Hà Nội, Thứ Tư Ngày 24/04/2024

Tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước: Tắc ngay 'vòng gửi xe'

DTVN 07:19 09/10/2019

Trước thềm Hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN do Thủ tướng Chính phủ chủ trì, nhìn lại thấy còn ngổn ngang trăm mối. Có những việc quan trọng lại tắc ngay từ khâu đầu tiên.

Đến “kim chỉ nam” cũng chậm

Theo thông báo của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sắp chủ trì hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN. Các bộ, ngành, UBND các tỉnh và các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước được yêu cầu phải có báo cáo đánh giá tình hình cơ cấu lại doanh nghiệp, tập trung vào tình hình triển khai thực hiện phương án cơ cấu lại đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt từ 2016 đến tháng 8/2019.

Nhìn lại quá trình thực hiện không khỏi giật mình vì tiến độ rùa bò có hệ thống. Ngày 25/5/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 707/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án "Cơ cấu lại DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2016 - 2020". Quyết định 707/QĐ-TTg được xem như “kim chỉ nam” để thực hiện tái cơ cấu DNNN. Tuy nhiên, có thể thấy, quyết định này đã ban hành chậm hơn 01 năm. Trong năm đó, không ít cơ quan đại diện chủ sở hữu viện lý do chờ... Quyết định của Thủ tướng!

Qua 2 đời cơ quan đại diện chủ sở hữu, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) vẫn chưa được phê duyệt phương án tái cơ cấu lại giai đoạn 2016-2020.

Gần hết giai đoạn vẫn chưa duyệt “đề cương”

Theo quyết định 707/QĐ-TTg, các bộ, ngành, UBND các tỉnh có trách nhiệm phê duyệt phương án cơ cấu lại tổng công ty, DNNN thuộc phạm vi quản lý trước ngày 31/8/2017; thẩm định phương án cơ cấu lại tập đoàn kinh tế và Tổng Công ty Đầu tư kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) giai đoạn 2016 - 2020 trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trước ngày 31/8/2017.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Tài chính, đến 30/6/2019, mới chỉ có 35/526 DNNN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cơ cấu lại - Bước cơ bản đầu tiên để tổ chức thực hiện. Trong đó, khối tổng công ty mới chỉ 8/58 đã có đề án được phê duyệt.

Có ý kiến cho rằng, phương án tái cơ cấu chỉ như một đề cương và việc chậm phê duyệt là khó chấp nhận, thà rằng chậm phê duyệt giá trị doanh nghiệp, vì tính chất phức tạp liên quan đến giá trị đất, tài sản vô hình...

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp đến hết tháng 8/2019, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt theo thẩm quyền 6/7 đơn vị. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vẫn chưa được phê duyệt đề án cơ cấu lại. Như vậy, gần như chắc chắn đến thời điểm tổ chức Hội nghị, PVN vẫn chưa thể bắt tay triển khai tái cơ cấu vì chưa có “đề cương” để thực hiện.

Đến nay, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vẫn chưa được phê duyệt đề án cơ cấu lại

Một ví dụ điển hình cho tình trạng tắc ở “vòng gửi xe” nữa là Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR). Dù đã nhiều lần chỉnh sửa và qua 02 cơ quan đại diện chủ sở hữu là Bộ Giao thông Vận tải và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhưng đến nay, VNR vẫn chưa có được tấm vé thông hành là được phê duyệt phương án cơ cấu lại.

Do kẹt khâu đầu tiên như vậy, nên thoái vốn đầu tư ngoài ngành các tổng công ty gần như không thể thực hiện. Bởi theo Nghị định 32/2018/NĐ-CP quy định nguyên tắc việc chuyển nhượng vốn đầu tư ra ngoài của DNNN phải gắn với phương án cơ cấu lại doanh nghiệp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Cần phải nói thêm rằng, một số doanh nghiệp đã phải bỏ rất nhiều thời gian, nhân lực, vật lực để xây dựng đề án này ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất kinh doanh.

Theo Nhóm PV/Tài chính Doanh nghiệp

Bạn đang đọc bài viết Tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước: Tắc ngay 'vòng gửi xe' tại chuyên mục Đầu tư. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Đầu tư
Những dòng vốn tư nhân đang “cuồn cuộn” đổ vào ngành nước sạch hưởng ứng chính sách xã hội hóa gần đây của Nhà nước. Các dòng tiền nghìn tỷ này đang phân chia miếng bánh béo bở trong ngành nước sạch.