Vicem: Loay hoay xử lý 3 lô 'đất vàng'
Sở hữu nhiều lô đất ở vị trí đắc địa, Vicem đang tiếp tục dính lùm xùm bởi những khoản vốn liên quan đến quỹ đất vàng. Đáng ngạc nhiên, dù luôn trong tình trạng cảnh báo lỗ nhưng Vicem vẫn mạnh tay đầu tư, lấn sân sang lĩnh vực bất động sản.
Đại diện Vicem thừa nhận, năm 2017, Chính phủ đã có chỉ đạo doanh nghiệp này phải xử lý 3 lô “đất vàng”. Thế nhưng đến hiện tại, tất cả vẫn chỉ dừng ở giai đoạn... loay hoay, “đợi chờ ý kiến chỉ đạo của cấp trên”.
Theo báo cáo của kiểm toán 2019 cho thấy, Vicem đang muốn bán nhiều lô "đất vàng" trước cổ phần hoá.
Theo đó, Vicem đã đề xuất thay đổi phương án sắp xếp, xử lý nhà đất đã được Bộ Xây dựng phê duyệt đối với 3 lô đất, song chưa hoàn thành thủ tục hoặc/và chưa được phê duyệt lại bao gồm: lô đất 8.476m2 tại 10E6 Khu đô thị mới Cầu Giấy (phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội); Dự án Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem (ngõ 122 Vĩnh Tuy, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội); Lô đất 166.527m2 (Khu công nghiệp Đông Hồi, xã Quỳnh Lập, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An).
Lô đất vàng của Vicem tại Khu đô thị Cầu Giấy xây dở dang nhiều năm nay được kiến nghị chuyển nhượng. |
Cụ thể, đối với lô đất 8.476 m2 tại 10E6 Khu đô thị mới Cầu Giấy (phường Mễ Trì, quận Nam Từ liêm, Hà Nội), Tổng công ty đề thay đổi từ “tiếp tục xây dựng Dự án Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem” thành “chuyển nhượng toàn bộ dự án”, đã được Bộ Xây dựng đồng ý về chủ trương nhưng Tổng công ty chưa hoàn thành thủ tục, nội dung điều chỉnh phương án trình phê duyệt.
Theo ghi nhận của PV, hiện tòa tháp Vicem Tower tại lô đất trên đã hoàn thiện phần thô, công trường không có bất kỳ hoạt động xây dựng nào, cỏ hoang mọc ở nhiều nơi, hàng rào bao quanh đã xuống cấp, cổng luôn trong tình trạng đóng kín.
Còn tại lô đất 52.083 m2 tại ngõ 122 Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) thay đổi từ “Xây dựng Dự án Khu tổng hợp 122 Vĩnh Tuy” thành “tiếp tục quản lý, sử dụng như hiện trạng, sau khi cổ phần hoá sẽ báo cáo việc sử dụng đất theo yêu cầu sản xuất kinh doanh, chiến lược phát triển, tái cấu trúc Vicem theo quy hoạch của TP Hà Nội”, được Bộ Xây dựng đồng ý về chủ trương song Bộ Tài chính chưa có ý kiến.
Lô đất 166.527m2 tại Khu công nghiệp Đông Hồi, xã Quỳnh Lập, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An, thay đổi từ “tiếp tục xây dựng dự án Nhà máy kết cấu bê tông vật liệu xây dựng không nung Đông Hồi” thành “chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn liền với chuyển nhượng dự án”, đến tháng 5/2019 Bộ Xây dựng chưa có ý kiến.
Tại cuộc gặp gỡ báo chí vừa diễn ra tại Hà Nội, ông Bùi Hồng Minh - Tổng giám đốc Vicem cũng cho biết, Tổng công ty đang gặp khó khăn trong việc sắp xếp, xử lý 3 lô đất mà báo chí gọi là "đất vàng" này.
Ông Bùi Hồng Minh - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV VICEM. |
Động thái “bất thường” khi xử lý đất vàng trước cổ phần hóa?
Dư luận cũng đặt câu hỏi về việc tại sao Vicem muốn bán các lô đất nêu trên trước khi cổ phần hoá, thậm chí có ý kiến cho rằng, động thái của Vicem là “bất thường”.
Lên tiếng lý giải trước những nghi vấn nêu trên, Tổng giám đốc Vicem Bùi Hồng Minh cho biết, đối với lô đất tại Cầu Giấy, ban lãnh đạo Tổng công ty đã tính toán thấy hiệu quả không đạt được như mong muốn và việc kinh doanh thêm ngành nghề bất động sản là không phù hợp với Vicem nên đã đề nghị Bộ Xây dựng cho phép chuyển nhượng dự án.
“Dự án này có tổng mức đầu tư ban đầu là 2.700 tỷ đồng. Đến năm 2015, Vicem nhận thấy đầu tư kinh doanh bất động sản không thực hiện ngành nghề của mình. Lúc lập dự án thị trường là 40 USD/m2. Nhưng hiện tại chỉ còn hơn khoảng hơn 20 USD. Năm 2016, chúng tôi đã đề nghị cho bán", báo Dân trí dẫn lời ông Minh cho biết.
"Từ lúc chủ trương cho chuyển nhượng đến nay đã 4 năm vẫn còn vướng thủ tục, vẫn chưa xong. Lúc đầu chúng tôi tính để lại để sử dụng và đầu tư, nhưng sau khi xem xét hiệu quả kinh tế, xem xét lại ngành nghề thì thấy nếu cứ để thì việc kinh doanh bất động sản này sẽ không hiệu quả và cũng “không quen" nên tiếp tục thực hiện chủ trương chuyển nhượng dự án", ông Minh chia sẻ thêm.
Tương tự với miếng đất 122 Vĩnh Tuy, Hà Nội, Tổng giám đốc Bùi Hồng Minh cho biết: Cách đây 10 năm, Tổng công ty định xây dựng trung tâm thực nghiệm nhưng đến bây giờ xem lại tổng mức đầu tư dự kiến quá lớn. “Mong muốn Vicem có trung tâm thực nghiệm như châu Âu là rất khó”, ông Minh cho hay.
Về khu đất ở Đông Hồi, ông Minh cho biết, trước đây Vicem định đầu tư gạch không nung. Đến năm 2014 khi thị trường đi xuống, Vicem quyết định không đầu tư nữa. Doanh nghiệp xin nhận chuyển nhượng khu đất này chính là Xi măng Hoàng Mai. Tuy nhiên hiện vẫn còn đang hoàn thiện trình tự thủ tục pháp luật.
Nhìn chung đối với các khu đất nêu trên, lãnh đạo Vicem cho rằng sau khi rà soát lại đều nhận định việc tiếp tục đầu tư là không hiệu quả.
“Nếu đánh giá không hiệu quả vẫn làm thì là có “tội”. Thị trường liên tục thay đổi, chúng tôi muốn chuyển nhượng để thu hồi tài sản nhà nước. Chắc chắn bảo toàn vốn, không bảo toàn thì không dám bán”, Tổng giám đốc Vicem nói.
'Biến cái độc quyền của nhà nước thành cái độc quyền của doanh nghiệp, chuyện đó không thể chấp nhận được'
Cần phải nói thêm rằng dù luôn trong tình trạng cảnh báo lỗ nhưng Vicem vẫn lấn sân sang lĩnh vực bất động sản. Còn nhớ năm 2015, Vicem dự kiến chủ trương đầu tư vào khu đô thị 29.000 tỷ đồng tại Hải Phòng. Tuy nhiên, sau đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (thời điểm đó) đã chỉ đạo về việc đổi chủ đầu tư đối với dự án này.
Mục tiêu của Vicem được đặt ra lúc đó phải là tái cơ cấu, không tiếp tục đầu tư ngoài ngành, tập trung mọi nguồn lực cho hoạt động của ngành, nghề kinh doanh thuộc lĩnh vực của mình.
Nhưng, chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (thời điểm đó) vẫn không ngăn cản được tham vọng lấn sân sang lĩnh vực bất động sản của Vicem. Dù lỗ liên tục, dù tái cơ cấu chưa “đến nơi, đến chốn”, nhưng Vicem vẫn tiếp tục bỏ ra hàng chục tỷ đồng đầu tư cho lô đất vàng tại ngõ 122 Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).
Đến bây giờ, khi Vicem hiện đang sở hữu rất nhiều lô đất lớn nhưng lại có ý định xin chuyển nhượng hoàn toàn các diện tích đất này trước khi thực hiện cổ phần hóa không khỏi khiến cho dư luận thấy bất thường.
GS.TS Đặng Đình Đào - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, ĐH Kinh tế Quốc dân lo ngại xảy ra hai nguy cơ.
Thứ nhất, việc định giá đất dễ bị nhập nhèm, nguồn lực của nhà nước có thể không chảy về ngân sách mà lại chảy vào các nhóm lợi ích.
Thứ hai, việc tiến hành cổ phần hóa sẽ bị cản trở, khó thực hiện theo kế hoạch hoặc nếu cổ phần được cũng bị định giá thấp, gây thiệt hại cho nhà nước.
Bởi vậy, theo GS Đào, Vicem phải giải trình rất rõ ý tưởng, đề xuất trên cũng như mục đích, ý đồ về đề xuất này.
Trong khi đó,TS Đinh Sơn Hùng - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cũng không đồng tình với đề xuất chuyển nhượng 3 lô đất vàng của Vicem.
TS Đinh Sơn Hùng nói thẳng rằng việc Vicem muốn thay đổi từ “Xây dựng Dự án Khu tổng hợp 122 Vĩnh Tuy” thành “tiếp tục quản lý, sử dụng như hiện trạng, sau khi cổ phần hóa sẽ báo cáo việc sử dụng đất theo yêu cầu sản xuất kinh doanh, chiến lược phát triển, tái cấu trúc Vicem theo quy hoạch của TP Hà Nội” là không thể chấp nhận được.
Theo ông Hùng, nếu Vicem bán hết đất trước khi thực hiện cổ phần hóa nghĩa là giá trị đất đai đã bị tách khỏi quá trình thực hiện cổ phần hóa và không được tính vào giá trị của doanh nghiệp.
"Nếu giá trị đất được tính đủ vào giá trị doanh nghiệp thì giá trị cổ phiếu của doanh nghiệp khi thực hiện cổ phần hóa sẽ bằng: giá trị của đất + giá trị doanh nghiêp = tổng giá trị cổ phiếu.
Ví dụ, giá trị đất của doanh nghiệp được xác định khoảng 500 triệu, giá trị doanh nghiệp được 500 triệu nữa thì tổng giá trị cổ phiếu của doanh nghiệp được xác định dựa trên tổng giá trị của 1 tỷ đồng. Giá cổ phiếu cũng vì thế sẽ cao gấp đôi so với khi bỏ sót tài sản đất.
Tuy nhiên, nếu Vicem bán hết đất trước khi thực hiện cổ phần hóa nghĩa là giá trị đất đai đã bị tách khỏi quá trình thực hiện cổ phần hóa và không được tính vào giá trị của doanh nghiệp" - Ông Hùng chỉ rõ.
Như vậy, giá trị cổ phiếu của Vicem sẽ bị sụt giảm nghiêm trọng do doanh nghiệp này làm ăn không hiệu quả, thua lỗ nặng nề còn đất vàng đã bị bán hết. Khi đó, giá trị cổ phiếu của Vicem sẽ được xác định chỉ dựa trên phần giá trị của doanh nghiệp, thậm chí còn thấp hơn giá trị ước tính đã được giả sử trước đó.
Bởi lẽ, khi đã bán hết đất là bán hết phần ngon còn lại phần xương xẩu thì chắc chắn khi tiến hành cổ phần hóa Vicem sẽ còn bị ép giá thấp hơn nhiều lần.
Cùng với đó, vị chuyên gia cho rằng, biến đất đai của toàn dân thành đất đai của doanh nghiệp chính là biến cái độc quyền của nhà nước thành cái độc quyền của doanh nghiệp, chuyện đó không thể chấp nhận được.
"Có thể thấy Vicem đang muốn đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa nhưng đẩy nhanh theo kiểu này là vô nguyên tắc, không thể chấp nhận được. Về phía Bộ Xây dựng, cũng cần phải đặt câu hỏi vì sao cơ quan này lại đồng ý về mặt chủ trương với đề xuất của Vicem đối với 3 lô đất trên" - TS Đinh Sơn Hùng cho rằng phải được xử lý nghiêm, giống như xử lý tại các dự án thua lỗ của ngành công thương vậy.
Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ