Nếu 3G mang lại công nghệ di động số vẫn còn hạn chế, 4G gia tăng tỷ lệ sử dụng các ứng dụng đòi hỏi băng thông rộng thì với công nghệ 5G, “tất cả ngành nghề sẽ thay đổi” - ông Denis Brunetti, Tổng giám đốc Ericsson Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào nhận định tại Hội nghị Công nghệ 2020 (Tech Summit 2020) do Forbes Việt Nam tổ chức. Theo ông Denis Brunetti, công nghệ 5G sẽ giúp các ngành sản xuất “thay da đổi thịt” với sự xuất hiện của các robot có thể điều khiển từ xa trong nhà máy, từ đó cải thiện mạnh mẽ năng suất lao động.
Theo phân tích của các chuyên gia, sự phát triển của công nghệ hiện đại khiến con người lo sợ bị cướp mất công việc. Đây là rủi ro có thể xảy ra, khi các nước láng giềng như: Thái Lan, Campuchia hay Phillippines bắt đầu đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, Việt Nam cũng buộc phải tiến lên. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa máy móc công nghệ sẽ thay thế con người.
Theo ông Brunetti tất cả mọi người đều có khả năng hiện thực hoá lý tưởng nhờ công nghệ, những ngành công nghiệp mới sẽ xuất hiện, kéo theo đó là sự xuất hiện của ngành nghề mới. Do đó Việt Nam cần tập trung vào phát triển khoa học, giáo dục và dạy nghề để chuẩn bị tốt nhất cho lực lượng lao động của tương lai.
Theo chuyên gia này, Việt Nam đang sở hữu những yếu tố cần để phát triển khoa học công nghệ, trong đó bao gồm một nền kinh tế và chính trị ổn định. Bên cạnh đó, vốn đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam rất ổn định. Chưa kể, thời gian qua Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do như EVFTA, CPTPP; hệ sinh thái khởi nghiệp vươn lên vị trí số 3 trong 6 nước lớn nhất ASEAN…
Những yếu tố trên cộng với mức độ phủ sóng điện thoại và mạng viễn thông ngày một cao, chính là phần nền để các công nghệ đổi mới sáng tạo, bao gồm cả 5G phát triển. “Khi đầu tư vào bất cứ quốc gia nào, chúng tôi nhìn vào hệ thống cơ sở hạ tầng. Một nơi sở hữu thành phố thông minh với mạng lưới băng thông rộng sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư hơn”, ông Brunetti nói.
Điều quan trọng hiện tại theo ông Brunetti là Việt Nam cần tập trung phát triển kinh tế. “Chúng tôi tin vào viễn cảnh năm 2045, Việt Nam trở thành nền kinh tế phát triển. Ericsson đang bắt tay cùng những doanh nghiệp viễn thông hàng đầu quốc gia để hiện thực hoá tầm nhìn này", ông Brunetti khẳng định.
Theo Thảo Nguyên/VietQ.vn