“Công thức” hoàn hảo
Theo lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), hiện nay, việc quảng cáo, bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe qua hình thức online, gọi điện thoại cho người tiêu dùng rất phổ biến. Hình thức mua bán này đã tạo cơ hội cho tổ chức kinh doanh “qua mặt” cơ quan chức năng để sử dụng chiêu trò lừa dối người tiêu dùng.
Cụ thể, “công thức” phổ biến là tổ chức kinh doanh quảng cáo “vống” công dụng thật của sản phẩm để thu hút người dùng để lại thông tin, sau đó sẽ có đội ngũ nhân viên tư vấn, chẩn bệnh, dọa bệnh và lên đơn như thuốc chữa bệnh. Bất chấp đạo đức kinh doanh, họ còn sử dụng tên tuổi và mạo danh uy tín, tên tuổi của các chuyên gia, bác sỹ để bán sản phẩm mà người bệnh không hề hay biết.
Điển hình như sản phẩm TPBVSK dạ dày An Bình mà VietQ.vn đã có bài viết phân tích những góc khuất trong kinh doanh sản phẩm này.
Nói một đằng nhưng dạ dày An Bình lại quảng cáo một nẻo, lừa dối người tiêu dùng! |
Theo đó, sản phẩm dạ dày An Bình được cấp phép là TPBVSK nhưng lại quảng cáo trên các website có công dụng như thuốc chữa bệnh dạ dày. Để kiểm chứng thông tin, trong vai người có nhu cầu chữa bệnh, PV liên hệ tới số quảng cáo và được một người đàn ông gọi điện giới thiệu là bác sỹ - Trung tâm điều trị dạ dày tiếp nhận thăm khám và điều trị. Quá trình trao đổi, vị này tư vấn, chẩn bệnh, bàn bệnh, dọa bệnh mà không cần thăm khám trực tiếp, sau đó kê một đơn thuốc dạ dày An Bình cho PV với lời hứa sẽ dứt điểm bệnh trong 35 - 40 ngày mà không lo tái phát.
"Diễn viên xuất sắc"
Quả thực, suốt quá trình tìm hiểu, phóng viên nhận thấy tổ chức kinh doanh này rất tinh vi khi đào tạo được đội ngũ nhân viên “xuất sắc”, từ khâu tư vấn, kết nối xử lý tính huống đều ăn khớp và đạt đến độ hoàn hảo, nhịp nhàng khiến người tiêu dùng khó mà có thể nghi ngờ.
Câu chuyện sau đây của chính PV trong quá trình nhập vai tìm hiểu là một ví dụ điển hình để minh họa cho khẳng định trên. Sau khi PV “chốt” đơn “thuốc” dạ dày An Bình từ một “bác sỹ” online tên Hùng tư vấn, nhưng để “màn kịch” được triệt để và trọn vẹn cũng như chắc chắn PV đã đặt niềm tin, thì một nhân viên khác của tổ chức kinh doanh dạ dày An Bình gọi điện bồi thêm một lần nữa với PV.
Cuộc điện thoại là một nam giới, không rõ tuổi nhưng khá tự tin, thanh thoát và rất hoạt ngôn… giới thiệu là lương y Nguyễn Hoàng. Tuy nhiên, thực chất đó là một kẻ mạo danh, đang đóng vai nên cố tình lồng tiếng để có vẻ là người lớn tuổi, đang hành nghề bốc thuốc có đạo đức.
“Tôi là Nguyễn Hoàng (Tiến sĩ – Lương y Nguyễn Hoàng - nguyên Giảng viên Trường Đại học Dược Hà Nội - PV), tôi vừa hỗ trợ cho mấy cụ cao tuổi nên để hồ sơ của cháu cho mấy nhân viên thay tôi tư vấn. Nói thật với cháu là nhiều bệnh nhân quá một tay tôi không thể quán xuyến hết được, cháu thông cảm nhé”, đó là màn giới thiệu “ăn khách” của kẻ mạo danh nói với PV khi bắt đầu cuộc điện thoại.
Quảng cáo sai sự thực và được "tiếp sức" bởi những nhân viên rất xuất sắc trong vai diễn mạo danh lương y. |
Nào là: “Tôi vừa xem cái hồ sơ bệnh án của mình xong thì biết cháu bị trào ngược dạ dày. Nhiều người như cháu nếu bị nặng hơn thì chuyển sang đau họng quanh năm hay trực tràng nữa cháu nhé... Cháu uống đi, bây giới uống cái thằng dạ dày An Bình này thì nó được chia thành dạng gói bột để hòa tan. Mình uống giống như uống cà phê, cứ thả vào cốc nước sau đó sẽ tan. Trường hợp như cháu chúng tôi hàng ngày tiếp nhận 35-40 % bệnh nhân và họ đang tiến triển tốt rồi cháu nhé. Bệnh này cứ 10 người bị thì dạ dày An Bình sẽ chữa khỏi 6 đến 7 người, còn 3 người còn lại là do cơ địa hấp thu kém”, những thông tin liên hồi được vị lương y giả mạo vừa bắt bệnh, vừa cung cấp, vừa mời mua thuốc với PV.
Quả thực, trong rất nhiều hành trình bóc mẽ “công thức” dối trá trong kinh doanh để lừa dối người tiêu dùng của nhiều tổ chức kinh doanh thực phẩm chức năng “bẩn”, đây là lần đầu tiên PV được chứng kiến màn “solo” (độc diễn-PV) ngoạn mục như vậy của vị lương y giả mạo này.
PV hoàn toàn bị thuyết phục bởi tài ăn nói khéo léo của vị lương y giả mạo chứ không phải những thông tin mà ông ta cung cấp. Ông ấy nói cứ thể nhưng cả cuộc điện thoại ấy, PV chỉ làm vai diễn phụ cho màn độc diễn từ đầu đến cuối nhưng vẫn hoàn toàn thuyết phục phía bên kia người nghe. Bất cứ thông tin nào PV hỏi vị lương y giả mạo đều có cách nói hoán giải nghe có vẻ rất hợp tình, hợp lý.
Tại sao trên nhãn mác ghi là phực phẩm bảo vệ sức khỏe mà lại có khả năng điều trị được bệnh dạ dày? - PV đặt câu hỏi. “Vấn đề này tưởng nhỏ mà lại to to đấy!”- Vị lương y giả mạo cảm thán hết sức. Đồng thời là những lời giải thích theo quy định của Bộ Y tế, đối với sản phẩm không có thành phần kháng sinh, kháng viêm thì phải ghi là TPBVSK để phân biệt với thuốc trên thị trường. Nhưng thực chất thành phần trong dạ dày An Bình là điều trị dứt điểm.
Thế nhưng, mặc dù có diễn xuất tinh vi, hoạt ngôn đến mấy thì vị lương y giả mạo cũng có lúc sơ hở, cho thấy bản chất dối trá khi khẳng định: “Nhiều khi tôi nói với bệnh nhân, viên uống còn làm được, gói uống còn làm được thì một dòng chữ (chữ TPBVSK – PV) ghi như vậy không có gì là khó cả. Nó điều trị được, dứt điểm chứ nếu là hỗ trợ thì uống cả đời không hết bệnh, tiền đâu mà mình uống cháu nhé. Còn đã uống là khỏi về lâu về dài, chứ không phải khỏi bệnh khi không uống lại bị tái lại, như vậy có mà chết dở con nhé”.
Lật tẩy kẻ giả mạo
Quả thực, rất nhiều bệnh nhân chưa từng tiếp xúc với bác sỹ Nguyễn Hoàng nên rất dễ tin rằng người tư vấn cho mình với tài ăn nói khéo léo kia là lương y thật. Nhưng thực chất, PV đã sớm biết chắc màn tư vấn trên chỉ là mạo danh do tổ chức kinh doanh dạ dày An Bình tự phong.
Bản chất chỉ là thực phẩm chức năng nhưng vẫn cố tình lừa dối người tiêu dùng là thuốc chữa bệnh |
Để thông tin khách quan, PV đã trao đổi với Tiến sĩ, bác sỹ Nguyễn Hoàng - nguyên Giảng viên Trường đại học Dược Hà Nội, ông khẳng định: “Tôi không tư vấn và bán dạ dày An Bình qua mạng. Những ai bị bệnh thì đến phòng khám của tôi để thăm khám mới kê đơn thuốc. Có thể ở một buổi tọa đàm nào đó tôi chỉ phân tích thành phần có trong sản phẩm nhưng họ lại lợi dụng lấy hình ảnh của tôi để quảng cáo”.
Đã có rất nhiều hình ảnh lương y, bác sĩ bị các tổ chức kinh doanh TPBVSK cắt ghép quảng cáo nhưng để mạo danh là bác sỹ tư vấn, những nhân viên đã được đào tạo bài bản tới mức làm sao diễn cho khớp đến cả giọng nói, ngữ điệu của một thầy thuốc lừa người bệnh thì chắc rằng tổ chức kinh doanh dạ dày An Bình đã không còn chú trọng đến đạo đức kinh doanh.
Từ nội dung nêu trên, tòa soạn Chất lượng Việt Nam đề nghị các cơ quan chức năng và ngành y tế cần khẩn trương điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức sản xuất, quảng cáo, kinh doanh sản phẩm dạ dày An Bình nhằm bảo vệ lợi ích, sức khỏe người tiêu dùng.
Theo Chất lượng Việt Nam Online