân Thanh, Cao Lộc), Đà Nẵng (Tiên Sa), Quảng Trị (Đông Hà, Lao Bảo), Tây Ninh (Mộc Bài)..., các đối tượng đã lợi dụng chính sách ưu đãi đầu tư để cấu kết với các đối tượng nước ngoài, sử dụng phương tiện công nghệ kỹ thuật cao để buôn lậu, một số công ty có vốn đầu tư nước ngoài, không tổ chức sản xuất hàng hóa tại Việt Nam mà chỉ nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc, sau đó thay nhãn mác ghi xuất xứ Việt Nam rồi xuất khẩu đi các nước khác.

Ngoài ra, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng còn “núp bóng” hàng miễn thuế vào các khu kinh tế cửa khẩu, khu bảo thuế, chợ biên giới, từ đây tổ chức mua gom và dùng hóa đơn bán hàng hợp thức hóa, lợi dụng người đi du lịch để đưa vào tiêu thụ nội địa. Một số đối tượng khi bị cơ quan chức năng kiểm tra bắt giữ đã dùng thủ đoạn hợp thức bằng các hóa đơn thanh lý hàng được mua của các cơ quan nhà nước bán phát mại.

Không chỉ phức tạp ở khu vực biên giới, ở trong thị trường nội địa, khi hoạt động thương mại điện tử nở rộ, xuất hiện thủ đoạn mới là các đối tượng lập nhiều tài khoản Facebook, Zalo… chụp ảnh sản phẩm, dùng địa chỉ bán hàng không rõ ràng, phát trực tiếp (livestream) và đăng bài quảng cáo về mỹ phẩm, thực phẩm chức năng... không đúng với bản chất thật của hàng hoá... Cùng với đó là sự phát triển của dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh trong nước và quốc tế, dịch vụ giao nhận hàng tại nhà với đội ngũ shipper (người giao hàng) đông đảo, các đối tượng đã lợi dụng để đưa hàng lậu, hàng kém chất lượng, hàng giả vào các kho chứa bưu kiện, bưu phẩm. Đây là ranh giới không rõ ràng cho việc xác định trách nhiệm của chủ thể đối với hàng hóa vi phạm, đối tượng thường lợi dụng để tiêu thụ, kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng... gây khó khăn cho kiểm soát, kiểm tra, xử lý.

Cần phối hợp chia sẻ thông tin

Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương, hoạt động thương mại điện tử là xu thế tất yếu của thời đại công nghệ nhưng lại là thách thức lớn cho công tác quản lý nhà nước cũng như công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Các trang thông tin điện tử kinh doanh, giới thiệu sản phẩm vi phạm thường có tên miền quốc tế, không xác định được chủ thể đăng ký tên miền gây khó khăn trong công tác phát hiện xử lý vi phạm. Số lượng trang thông tin điện tử tổng hợp, trang cá nhân trên mạng xã hội không chấp hành đúng quy định pháp luật về quản lý, cung cấp và sử dụng thông tin, quảng cáo hàng hóa sản phẩm, bán hàng không đảm bảo chất lượng diễn ra phố biến.

Tình trạng cá nhân phát hình trực tiếp (livetream) quảng cáo bán hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ ngày càng nhiều, việc phát hiện, ngăn chặn các đối tượng này gặp rất nhiều khó khăn do tính chất linh hoạt của trang điện tử, mạng xã hội là dễ dàng đăng phát nhưng cũng dễ dàng gỡ bỏ, giúp đối tượng xóa bỏ dấu vết, chứng cứ. Hoạt động bưu chính, chuyển phát nhanh phát triển phổ biến, rộng rãi, các tổ chức, cá nhân vi phạm thường lợi dụng loại hình này để vận chuyển, kinh doanh hàng lậu, hàng giả trong đó có các mặt hàng là dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền.

Trước tình hình trên, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đề xuất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, lực lượng chức năng, đặc biệt là các hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp, tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề, kịp thời đưa ra các khuyến cáo, dấu hiệu nhận biết đối với nhóm mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền.

Phối hợp các cơ quan truyền thông, tăng cường tuyên truyền thông tin liên quan đến hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng là dược phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, dược liệu, vi thuốc y học cổ truyền.

Thường xuyên cập nhật danh sách các tổ chức cá nhân, sản phẩm vi phạm thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, các website của ngành y tế từ Trung ương đến địa phương. Không những vậy, phối hợp chặt chẽ trong công tác phòng chống thuốc giả với các nước có chung đường biên giới, các nước thuộc tiểu vùng sông Mê Kông; tham gia các dự án, tổ chức hoạt động trong khu vực (chia sẻ thông tin), toàn cầu liên quan đến phòng chống thuốc giả.

Năm 2020, lực lượng chức năng thành viên Ban chỉ đạo 389 các địa phương đã phát hiện 5.723 vụ vi phạm (giảm 2.756 vụ bằng 32,5% so với cùng kỳ năm trước), trong đó có 1.751 vụ buôn lậu (giảm 450 vụ, bằng 20,5%), 3.643 vụ gian lận thương mại (giảm 2.157 vụ, bằng 37,18%), 329 vụ hàng giả (giảm 149 vụ, bằng 31,17%).

Nhóm hàng dược phẩm là 2.671 vụ (giảm 1.425 vụ, bằng 34,79%), mỹ phẩm là 2.477 vụ (giảm 785 vụ, bằng 24,06%), thực phẩm chức năng là 380 vụ (giảm 238 vụ, bằng 42,68%), 52 vụ vị thuốc y học cổ truyền (giảm 127 vụ, bằng 70,9%), 31 vụ dược liệu (248 vụ, bằng 88,8%). Theo đó, xử phạt vi phạm hành chính 5.222 vụ, thu nộp ngân sách nhà nước gần 40 tỷ đồng; xử lý hình sự 13 vụ/21 đối tượng (gồm 5 vụ/11 đối tượng liên quan đến dược phẩm, 5 vụ mỹ phẩm, thực phẩm chức năng và 3 vụ dược liệu). Tước giấy phép hành nghề 2 cơ sở, thu hồi 9 giấy xác nhận công bố phù hợp qui định an toàn thực phẩm, 12 giấy xác nhận nội dung quảng cáo, 3 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện về an toàn trật tự.

Theo Chất lượng Việt Nam Online

Link gốc : http://vietq.vn/phoi-bay-chieu-tro-kinh-doanh-my-pham-thuc-pham-chuc-nang-dom-d187409.html

Bạn đang đọc bài viết Phơi bày chiêu trò kinh doanh mỹ phẩm, thực phẩm chức năng… 'dởm' tại chuyên mục Thị trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Thị trường