Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 19/04/2024

VNR – “Con tạo” vẫn chưa thể xoay vần dưới thời Chủ tịch Vũ Anh Minh

DTVN Theo Sở hữu Trí tuệ 12:06 11/11/2020

Khi đảm nhận vị trí Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam - ông Vũ Anh Minh đã cắt giảm hàng loạt nhân sự, đồng thời, doanh nghiệp cũng bị sụt giảm về doanh thu, lợi nhuận.

Lãnh đạo bị kỉ luật cảnh cáo, lợi nhuận lao dốc

Ông Vũ Anh Minh được điều động, bổ nhiệm vào vị trí Chủ tịch HĐTV Tổng công ty đường sắt Việt Nam - VNR kể từ ngày 1/3/2017. Tại VNR, ông là thành viên chuyên trách phụ trách chung của Hội đồng thành viên. Ông phụ trách các công việc liên quan đến: Quản lý vốn và tài sản do chủ sở hữu nhà nước giao cho Tổng công ty; Chỉ đạo thực hiện các quyết định của chủ sở hữu Nhà nước…

Ngày 24/7/2019, dư luận xôn xao trước thông tin Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký Quyết định số 134/QĐ-TTg về việc thi hành kỷ luật ông Vũ Anh Minh - Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR.

Cụ thể, Thủ tướng quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức Cảnh cáo đối với ông Vũ Anh Minh do đã có vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong thời gian giữ các chức vụ: Phó Vụ trưởng, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, Bộ Giao thông Vận tải.

Như vậy, ông Vũ Anh Minh đã có vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng khi còn làm việc tại Bộ Giao thông vận tải. Còn khi làm “đầu tàu” của Đường sắt Việt Nam, kết quả kinh doanh của Tổng công ty này cũng khiến dư luận chú ý.

Trước khi ông Minh ngồi “ghế nóng”, trong năm 2016, VNR đạt 7.224 tỉ đồng doanh thu và 173,5 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế. Trong năm 2017, năm đầu tiên ông Vũ Anh Minh nắm giữ chức vụ Chủ tịch HĐTV VNR, số liệu từ Bộ Tài chính cho thấy tổng doanh thu toàn Tổng công ty đạt 7.767 tỉ đồng, tăng 15% so với năm 2016, nhưng lợi nhuận chỉ đạt 145 tỉ đồng, giảm 16% so với năm 2016, chủ yếu do Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội bị lỗ 88 tỉ đồng.

Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam - ông Vũ Anh Minh. Ảnh: Internet

Năm 2018, HĐTV Tổng công ty cũng chỉ đặt mục tiêu đạt lợi nhuận trước thuế hợp nhất là 150 tỉ đồng, tăng vỏn vẹn 5 tỉ đồng so với năm 2017. Tuy nhiên, bất ngờ là doanh nghiệp có sự tăng trưởng ấn tượng trong năm 2018 với mức doanh thu đạt hơn 8.261 tỉ đồng (tăng 1,9%), riêng lợi nhuận sau thuế công ty mẹ đạt 124 tỉ đồng, tăng 3% so với kế hoạch đề ra.

Tới năm 2019, VNR lại chứng kiến đà sụt giảm doanh thu. Chỉ tiêu này giảm nhẹ xuống 7.530 tỉ đồng. Tuy nhiên, do thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng (chi phí bán hàng giảm từ 311 tỉ đồng xuống 276 tỉ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm từ 535 tỉ đồng xuống 515 tỉ đồng) nên kết quả là lợi nhuận sau thuế 2019 vẫn vọt lên 150 tỉ đồng. Dù tăng so với 2018 nhưng VNR vẫn không hoàn thành kế hoạch vì trước đó VNR đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế 2019 lên đến 188 tỉ đồng.

Việc bùng phát dịch Covid-19 vào năm 2020 đã phá vỡ toàn bộ kế hoạch chạy tàu cùng các nỗ lực tăng sản lượng và doanh thu từ vận tải hành khách của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam. VNR nếm mùi thua lỗ khủng. Doanh thu 6 tháng đầu năm giảm sâu đạt 1.567 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm năm 2019 đạt 2.417 tỉ đồng. VNR lỗ 252 tỉ, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 34 tỉ đồng. Lũy kế từ đầu năm đến cuối quý II/2020, VNR lỗ 309 tỉ đồng, trong khi năm 2019 lãi 141 tỉ đồng.

Giảm đến 10% lao động

Khi trở thành Chủ tịch HĐTV, một trong những nhiệm vụ ông Vũ Anh Minh được giao là phát huy ưu điểm, thế mạnh, tiếp tục xây dựng hình ảnh đẹp của người lao động ngành Đường sắt, chăm lo đời sống CBVCNLĐ, tạo động lực để cùng nhau hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị của ngành ĐSVN nói riêng và toàn của Ngành Giao thông vận tải nói chung. Tuy nhiên, dưới thời ông Minh làm Chủ tịch VNR, tổng lao động tại VNR giảm đến hàng nghìn người.

Điển hình, cuối năm 2016, trước khi ông Minh đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐTV, VNR có tổng cộng 27.490 nhân sự. Sau khi ông Minh trở thành Chủ tịch VNR, lực lượng lao động tại VNR giảm 884 người. Sang năm 2018, sau khi giảm 1.912 người, tổng lao động chỉ còn 25.578 người. Tới năm 2019, một lần nữa VNR lại chứng kiến tình trạng sụt giảm nhân sự. Tổng lao động chỉ còn 24.772 người.

Như vậy, dưới thời ông Minh làm Chủ tịch HĐTV, Tổng công ty này đã giảm 2.718 người, tương đương 10% so với năm 2016. Chủ tịch HĐTV VNR cho hay sẽ sớm có thông tin cụ thể về lý do cắt giảm nhân sự cũng như việc sụt giảm doanh thu, lợi nhuận để rộng đường dư luận.

Thông tin với báo chí, ông Đặng Sỹ Hạnh - Tổng Giám đốc VNR cho biết, chỉ trong 10 tháng đầu năm 2020, toàn VNR có tới 1.634 lao động bị ảnh hưởng hưởng thiếu việc làm; trong đó 423 lao động phải nghỉ luân phiên không hưởng lương từ 5-13 ngày công/tháng; 1.211 lao động phải tạm hoãn hợp đồng lao động.

Trong khi đó, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Hoàng Anh - Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho hay hiện nhân sự cấp cao tại VNR chưa có gì thay đổi. Ông Minh vẫn giữ chức vụ Chủ tịch HĐTV VNR.

Được biết, tháng 11/2018, VNR là một trong 5 tổng công ty được Bộ Giao thông vận tải chuyển giao về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Đến tháng 2/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhận được một số ý kiến đề nghị điều chuyển VNR từ Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp về trực thuộc Bộ Giao thông vận tải - nơi ông Vũ Anh Minh có nhiều sai phạm dẫn đến bị kỷ luật. Tuy nhiên, Thủ tướng đã quyết định chưa điều chuyển đơn vị này về lại Bộ Giao thông vận tải quản lý.

Theo Sở hữu Trí tuệ

Bạn đang đọc bài viết VNR – “Con tạo” vẫn chưa thể xoay vần dưới thời Chủ tịch Vũ Anh Minh tại chuyên mục Doanh nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Doanh nghiệp