Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

Tái cơ cấu các ngành dịch vụ: Nhìn từ tâm sự của một facebooker

DTVN 09:43 31/07/2020

Mới đây những ai quan tâm đến các ngành DV của Việt Nam, đặc biệt là du lịch đã không khỏi cầm lòng khi đọc những tâm sự “gan ruột” của facebooker Lê Quốc Việt, giám đốc của trang mạng hoteljob.vn.

Trên những dòng tâm sự của facebooker trên lĩnh vực dịch vụ này, cộng đồng mạng có thể được chia sẻ niềm vui bao nhiêu của những người làm du lịch thì cũng không khỏi băn khoăn day dứt, được bấy nhiêu khi sau đúng 99 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, ca bệnh thứ 416 và nhiều ca bệnh tiếp liền theo đã như một cú “đánh” vu hồi cho ngành du lịch Việt Nam đang gượng dậy sau nhiều tháng suy giảm.

“Đang vui bỗng đứt dây đàn, đang dang chân múa ngã đoàng tái tê” - Facebooker Lê Quốc Việt viết. Và trong khi sẽ phải tuân thủ sự giãn cách xã hội tại một số địa phương theo chỉ đạo của Chính phủ, facebooker này kêu gọi mọi người “Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tái xuất, giữa cái lý và cái tình, thì tình người là trên hết, chúng ta hãy hành xử có trách nhiệm và vì sự phát triển bền vững của du lịch Việt Nam”, mọi người hãy “đổi ngày tour thay vì hủy dịch vụ đã đặt để giúp ngành du lịch, khách sạn khỏi bị vùi dập một lần nữa”.

Năm 2019 chứng kiến một năm bội thu chưa từng có của du lịch Việt Nam khi doanh thu đạt ngót ngét 7 tỷ USD. Ngoài đội ngũ những người trực tiếp làm du lịch, dịch vụ du lịch cũng gián tiếp tạo ra công ăn việc làm của hàng triệu người. Và “đến bây giờ mới thấy đây” khi dịch vụ du lịch thực sự là con gà đẻ trứng vàng của nền kinh tế đất nước.

Tái cơ cấu các ngành dịch vụ cần có sự chung tay của cả cộng đồng.

Nhưng bước sang năm 2020, bức tranh của ngành dịch vụ Việt Nam nói chung và du lịch nói riêng bỗng thoắt thay đổi 180 độ khi dịch bệnh Covid-19 xảy đến. Những diễn biến xấu liên tiếp đã xảy đến và không ai có thể biết chắc những diễn biến tồi tệ nhất sẽ kéo dài bao lâu? Đáng chú ý khi khủng hoảng xảy đến với ngành du lịch thì không chỉ ngành này gánh chịu thiệt hại mà còn kéo theo một loạt ngành khác lao đao là lưu trú, ăn uống, lữ hành, vận chuyển.

Chuyên gia Nguyễn Anh Dương - Trưởng Ban nghiên cứu tổng hợp của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - nhận xét, nếu như trong nhiều năm qua ngành dịch vụ là ngành kinh tế tăng trưởng nhanh nhất của Việt Nam thì mọi sự đã thay đổi khi dịch bệnh Covid xảy đến. Còn TS. Cấn Văn Lực và nhóm cộng sự trong một nghiên cứu mới đây cho biết, có đến 14/15 ngành kinh tế của Việt Nam bị tác động các mức độ khác nhau từ Covid-19 thì có đến 8/14 ngành bị ảnh hưởng tiêu cực mà dịch vụ du lịch lại nằm trong số ngành bị tác động nặng nề nhất.

Sự xuất hiện của ca bệnh 416 cho thấy rõ một thực tế rằng dịch vụ du lịch cũng như nhiều ngành kinh tế khác rất có thể phải đối mặt với một thực tế là Covid-19 có thể có điểm đầu mà không có điểm cuối và du lịch cũng không thể chờ được cái gọi là “điểm kết thúc” của dịch bệnh Covid-19. Điều này dẫn đến một câu chuyện lớn hơn là ngành dịch vụ du lịch của Việt Nam phải tạm gác sang một bên cái hấp lực của tăng trưởng nhiều chục phần trăm mà dành ưu tiên cao nhất cho việc tái cơ cấu, dù muốn hay không.

Với các doanh nghiệp trong ngành du lịch, dịch vụ, bên cạnh việc không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ cần tăng cường các hoạt động xúc tiến, quảng bá, hợp tác với các đơn vị du lịch trên thế giới, đa dạng hóa thị trường khách du lịch quốc tế. Logic của việc tái cơ cấu nằm ở chỗ dịch bệnh buộc ngành du lịch (và nhiều ngành dịch vụ khác) buộc phải tái cơ cấu nhưng các chiến lược tái cơ cấu đó lại không phải là hành động đối phó với dịch bệnh.

Liên quan đến tái cơ cấu ngành du lịch, một số chuyên gia lưu ý là cần có những điều tra sâu về hành vi của du khách để từ đó tập trung cho các đối tượng cần được kích cầu (chẳng hạn như khách thường xuyên đi công tác, các chuyên gia và nhân lực nước ngoài lao động tại Việt Nam). Bởi một trong những tác động được coi là lớn nhất của Covid-19 lên ngành du lịch chính là thay đổi trong hành vi của du khách khi trên thực tế hãy còn ít những khảo sát, điều tra như thế.

Tuy nhiên tái cơ cấu cũng lại là một câu chuyện dài, rất dài. Có những hành động lại cần phải được tiến hành ngay từ hôm nay. Những dòng tâm sự của facebooker Lê Quốc Việt không chỉ là một nhắn gửi mà có thể là một gợi ý, một slogan cho du lịch Việt lúc này: Hãy đổi ngày tour, đừng hủy tour!.

Theo Quang Lộc/Báo Công Thương Điện Tử

Link gốc : https://congthuong.vn/tai-co-cau-cac-nganh-dich-vu-nhin-tu-tam-su-cua-mot-facebooker-141308.html

Bạn đang đọc bài viết Tái cơ cấu các ngành dịch vụ: Nhìn từ tâm sự của một facebooker tại chuyên mục Kinh doanh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Kinh doanh