Kết quả nghiên cứu được EUIPO công bố cũng cho thấy rằng, hiện nhiều người tiêu dùng rất vất vả để phân biệt được hàng thật và hàng giả. Theo số liệu của EUIPO và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), hàng giả chiếm 6,8% hàng hóa nhập khẩu vào EU và trị giá tới 121 tỷ euro (147 tỷ USD).
Hàng giả xuất hiện ở mọi lĩnh vực, từ quần áo đến điện tử, đồ chơi, rượu. Báo cáo cho biết 9% người châu Âu "thừa nhận đã bị lừa mua hàng giả". Tuy nhiên, tỷ lệ này khác biệt tùy theo từng nước. Cụ thể ở Tây Ban Nha là 12%, Pháp là 9%, Bulgaria là 19% trong khi Thụy Sỹ chỉ là 2%.
Theo số liệu của cơ quan thống kê châu Âu Eurostat, khi thương mại điện tử nở rộ khắp toàn cầu do đại dịch COVID-19, có tới 70% người châu Âu mua sắm qua mạng trong năm 2020.
Người đứng đầu EUIPO, Christian Archambeau cũng nhấn mạnh rằng, "tình trạng gia tăng về số lượng thuốc giả và sản phẩm chăm sóc y tế giả mạo có thể gây phản tác dụng đến sức khỏe và an toàn của con người".
Theo một nghiên cứu khác của EUIPO, công bố đầu năm nay, phần lớn thuốc giả đến từ Trung Quốc và Ấn Độ, trong khi Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Singapore và Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) là "trung tâm trung chuyển" các sản phẩm này. Các sản phẩm này rất đa dạng bao gồm cả thuốc giảm đau, thuốc kháng sinh, khẩu trang, chủ yếu xuất sang châu Phi, Mỹ và châu Âu.
Ảnh minh họa |
Hàng giả là vấn đề nhức nhối xảy ra tại các nước châu Âu từ lâu. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có cách nào hữu hiệu ngăn chặn hàng giả trên lãnh thổ châu Âu. Báo cáo của Cơ quan Sở hữu trí tuệ thuộc Ủy ban châu Âu cho thấy, có 13 nhóm sản phẩm thường bị làm giả trên thị trường châu Âu. Trong đó 5 sản phẩm gây thiệt hại nhiều nhất cho kinh tế châu Âu là quần áo, thuốc chữa bệnh, mỹ phẩm, điện thoại di động và các loại rượu. Giá trị hàng giả tương đương tới 7,5% tổng giá trị tất cả các loại hàng hóa ở châu Âu, một tỷ lệ cao tới mức báo động.
Hàng giả gây thiệt hại cho hầu hết các khía cạnh của nền kinh tế. 28 nước thành viên châu Âu mất tới 60 tỷ Euro mỗi năm do nạn hàng giả. Hàng giả đã chiếm tới 7,5% thị phần, nên các nhà máy ở châu Âu buộc phải sản xuất ít hơn tương ứng so với khi không có hàng giả. Hậu quả của hàng giả là làm mất đi 434.000 việc làm trên toàn lãnh thổ châu Âu.
Nguồn gốc hàng giả được xác định xuất phát chủ yếu từ châu Á, đặc biệt là từ Trung Quốc. Trung Quốc đứng đầu trong hầu hết chủng loại hàng giả phát hiện được ở châu Âu: thực phẩm, mỹ phẩm, quần áo, đồ điện tử, chỉ trừ dược phẩm giả thì Trung Quốc phải chịu nhường vị trí đứng đầu cho Ấn Độ. Các container hàng giả từ Trung Quốc thường được vận chuyển tới các nước có biên giới với Liên minh châu Âu, như Maroc hay Ukraine.
Các băng nhóm buôn lậu hàng giả có 3 thủ đoạn chính. Thứ nhất là chia nhỏ lượng hàng tuồn vào châu Âu thành nhiều hộp nhỏ tại các điểm trung chuyển chính, như: Albanie, Maroc, Ukraine hay Thổ Nhĩ Kỳ và gửi qua đường bưu điện. Thủ đoạn thứ hai là tuồn riêng rẽ từ châu Á các nguyên liệu khác nhau, rồi ráp nối thành sản phẩm cuối ngay trong lãnh thổ châu Âu, cách này liên quan nhiều tới mỹ phẩm và rượu champagne. Cách thứ ba là che giấu xuất xứ.
Các nhóm làm hàng giả thường chọn các khu chế xuất, có tới 3.000 khu chế xuất trên toàn thế giới, tại đó luật lệ lỏng lẻo và hầu như không có kiểm tra, có sản xuất hàng giả cũng ít bị phát hiện.
Theo Chất lượng Việt Nam Online