Theo thông tin từ DealStreetAsia, nền tảng thương mại điện tử B2B Telio vừa gọi vốn thành công 25 triệu USD trong vòng Series A từ một số nhà đầu tư, trong đó dẫn đầu là Tiger Global cùng các tên tuổi khác gồm Sequoia India, GGV Capital và RTP Global.
Được biết, Telio là một trong 17 công ty nằm trong chương trình "Tăng tốc khởi nghiệp Surge" được Sequoia India khởi xướng hồi đầu năm 2019 dành cho các startup tại Ấn Độ và ASEAN. Telio mới đây tuyên bố tổng giá trị giao dịch hàng hóa đã tăng trên 50 lần từ khi tham gia chương trình Surge, song song giá trị Công ty cũng tăng 10 lần so với vòng gọi vốn hạt giống.
Được thành lập vào tháng 11/2018, Telio là ý tưởng manh nha bởi nhà sáng lập Bùi Sỹ Phong sau khi tham gia chương trình eFounders của Alibaba vào năm 2018, hướng đến phục vụ các doanh nghiệp nhỏ - đối tượng được coi là xương sống của nền kinh tế.
Anh Bùi Sỹ Phong - Nhà sáng lập và Giám đốc điều hành công ty Telio. Ảnh: Nguồn Internet |
Anh Bùi Sỹ Phong, có trên 10 năm kinh nghiệm làm việc tại các đơn vị viễn thông và ngân hàng tại Pháp và Việt Nam, Nhà sáng lập và Giám đốc điều hành công ty Telio - nền tảng thương mại điện tử B2B đầu tiên của Việt Nam cho biết: Telio là một trong 17 Công ty nằm trong chương trình Tăng tốc Khởi nghiệp Surge – một chương trình được Sequoia India khởi xướng hồi đầu năm 2019 dành cho các công ty khởi nghiệp tại Ấn Độ và Đông Nam Á. Tổng doanh thu của Telio đã tăng trên 50 lần từ khi tham gia chương trình Surge, và giá trị công ty Telio đã tăng 10 lần trong vòng gọi vốn lần này, so với lần gọi vốn từ Sequoia Surge trước đó vài tháng.
Theo đó, Telio có chức năng kết nối các cửa hàng nhỏ lẻ với các thương hiệu và nhà bán buôn trên nền tảng của mình, Công ty cung cấp dịch vụ hậu cần hiệu quả với mức giá tốt.
Thực tế tại Việt Nam, các nhà bán lẻ nhỏ chiếm hơn 60% doanh số bán hàng tiêu dùng nhanh ở khu vực thành thị và hơn 90% ở nông thôn, tuy nhiên hầu hết chưa có được giải pháp công nghệ hiện đại. Nắm bắt nhu cầu, Telio ra đời, giải quyết vấn đề thời gian và quyền truy cập mà các cửa hàng Mom-and-pop (mẹ và con). Vấn đề mà trước đây các hộ kinh doanh thường cần gọi 50 - 80 nhà bán buôn và nhà phân phối để đặt hàng riêng lẻ, có thể mất thời gian một tuần để đến nơi. Telio cũng lên kế hoạch xây dựng một mạng lưới kho để đảm bảo giao hàng vào ngày hôm sau.
Tính đến nay, nền tảng của Telio có hơn 3.000 nhà bán lẻ tại Hà Nội và TP.HCM. Công ty có kế hoạch mở rộng tại 4 thành phố khác và đặt mục tiêu phục vụ 15.000 cửa hàng bán lẻ trước tháng 6/2020.
"Nhiệm vụ của chúng tôi là hỗ trợ cho số lượng lớn các nhà bán lẻ nhỏ ở Việt Nam, những người đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế chung và đặc biệt tại các địa phương nơi họ phục vụ. Trong khi chuỗi cung ứng hàng tồn kho ở nước ta rất phân tán, các nhà bán lẻ này không có một cái nhìn rõ ràng về giá cả, chất lượng, kể cả việc hàng có sẵn hay không", đại diện Telio nói.
Trong đó, thanh toán không dùng tiền mặt không phải là một trong những tồn tại chính của các cửa hàng nhỏ lẻ này, mà khó khăn chính là việc làm đầy danh mục sản phẩm tại cửa hàng của họ.
Mặt khác, Jixun Foo, đối tác quản lý tại GGV Capital, khẳng định các cửa hàng Mom-and-pop tạo thành huyết mạch tiêu dùng Việt Nam, mặc dù hình thức bán lẻ và thương mại điện tử đang lên ngôi thì mô hình này vẫn duy trì một vị thế bền vững.
Như vậy, bằng cách tận dụng công nghệ, Telio có thể hỗ trợ đối tượng bán lẻ này khai thác khu vực cũng như quy mô hoạt động một cách hiệu quả nhất. Trong bối cảnh Việt Nam là một trong hai quốc gia ở Đông Nam Á (cùng với Indonesia) đứng đầu về tăng trưởng kinh tế số với tốc độ lên đến 40%/năm, theo báo cáo của e-Conomy SEA 2019 của Google, Temasek Holdings và Bain. Chưa kể, được thúc đẩy bởi sự tăng trưởng thương mại điện tử, nền kinh tế số Việt Nam dự chạm mốc 12 tỷ USD vào năm 2019.
Theo Hoài Sơn/TBCK