Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

Những chiêu trò bán hàng qua livestream đánh lừa người tiêu dùng

SỞ HỮU TRÍ TUỆ 08:38 05/07/2021

Bán hàng online nói chung và bán theo hình thức livestream nói riêng có rất nhiều chiêu trò để thu hút người tiêu dùng.

Hình thức livestream bán hàng trở nên quen thuộc trên thế giới và tại Việt Nam trong vài năm trở lại đây. Các trang thương mại điện tử như Lazada, Shopee, Tiki cũng đã áp dụng livestream trên app kết hợp với giảm giá và khuyến mại để thu hút người mua.

Tuy nhiên, thị trường livestream sôi động nhất phải kể đến Facebook. Chỉ cần một tài khoản hợp lệ và đăng kí quảng cáo, người dùng dễ dàng trở thành đại lý bán hàng, tiếp cận hàng chục nghìn người mỗi ngày.

Thực chất, theo các chuyên gia, bán hàng livestream là con dao hai lưỡi, nó giúp việc mua sắm trở nên đơn giản, nhanh chóng hơn. Song, người tiêu dùng cũng dễ mua phải các mặt hàng kém chất lượng, chưa được kiểm định với nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng.

Những chiêu trò bán hàng qua livestream đánh lừa người tiêu dùng

Dạo một vòng Facebook, không khó để bắt gặp các bài đăng livestream với nội dung cực kỳ hấp dẫn. Nhiều mặt hàng được bán với giá rẻ "giật mình", thấp hơn hẳn so với mặt bằng chung trên thị trường như hạt điều 100k/4 hộp, sữa tắm 100k/6 hộp – tính ra còn rẻ hơn 1 chai… nước rửa bát.

Thời gian qua, lực lượng chức năng cũng bắt giữ nhiều vụ buôn bán hàng giả, hàng nhái qua livestream. Cụ thể, theo thông tin từ Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), lực lượng QLTT đã phối hợp với các lực lượng khác tiến hành kiểm tra, thu giữ hàng ngàn sản phẩm quần áo nhái thương hiệu nổi tiếng Gucci, Dior, Louis Vuitton... tại chuỗi cửa hàng AE Shop Việt Nam ở Hà Nội và một số tỉnh lân cận như Bắc Giang, Hải Dương.

Đây là hệ thống bán quần áo, các sản phẩm thời trang khá nổi trên các trang mạng xã hội với các chiêu trò livestream bán hàng giật gân, câu khách.

Cụ thể, tại cơ sở AE Shop Việt Nam, số nhà 167 đường Cao Lỗ, thị trấn Đông Anh, Hà Nội, lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ 4.686 sản phẩm giày, dép, quần áo, thắt lưng,... tại cơ sở này mang các nhãn hiệu: Louis Vuitton, D&G, Dior, Lacoste, Adidas, Givenchy, Bubberry, Mango, Clarks, Hermes, Philip Plein, Gucci, Versace, Nike, DSQuared, Fendy. Cơ sở này do ông Phạm Ngọc Phong làm quản lý, người này thừa nhận số hàng hóa không có hóa đơn chứng từ.

Chuỗi AE Shop Việt Nam được đầu tư quảng cáo khá bài bản trên mạng xã hội Facebook, TikTok và Zalo. Các nhân viên của hệ thống cửa hàng này thường xuyên tổ chức livestream để bán hàng trên các trang Facebook mang tên "AE shop Việt Nam".

Đáng chú ý, các nam nhân viên còn không ngần ngại cởi trần, hò hét, nhảy múa để giới thiệu các sản phẩm mà shop đang bán và không ngừng khẳng định đây là hàng hiệu, hàng xịn.

Ngoài ra, có thể thấy nói tục, chửi bậy, lời lẽ thô tục, phản cảm, xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm người khác đã trở thành tệ nạn trong các buổi livestream, nhất là của những người nổi tiếng đang khiến công chúng phẫn nộ. Chẳng hạn, một ca sĩ dằn mặt đồng nghiệp rằng “gặp ở đâu đánh ở đó”; một cựu người mẫu livestream bán hàng với những lời mắng chửi xối xả, cộc cằn, thô lỗ. Tương tự, một số nghệ sĩ khác cũng từng có những phát ngôn thô tục, gây bức xúc cho người hâm mộ.

Chốt đơn ảo, dùng chim mồi cũng là những chiêu trò thường dùng trên livestream.

Trên mạng từng lan truyền video anh chàng "vạch trần" sự thật đằng sau mỗi màn livestream bán hàng nghìn đơn. Nhưng thay vì lên tiếng trực tiếp, anh ta diễn lại quy trình chốt đơn theo lối hài hước và rất thực tế.

Theo đó, anh chàng nói trong clip: "Đọc tên chị nào là sẽ chốt đơn cho chị ấy nha" rồi liên tục hô to "chốt đơn" và ném hàng sang một bên. Đặc biệt, cư dân mạng còn phát hiện ra chi tiết xung quanh màn hình 3 chiếc đіện thoại livestream là bảng tên dài dằng dặc để người bán hàng đọc theo cho đỡ vấp.

Dù chỉ là một video hài hước nhưng phần nào phơi bày cách các shop online chốt đơn ảo để lôi kéo người mua. Có thể khách hàng đang xem livestream không thực sự cần sản phẩm ấy nhưng họ sẽ dễ rơi vào "tâm lý đám đông" và sẵn sàng chi tiền mà không kiểm soát được.

Khác với hình thức chốt đơn ảo, trong màn livesteam của khá nhiều shop vẫn xuất hiện những bình luận đặt mua từ khách hàng với tên tuổi đầy đủ, thông tin, số điện thoại rõ ràng. Tuy nhiên đây rất có thể chỉ là người quen, bạn bè do shop cài vào để buổi livestream thêm nhộn nhịp và tăng độ tin cậy với khách hàng tiềm năng.

Vì vậy, khi mua hàng trên livestream, người tiêu dùng cần hết sức tỉnh táo trước những chiêu trò tương tác ảo. Hãy lựa chọn livestream từ những cửa hàng, thương hiệu đã có độ uy tín nhất định hoặc là nơi bạn từng mua trước đó và biết rõ về chất lượng sản phẩm.

Theo Tạp chí Sở hữu trí tuệ và Sáng tạo

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/nhung-chieu-tro-ban-hang-qua-livestream-danh-lua-nguoi-tieu-dung-d103526.html

Bạn đang đọc bài viết Những chiêu trò bán hàng qua livestream đánh lừa người tiêu dùng tại chuyên mục Thị trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Thị trường