Bất cập liên quan đến hoạt động đấu thầu
Thay vì thượng tôn pháp luật, tuân thủ theo quy định phải đấu thầu trước khi triển khai dự án thì thực tế, quy trình tưởng chừng như bắt buộc này lại bị bỏ qua hoặc làm cho có. Đấu thầu đã trở thành một thủ tục mang tính hình thức khi các chủ thể tham gia “dẫm” lên quy định, tự ý triển khai dự án.
Dự án Khu nhà ở - The Spring Town (Tân Hòa Garden) có tổng mức đầu tư 115,741 tỷ đồng, diện tích 6,12ha thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình là một ví dụ điển hình của câu chuyện chưa thông qua đấu thầu mà dự án đã xuất hiện nhà đầu tư xây dựng.
Cụ thể, ngày 20/10/2018, MSH Group và An Thịnh Group dù chưa nhận được Quyết định giao đất của UBND tỉnh Hòa Bình nhưng đã tổ chức làm lễ khởi công động thổ Dự án Tân Hòa Garden. Thông tin được đăng tải trên nhiều phương tiện truyền thông. MSH Group được giới thiệu là chủ dự án và đã rao bán nhà một cách công khai, rầm rộ trên nhiều trang thông tin...
Đến ngày 02/05/2019, UBND tỉnh Hòa Bình mới có văn bản chấp thuận về chủ trương cho dự án Tân Hòa Garden. Vậy, từ hơn nửa năm trước (ngày 20/10/2018) ai cho phép MSH Group và An Thịnh Group làm lễ động thổ dự án mang tên Dự án Khu nhà ở - The Spring Town (Tân Hòa Garden) khi chưa được thẩm định phê duyệt?
Sau khi UBND tỉnh Hòa Bình ra văn bản chấp thuận về chủ trương, đến ngày 10/6/2019, UBND huyện Lương Sơn ra Quyết định 990/QĐ-XPVPHC về việc vi phạm trong lĩnh vực xây dựng tại Dự án Khu nhà ở - The Spring Town (Tân Hòa Garden). Điều kỳ lạ, đối tượng vi phạm là Công ty Cổ phần Sản xuất Đầu tư Thương mại Thiên Phúc (Công ty Thiên Phúc) chứ không phải MSH Group hay An Thịnh Group - 2 đơn vị động thổ dự án.
Trả lời báo chí liên quan đến Dự án Khu nhà ở - The Spring Town (Tân Hòa Garden), ông Nguyễn Quang Tùng - Trưởng phòng Doanh nghiệp tập thể và tư nhân thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hòa Bình khẳng định: “Dự án The Spring Town - Tân Hòa Garden tôi chưa nghe thấy bao giờ và không có dự án nào ở đây cả. Ở Hòa Bình hiện đang có tình trạng có đối tượng mua 20 - 30 lô đất thổ cư liền nhau, sau đó xây dựng nhà lên và rao bán nhưng lại quảng cáo trên trang web là dự án quy mô lớn. Qua kiểm tra, Công ty Cổ phần Sản xuất Đầu tư Thương mại Thiên Phúc có tồn tại nhưng trên văn bản pháp lý lại không ghi nhận là chủ đầu tư của Dự án Tân Hòa Garden”.
Như vậy, khẳng định của đại diện chính quyền tỉnh Hoà Bình xác nhận đã có dự án ma và sự mập mờ thông tin trong quảng cáo dự án. Vậy Công ty Cổ phần Sản xuất Đầu tư Thương mại Thiên Phúc có vai trò như thế nào với Dự án Khu nhà ở - The Spring Town khi MSH Group hay An Thịnh Group mới là đơn vị động thổ?
Hai tháng sau khi UBND huyện Lương Sơn ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính Công ty Thiên Phúc, ngày 25/8/2019, MSH Group vẫn rầm rộ tổ chức sự kiện, giới thiệu là chủ của dự án, giao dịch mua bán với khách hàng.
Màn “biến hóa” tài tình khiến khách hàng không rõ ai mới thực sự là chủ dự án, là Công ty Thiên Phúc, MSH Group hay An Thịnh Group.
Và đến ngày 28/10/2019, Sở Xây dựng Hòa Bình mới phát đi thông báo mời các nhà đầu tư tham gia đấu thầu cho Dự án Tân Hòa Garden.
Đến ngày 25/3/2020, UBND tỉnh Hòa Bình mới ra Quyết định số 590/QĐ-UBND phê duyệt kết quả nhà đầu tư Dự án Tân Hòa Garden cho 2 đơn vị trúng thầu là Liên danh Công ty Thiên Phúc và Công ty TNHH Xây dựng Thành Hưng (Công ty Thành Hưng). Tức là gần 2 năm sau khi MSH Group và An Thịnh Group động thổ Dự án (20/10/2018).
Như vậy, chưa kể đến sự mẫu thuẫn về các mốc thời gian thì dự án Tân Hòa Garden cũng trở thành trung tâm của "mớ bòng bong" những cái tên doanh nghiệp liên quan. Khi động thổ dự án là MSH Group và An Thịnh Group; trúng thầu lại là Công ty Thiên Phúc và Công ty Thành Hưng; bán nhà lại là MSH Group.
Ai chống lưng cho Công ty Thiên Phúc?
Ai "chống lưng" cho Công ty Thiên Phúc để doanh nghiệp này dám nhảy vào thực hiện triển khai dự án khi chưa được cấp phép xây dựng và chưa thông qua việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư? Sai phạm này, lãnh đạo UBND tỉnh Hòa Bình có biết không? Nếu đã biết thì tỉnh có thành lập Đoàn thanh tra liên ngành vào cuộc để làm rõ căn nguyên, động cơ, mục đích của cá nhân hay tập thể đã cố tình vi phạm pháp luật?
Trong trường hợp, Công ty Thiên Phúc đã có sai phạm trong dự án, thì phải chăng, để sự tôn nghiêm của pháp luật được đảm bảo, chính quyền tỉnh Hoà Bình sẽ phải dừng lại mọi hoạt động tại Dự án Khu nhà ở - Tân Hòa Garden cũng như không thể để Công ty Thiên Phúc tiếp tục trở thành nhà đầu tư của dự án. Vì rõ ràng, Công ty Thiên Phúc đã tự "nhảy" vào thực hiện thi công dự án khi chưa trúng thầu trở thành nhà đầu tư, tức đã xuất hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật tham gia đấu thầu.
Việc UBND tỉnh Hòa Bình ra Quyết định 590/QĐ-UBND ngày 25/3/2020 phê duyệt kết quả trúng thầu cho nhà đầu tư là Liên danh Công ty Thiên Phúc và Công ty Thành Hưng liệu có còn có giá trị không khi thực tế Công ty Thiên Phúc đã thi công dự án trước khi có Quyết định này?
Một dự án lớn nằm ở vị trí đắc địa, thời gian thi công kéo dài gần 2 năm sau đó mới có Quyết định kết quả trúng thầu nhà đầu tư thì thật là chuyện “trên giời”. Có lẽ chuyện “con voi chui lọt lỗ kim” là có thật.
Những kết quả bất ngờ liên tiếp xảy ra khiến dư luận đặt câu hỏi rằng "Quyết định số 590/QĐ-UBND ngày 25/3/2020 của UBND tỉnh Hòa Bình có đúng quy định của pháp luật không?"
Bởi căn cứ theo trình tự các sự kiện đang diễn ra đối với Dự án Tân Lạc Garden thì rõ ràng dư luận có thể hiểu: Doanh nghiệp đang được chính quyền ưu ái hết sức nên bất chấp sự “vô pháp” diễn ra trước đó, doanh nghiệp vẫn nhận kết quả đánh giá năng lực tốt, phù hợp với dự án.
Mộc Diệp(T/H)/ Sở hữu trí tuệ