Thông tin từ UBND thị trấn Trại Cau, thửa đất số 67, tờ bản đồ số 5 thuộc tổ 17 vốn là đất ruộng do hộ gia đình bà Hoàng Thị Lý sử dụng. Năm 2012 – 2013, gia đình anh C. được bà Lý đồng ý cho sử dụng phần diện tích đất ruộng để xây dựng công trình kiên cố với tổng giá trị là hơn 100 triệu đồng.
Ông Nghiêm Sơn Hà, Chủ tịch UBND thị trấn Trại Cau cho biết, khi phát hiện việc xây dựng công trình trái phép, sử dụng đất sai mục đích thị trấn đã cử đồng chí cán bộ địa chính xuống nắm bắt, lập biên bản sự việc đồng thời báo cáo tuy nhiên sau đó chưa thể xử lý được.
Năm 2018, Công ty TNHH Xây dựng Mỹ thuật Thiên Phúc được tỉnh Thái Nguyên phê duyệt dự án Khu du lịch sinh thái văn hóa Đá Thiên, dự án có tổng mức đầu tư gần 800 tỷ đồng và có sử dụng trên 10 ha đất lúa, hiện chưa được chấp thuận của Thủ tướng chính phủ đồng ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Thửa đất số 67 và công trình vi phạm nêu trên nằm trong vùng đất quy hoạch dự án Đá Thiên.
Đến tháng 7/2019, doanh nghiệp Thiên Phúc đã tự nhận là đất của doanh nghiệp (dù thửa đất đang thuộc sở hữu của bà Hoàng Thị Lý) và ban hành hai văn bản thông báo nội dung yêu cầu bà Lý, cá nhân có công trình tự tháo dỡ công trình sai phạm nếu không phía doanh nghiệp sẽ tự tổ chức đưa máy móc, nhân công để tháo dỡ. Điểm đến của văn bản thông báo được gửi đến UBND thị trấn Trại Cau; gia đình bà Hoàng Thị Lý; hộ dân có công trình xây trái phép.
Sau đó, trong hai ngày 24, 25/7 phía doanh nghiệp đã tổ chức đưa máy móc, nhân công đến phá dỡ bất chấp sự phản đối của hộ dân có công trình.
Theo ông Hà, chủ tịch thị trấn Trại Cau công ty Thiên Phúc không có thẩm quyền ra thông báo nội dung yêu cầu người dân tháo dỡ công trình dù đó là công trình xây dựng trái phép vì thẩm quyền xử lý thuộc về cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
“Công ty Thiên Phúc không có thẩm quyền. Phía công ty không hiểu gì về pháp luật, ký văn bản nội dung trong thông báo là không đúng, nội dung đó phải là cơ quan nhà nước có thẩm quyền”, ông Hà thông tin.
Đồng quan điểm, Luật sư Nguyễn Quynh (Đoàn luật sư Hà Nội) nhận định trong mọi trường hợp doanh nghiệp tổ chức “cưỡng chế” thay chính quyền là hoàn toàn trái luật.
Không phản ứng tức là đồng ý?
Dù khẳng định nội dung trong hai thông báo của Công ty Thiên Phúc gửi đến yêu cầu người dân tự tháo dỡ là không đúng thẩm quyền thế nhưng theo ông Nghiêm Sơn Hà, Chủ tịch UBND thị trấn Trại Cau thì dù không đúng nhưng tại thời điểm tiến hành phá dỡ công trình hộ dân có công trình xây trái phép không… không nói gì tức là đồng ý với việc làm của phía doanh nghiệp?
Để rộng đường dư luận, xin trích một đoạn ngắn cuộc trao đổi với lãnh đạo thị trấn Trại Cau – ông Nghiêm Sơn Hà:
- Thưa ông, ông nhận định thế nào về nội dung trong văn bản thông báo của Công ty Thiên Phúc gửi cho người dân?
Ông Hà: Văn bản thông báo ban hành là để biết, không mang tính quyết định. Thẩm quyền ra thông báo, xử lý thuộc về cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Quan trọng thông báo này gửi đến cho cá nhân, nếu thấy văn bản do Công ty Thiên Phúc gửi đến trái quy định thì người dân có quyền kiện. Nó chả sao cả.
Việc thông báo giữa một doanh nghiệp và một cá nhân thì cái nơi nhận là “báo cáo” để ủy ban biết
- Ông cho nhận định về nội dung văn bản thông báo của công ty Thiên Phúc đã đúng thẩm quyền, quy định pháp luật hay chưa?
Ông Hà: Nội dung ghi trong văn bản thông báo do công ty Thiên Phúc ban hành không đúng thẩm quyền. Xét về khía cạnh pháp luật đúng hay sai thì phải… xét.
Nếu như thửa đất số 67 Công ty Thiên Phúc mua lại được của bà Lý, được chuyển nhượng đất thì công ty ra thông báo hay không ra thông báo thì nó khác. Ở đây Công ty mới dừng lại ở thỏa thuận (sau khi doanh nghiệp đủ hồ sơ, thủ tục, pháp lý đi vào triển khai dự án thì sẽ bàn giao đất cho doanh nghiệp – PV) nên thông báo là không đúng.
- Đất chưa chuyển nhượng nhưng trong đoạn video người dân cung cấp, ông cũng đã xem, tại buổi phá dỡ công trình của người dân, ông Đỗ Khắc Thân, Giám đốc Công ty Thiên Phúc lại khẳng định thửa đất là của ông Thân và việc tháo dỡ là theo “pháp lệnh”?
Ông Hà: Phải nói Công ty Thiên Phúc đang rất mạo hiểm, nếu làm không chuẩn thì sau này phía doanh nghiệp sẽ thiệt. Con việc phá dỡ, đây vốn là công trình sai phạm, cơ quan nhà nước đã tuyên truyền vận động để người dân tự giác nhưng người dân không nghe. Ông Thân nói trong Clip là nói… mồm.
Ra ngoài xã hội có nhiều người phát ngôn ác hơn thế nhiều, cái chuyện đó cũng là chuyện cá nhân, nếu phát ngôn ảnh hưởng đến tinh thần của người kia hoặc đe dọa thì người dân có quyền kiện. Tôi thấy phát ngôn như vậy không sao.
- Ông có nhận định thế nào về hành vi của doanh nghiệp khi tổ chức phá dỡ công trình của người dân? Có dấu hiệu trái luật không thưa ông?
Ông Hà: Ví dụ tôi (tổ chức tư nhân –PV) gửi đến anh (công dân) văn bản thông báo ba hôm nữa sẽ đến nhà tháo cổng nhà anh. Anh nhận được thông báo nhưng khi đọc anh thấy nội dung trái pháp luật nên anh không quan tâm, để đó. Ba hôm sau, tôi đến nhà anh tháo cổng mà anh không phản ứng tức là anh đồng ý.
Cũng ví dụ khác, laptop của anh để đây, tôi lấy của anh, anh không phản ứng tức là anh đồng ý, tôi xem tài liệu, anh không phản ứng tức là đồng ý với hành động của tôi. Vậy khi ra thông báo gửi đến người dân, người dân không phản hồi tức là đồng ý.
- Sự im lặng không có nghĩa là đồng ý, thưa ông?
Ông Hà: (Không trả lời)…
Theo ghi nhận của PV, trên thực tế vì thấy nội dung văn bản thông báo là trái luật nên người dân không thực hiện theo những gì phía công ty yêu cầu. Khi công ty đưa máy móc để tiến hành tháo dỡ chủ công trình đã có mặt đề nghị xuất trình văn bản chứng minh đủ pháp lý và yêu cầu lập biên bản nhưng phía doanh nghiệp không cung cấp được và vẫn tiền hành tổ chức tháo dỡ trước phản ứng của chủ công trình.
Nếu theo cách lập luận cùng với những ví dụ của ông Nghiêm Sơn Hà, Chủ tịch thị trấn Trại Cau khi thông tin vụ việc doanh nghiệp bị tố tổ chức cưỡng chế, hủy hoại tài sản công dân thì dấu hiệu của sự đồng ý chính là… không phản hồi.
Cách lập luận của lãnh đạo địa phương là thiếu thuyết phục. Hãy thử hình dung nếu nội dung thông báo không phải yêu cầu tháo dỡ mà là một văn bản thông báo có nội dung trái pháp luật; đạo đức… và được gửi đến hộ dân bất kì. Nếu theo cách suy luận của ông Nghiêm Sơn Hà thì nếu người nhận không phản hồi thì tức là đồng ý và doanh nghiệp có quyền làm theo những gì nêu trong thông báo có nội dung trái luật? Trong khi đó, việc cá nhân im lặng trước một sự việc không đồng nghĩa với việc họ đồng tình ủng hộ.
Việc doanh nghiệp tự ý ban hành thông báo có nội dung trái thẩm quyền và hành vi tự ý tổ chức cưỡng chế, hủy hoại công trình của người dân cần phải bị xử lý để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của nhân dân. Đề nghị UBND huyện Đồng Hỷ, UBND thị trấn Trại Cau làm rõ nội dung người dân phản ánh.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.