Nhưng khi làm thủ tục xóa thế chấp và thế chấp, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Hóc Môn lại không chịu phê duyệt hồ sơ.
Mất quyền định đoạt tài sản
Phản ánh đến Tòa soạn Doanh nghiệp và Thương hiệu, ông Lê Văn Thịnh – Chủ một doanh nghiệp may mặc trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh cho biết: Ngày 17/12/2017, vợ chồng ông có thực hiện hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Bên chuyển nhượng là ông Vy Liêm Phúc, bà Lê Thị Mỹ Duyên. Đối tượng của hợp đồng này là quyền sử dụng đất tại thửa đất số 662, tờ bản đồ 62, xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh.
Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Hóc Môn – Nơi hồ sơ của ông Lê Văn Thịnh bị “treo” khi làm thủ tục xóa thế chấp và thế chấp để vay vốn ngân hàng. |
Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Hóc Môn – Nơi hồ sơ của ông Lê Văn Thịnh bị “treo” khi làm thủ tục xóa thế chấp và thế chấp để vay vốn ngân hàng.
Ngày 15/12/2017, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Hóc Môn đã đăng ký thay đổi quyền sử dụng đất (do chuyển nhượng) cho vợ chồng ông.
Đến ngày 18/12/2017, vợ chồng ông Thịnh đã thực hiện thành công hợp đồng thế chấp với Ngân hàng Thương mại cổ phần Phương Đông, Chi nhánh Chợ Lớn - Phòng giao dịch Sài Gòn, sau đó đã giải chấp.
Ngày 11/10/2018, vợ chồng ông lại thực hiện thành công tiếp hợp đồng thế chấp với Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam, chi nhánh Tân Sơn Nhất, sau đó giải chấp.
Tuy nhiên đến ngày 4/12/2019, khi vợ chồng ông đến Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Hóc Môn để đăng ký xóa thế chấp và thế chấp bằng quyền sử dụng đất tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam, chi nhánh Bình Tân theo hợp đồng thế chấp số 01/2019/10508113/HĐBĐ do Phòng Công chứng số 5 chứng nhận đối với phần đất nêu trên thì bị “treo” hồ sơ.
Cũng theo ông Thịnh: Ngày 09/12/2019, vợ chồng ông có nhận được công văn số 2560 của Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Hóc Môn về việc giải quyết hồ sơ đăng ký giao dịch bảo đảm. Theo đó, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Hóc Môn có trả rằng do địa chỉ thửa đất và số vào sổ cấp Giấy chứng nhận nêu trên có trong danh sách 1392 trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp thành đất ở tại huyện Hóc Môn từ năm 2015 đến ngày 5/7/2016 đang được cơ quan liên quan rà soát, kiểm tra. Vì vậy Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Hóc Môn tạm thời chưa giải quyết hồ sơ đăng ký xóa thế chấp và thế chấp.
Ông Thịnh cho rằng, lý do mà Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Hóc Môn đưa ra như trên là bất hợp lý. Bởi đây không phải là căn cứ pháp lý để cơ quan quản lý nhà nước tước quyền định đoạn tài sản hợp pháp của người dân. Sai phạm trong vụ việc chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp thành đất ở tại huyện Hóc Môn từ năm 2015 đến ngày 5/7/2016 là do cán bộ quản lý địa phương. Và việc này các cá nhân đó đã bị kỷ luật. Bản thân gia đình ông và rất nhiều hộ dân đang phải gánh chịu hậu quả làm sai của người khác.
“Hồ sơ của vợ chồng tôi bị “treo” đến nay đã hơn 10 tháng. Chúng tôi đã nhiều lần trao đổi với lãnh đạo Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Hóc Môn; UBND huyện Hóc Môn, Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh nhằm tìm kiếm câu trả lời nhưng đến nay vẫn chưa nhận được bất cứ phản hồi thuyết phục nào từ phía các đơn vị liên quan. Thậm chí họ có biểu hiện né tránh, khiến cho vợ chồng chúng tôi hoài nghi về tính minh bạch, liêm chính của cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương. Chúng tôi là doanh nghiệp, vì vậy việc tìm kiếm nguồn vốn đầu tư để đảm bảo, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh có ý nghĩa rất quan trọng. Nhất là trong bối cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh covid kéo dài gây ra. Trong khi Đảng, Nhà nước, Chính phủ đang tìm mọi cách để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn thì Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Hóc Môn và các đơn vị liên quan lại chậm trễ giải quyết thủ tục hồ sơ; thoái thác trách nhiệm, không minh bạch thông tin. Điều này khiến chúng tôi bế tắc và thất vọng” - ông Lê Văn Thịnh bức xúc.
Nhiều vấn đề khuất tất cần làm rõ
Để làm rõ những nội dung phản ánh của chủ doanh nghiệp, chúng tôi đã vào TP. Hồ Chí Mính xác minh thông tin.
Trước khi gặp gỡ với các cơ quan chức năng, chúng tôi tiếp tục được ông Lê Văn Thịnh cung cấp một đoạn ghi âm. Theo ông Thịnh, đây là trao đổi giữa ông và Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Hóc Môn. Theo đó, vị giám đốc này trả lời đại ý với ông rằng, sở dĩ hồ sơ của ông chưa thể giải quyết được do vụ việc đã chuyển lên Thanh tra TP. Hồ Chí Minh. Nếu ông muốn giải quyết vấn đề thì cần lên hỏi Văn phòng quản lý đất đai TP. Hồ Chí Minh và thanh tra TP. Hồ Chí Minh. Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Hóc Môn nhận được chỉ đạo không giải quyết vụ việc này. Đây là chỉ đạo miệng từ phía nguyên Bí thư, nguyên Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn và cả Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn đương nhiệm.
Sau khi đặt lịch làm việc tại UBND huyện Hóc Môn, ngày 27/8/2020, phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp và Thương hiệu nhận được công văn phúc đáp với nội dung: “Đối với 1392 hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng đất diện tích lớn, các trường hợp này do có liên quan đến vi phạm luật đất đai, hiện nay cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang điều tra nên tạm thời một số giao dịch đã tạm ngưng cho đến khi chờ kết luận”.
Đến ngày 23/9/2020, UBND huyện Hóc Môn tiếp tục có công văn trả lởi. Theo đó, UBND huyện Hóc Môn cho rằng: “Đến thời điểm tháng 7/2020 Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu – Công an TP. Hồ Chí Minh có văn bản yêu cầu UBND huyện cung cấp hồ sơ, tài liệu phục vụ điều tra, xác minh xử lý vụ việc trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại huyện Hóc Môn giai đoạn 2013 đến tháng 7/2016”.
Trao đổi với đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường ông Dư Huy Quang - Trưởng phòng quản lý đất, Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng: “Trường hợp của hộ gia đình ông Lê Văn Thịnh và các cá nhân nằm trong diện 1392 hồ sơ bị tạm ngưng giao dịch là do cơ quan thanh tra đang thanh tra. Vì vậy xin nhà báo thông cảm cho phía Sở không thể cung cấp thêm thông tin gì được. Để nắm rõ thông tin, đề nghị nhà báo liên hệ với cơ quan thanh tra thành phố”.
Mới đây nhất, phóng viên Tòa soạn Doanh nghiệp và Thương hiệu trao đổi với cán bộ tổ Thanh tra số 3 thuộc Thanh tra TP. Hồ Chí Minh thì được vị này cho biết, hiện vụ việc 1392 hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại huyện Hóc Môn đã kết thúc. Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan đang được UBND TP. Hồ Chí Minh giao rà soát các trường hợp còn lại và trình phương án giải quyết.
Từ những nội dung nêu trên, có thể thấy tại vụ việc này rất nhiều vấn đề còn khuất tất cần được đưa ra ánh sáng. Tại sao lại có sự chỉ đạo miệng mà không phải bằng văn bản hành chính? Bộ Công an hay Công an TP. Hồ Chí Minh đang thụ lý vụ việc; và có văn bản đề nghị tạm dừng giao dịch dân sự của người dân đang sở hữu tài sản hợp pháp hay không; Tại sao tháng 7/2020 Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu – Công an TP. Hồ Chí Minh có văn bản yêu cầu UBND huyện cung cấp hồ sơ, tài liệu phục vụ điều tra, xác minh xử lý vụ việc nhưng từ tháng 12/2019 người dân đã bị “treo” hồ sơ? Vụ việc này đang thanh tra hay đã kết thúc thanh tra 2 năm về trước; trường hợp nào cơ quan chức năng được “treo” hồ sơ của người dân như cách mà Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Hóc Môn đã và đang làm?...
Những vấn đề này, Tòa soạn Doanh nghiệp và Thương hiệu xin gửi tới UBND TP. Hồ Chí Minh. Đề nghị UBND TP. Hồ Chí Minh làm sáng rõ vấn đề để người dân được minh bạch thông tin. Thiết nghĩ đây sẽ là món quà tinh thần mà UBND TP. Hồ Chí Minh sẽ dành tặng doanh nghiệp nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10; đồng thời cũng là động thái để người dân thêm tin tưởng vào cơ quan quản quản lý nhà nước trong bối cảnh chào mừng Đại hội Đảng bộ Thành phố.
Theo Doanh nghiệp & Thương hiệu