Hà Nội, Thứ Năm Ngày 05/12/2024

Chậm trễ cổ phần hoá, Tổng công ty Giấy VN còn liên tục vướng kiện tụng

DTVN 22:13 27/10/2020

Ỳ ạch trong tiến trình cổ phần hóa thế nhưng Tổng công ty Giấy VN còn liên tục ra hầu tòa vì vướng vào kiện tụng đối với doanh nghiệp và ngân hàng.

Ngày 13/04/1996, UBND tỉnh Vĩnh Phú có Quyết định bàn giao 12 lâm trường từ Sở Lâm nghiệp trong đó có Lâm trường Tam Sơn, Lâm trường Tam Thắng, Lâm trường Xuân Đài vào Tổng Công ty Giấy Việt Nam.

Có 5 Lâm trường (Thu Cúc, Xuân Đài, Tam Sơn, Tam Thắng, Yên Lập) hợp đồng vay vốn với Công ty Chè Vĩnh Phú (nay là Công ty chè Phú Thọ) để đầu tư trồng chè. Nhưng đến nay, sản xuất kinh doanh chè không hiệu quả, dẫn đến thua lỗ, chưa trả được nợ. Phần nợ được bàn giao cho Công ty Nguyên liệu Giấy Vĩnh Phú để Công ty cùng với Công ty chè Vĩnh Phú giải quyết.

Trước khi bàn giao, Công ty chè Vĩnh Phú đã có biên bản đối chiếu nhận nợ và quy ra chè khô sơ chế, cụ thể: Lâm trường Tam Sơn (nay là Công ty Lâm nghiệp Tam Sơn trực thuộc Tổng Công ty Giấy Việt Nam) còn nợ: 2.466,86 Rúp quy chè khô sơ chế = 3,08 tấn.

Lâm trường Thu Cúc (nay là Công ty Lâm nghiệp Tam Sơn - trực thuộc Tổng Công ty Giấy Việt Nam) còn nợ: 34.182,79 Rúp quy chè khô sơ chế = 43,82 tấn.

Lâm trường Tam Thắng (nay là Công ty Lâm nghiệp Tam Thắng - trực thuộc Tổng Công ty Giấy Việt Nam) còn nợ: 11.856,11 Rúp quy chè khô sơ chế = 15,2 tấn. Ngày 31/12/1999, Lâm trường Tam Thắng cùng Công ty Chè Phú Thọ tiếp tục đối chiếu công nợ.

Lâm trường Xuân Đài (nay là Công ty Lâm nghiệp Xuân Đài - trực thuộc Tổng Công ty Giấy Việt Nam) còn nợ: 18.830,83 Rúp quy chè khô sơ chế = 23,91 tấn. (01/06/1992, 31/12/1999, 30/06/2008 hai bên còn đối chiếu công nợ với nhau).

Tổng cộng 03 đơn vị bằng 86,01 tấn chè khô sơ chế, quy ra tiền tại thời điểm hiện tại 30.000 đồng/kg bằng 2.580.300.000 đồng.

Ngày 24/8/2020, Tòa án nhân dân quận Hoàn Kiếm tổ chức phiên tòa xét xử sơ thểm về việc “Đòi tài sản” do nguyên đơn là Công ty CP Chè Phú yêu cầu khởi kiện yều cầu Tòa án nhân dân quận Hoàn Kiếm buộc Tổng Công ty Giấy Việt Nam hoàn trả cho Công ty Chè Phú Thọ 86,01 tấn chè khô sơ chế, quy ra tiền tại thời điểm hiện tại 30.000 đồng/kg bằng 2.580.300.000 đồng do các Công ty Lâm nghiệp Tam Sơn, Tam Thắng, Xuân Đài (trực thuộc Tổng Công ty Giấy) vay trồng chè.

VINAPACO vướng vào kiện tụng từ các đơn vị sát nhập

Luật sư Lê Văn Kiên – Luật sư bảo vệ nguyên đơn Công ty CP Chè Phú Thọ nêu quan điểm, liên quan đến vụ việc trên Công ty chè Phú Thọ gửi công văn số 50 yêu cầu Công ty Nguyên liệu giấy Vĩnh Phú trả khoản nợ đã vay trồng chè của các Lâm trường, ngày 03/05/1997, Công ty Nguyên liệu giấy Vĩnh Phú thuộc Tổng Công ty Giấy Việt Nam gửi Công văn 176 yêu cầu Giám đốc các Lâm trường: Thu Cúc, Xuân Đài, Tam Sơn, Tam Thắng, Yên Lập lập hồ sơ công nợ và tiến hành đối chiếu công nợ với Công ty chè.

Ngày 28/11/2003, Công ty Chè Phú Thọ gửi công văn số 166/CVT đề nghị Công ty Nguyên liệu Giấy Vĩnh Phú đối chiếu công nợ trồng chè từ năm 1986+1987 với các Lâm trường.

Ngày 08/12/2003, Công ty Nguyên liệu giấy Vĩnh Phú thuộc Tổng Công ty Giấy Việt Nam gửi Công văn 551 đồng ý để Công ty chè Phú Thọ đối chiếu công nợ với các Lâm trường Tam Sơn, Xuân Đài, Tam Thắng, Yên Lập và A Mai.

“Biên bản bàn giao giữa Công ty Nguyên liệu Giấy Vĩnh Phú và Công ty Giấy Bãi Bằng ngày 20/5/2004, mục 3, phần những tồn tại cần giải quyết có ghi: “Hiện nay các đơn vị trong Công ty đang có khoản nợ phải trả Công ty Chè”.

“Như vậy, trong tất cả các công văn, các biên bản đối chiếu công nợ, biên bản bàn giao đều xác nhận đây là khoản nợ phải trả cho Công ty CP Chè Phú Thọ”., Luật sư Kiên nhấn mạnh.

Cũng theo vị luật sư này, Tổng công ty Giấy Việt Nam (VINAPACO) là công ty nhà nước, được hình thành trên cơ sở tổ chức lại Văn phòng Tổng công ty Giấy Việt Nam và Công ty giấy Bãi Bằng. Vì hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con, nên đối với công nợ của các Lâm trường khi sáp nhập thì Tổng cty giấy Việt Nam phải có nghĩa vụ trả nợ cho Công ty CP Chè Phú Thọ.

Tuy nhiên, theo bản án của TAND quận Hoàn Kiếm cho rằng Công ty CP Chè Phú Thọ không có cơ sở để đòi chè khô sơ chế vì tại các biên bản đối chiếu đầu tư giữa Công ty Chè Vĩnh Phú (nay là Công ty CP Chè Phú Thọ) với các Lâm trường không thể hiện nội dung hai bên thống nhất chốt công nợ là Chè khô sơ chế. Đồng thời, sau khi có việc đối chiếu đầu tư ngày 30/6/1995, Công ty chè Vĩnh Phú (nay là Cty CP Chè Phú Thọ) lại có nhiều văn bản đề nghị đối chiếu công nợ bằng tiền Rup. Được biết, Công ty CP Chè Phú Thọ đã làm đơn kháng cáo lên TAND TP Hà Nội.

Tổng cty giấy Việt Nam hiện đang là doanh nghiệp nằm trong danh sách phải Cổ phần hóa trong giai đoạn 2016 – 2020. Tuy nhiên, tiến trình CPH Tại doanh nghiệp này vẫn rất ỳ ạch trong khi đó chỉ còn hơn 2 tháng nữa là đến hạn chót, bên cạnh đó đoanh nghiệp này còn đang vướng đến vụ kiện liên quan đến dự án đắp chiếu trong Long An là dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam đối với ngân hàng PVcomBank.

Theo báo cáo của Vinapaco tại Văn bản số 247/BC-GVN.HN ngày 31/10/2019, Ngân hàng PVcomBank đã khởi kiện Vinapaco, yêu cầu Tòa án giải quyết buộc Vinapaco phải trả cho PVcomBank tổng số tiền là 592,3 tỷ đồng (theo các hợp đồng tín dụng giữa TRACODI - chủ đầu tư của Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam trước đây - và Tổng Công ty Tài chính cổ phần Dầu khí Việt Nam chi nhánh Vũng Tàu (PVFC-VT).

Mặc dù dự án trên đã được nhiều lần rao bán tuy nhiên vẫn không có nhà đầu tư nào ngó ngàng tới.

Còn nữa

Theo Doanh Nhân Việt Nam

Bạn đang đọc bài viết Chậm trễ cổ phần hoá, Tổng công ty Giấy VN còn liên tục vướng kiện tụng tại chuyên mục Doanh nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Doanh nghiệp