Ngày 29/6, Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex) đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên (ĐHĐCĐ) năm 2020. Trong đó, Vinaconex đặt ra lợi nhuận lớn trong năm 2020.
Tại ĐHĐCĐ, ông Đào Ngọc Thanh – Chủ tịch HĐQT Vinaconex cho biết, trong năm đầu tiên hoạt động theo cơ cấu sở hữu không còn vốn Nhà nước, Tổng doanh thu hợp nhất của Vinaconex năm 2019 đạt 9.891 tỷ đồng (chỉ hoàn thành 98% so với kế hoạch), lợi nhuận sau thuế hợp nhất năm 2019 đạt 787 tỷ đồng (hoàn thành 106% so với kế hoạch và tăng 23% so với thực hiện năm 2018).
Đại hội cổ đông thường niên 2020 của Vinaconex diễn ra tại Hà Nội. |
Công ty mẹ Vinaconex đạt 3.516 tỷ đồng doanh thu và 717 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (hoàn thành 112% so với kế hoạch năm 2019 và tăng 24% so với thực hiện năm 2018).
Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh trên hai lĩnh vực chính của Vinaconex là xây dựng và đầu tư kinh doanh bất động sản. Vinaconex xây dựng – Công ty do Vinaconex sở hữu 100% vốn điều lệ - mặc dù mới thành lập được hơn 1 năm nhưng đã đạt doanh thu hơn 1.000 tỷ đồng.
Trong năm 2019, Vinaconex trúng thầu nhiều công trình xây lắp với giá trị lớn, tiêu biểu như: Tổ hợp khách sạn nghỉ dưỡng 5 sao Mikazuki (Đà Nẵng), Dự án lọc hóa dầu Long Sơn (Bà Rịa Vũng Tàu), Nhà xưởng Goertek (Bình Dương), Vin City Ocean Park (Hà Nội), Tổ hợp Khách sạn Crown (Lào), Đại học FPT (TP Hồ Chí Minh), hạ tầng khu CNC Hòa Lạc (Hà Nội).
Kế hoạch doanh thu hợp nhất năm 2020, của Vinaconex là 9.530 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hợp nhất năm 2020 là 820 tỷ đồng, lần lượt bằng 96% và 104% so với thực hiện năm 2019. Kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế công ty mẹ Vinaconex năm 2020 đạt lần lượt là 3.870 tỷ đồng và 803 tỷ đồng, tăng trưởng 10% so với thực hiện năm 2019.
Kế hoạch cổ tức năm 2020 là 12%, bằng 200% so với thực hiện năm 2019. Về định hướng phát triển, Vinaconex tiếp tục tập trung nguồn lực và kiên định chiến lược phát triển hai lĩnh vực cốt lõi là xây lắp và đầu tư kinh doanh bất động sản.
Tại đại hội, các cổ đông đã thông qua tờ trình chuyển niêm yết cổ phiếu sang sàn HOSE. Hiện tại, cổ phiếu VCG của Vinaconex đang niêm yết trên sàn HNX với số lượng 441,7 triệu cổ phiếu.
Lý do chuyển sàn được ông Đào Ngọc Thanh - Chủ tịch Vinaconex lý giải rằng, việc chuyển sàn hướng đến tính công khai, minh bạch và cũng là chuẩn bị cho Vinaconex vươn ra các thị trường quốc tế: Việc niêm yết trên sàn HOSE sẽ tạo động lực trực tiếp cho VCG tăng tính công khai, minh bạch và quản trị công ty chuyên nghiệp hơn.
“Đồng thời, chúng tôi cũng mong muốn cổ phiếu VCG thanh khoản tốt hơn, thu hút được dòng tiền đầu tư nhiều hơn, từ đó gia tăng lợi ích cho cả doanh nghiệp và cổ đông", ông Đoàn Ngọc Thanh khẳng định.
Toà nhà Vinaconex. |
Tại phiên thảo luận, ông Đào Ngọc Thanh đã trả lời các cổ đông nhiều vấn đề “nóng” xảy ra trong thời gian vừa qua. Trong đó, vấn đề về dòng tiền kinh doanh của Vinaconex âm hơn nghìn tỷ đồng.
Vào năm 2019, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Vinaconex âm 1.493 tỷ đồng, trong khi năm trước đó con số này là 50 tỷ đồng. Tình trạng âm dòng tiền tiếp tục kéo dài tới quý I/2020. Theo đó, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Vinaconex vẫn âm tới 1.060 tỷ đồng, gấp 4 lần so với cùng kỳ năm trước.
Ông Đào Ngọc Thanh cho biết, với các khoản tài chính, cá nhân ông không tự quyết định, tất cả đều phải thể hiện trên con số trong báo cáo tài chính đầy đủ. Các con số này cũng đã được kiểm toán bởi Deloitte - một công ty kiểm toán trong nhóm Big4.
“Nếu ai thấy có vấn đề gì mà công ty kiểm toán này làm chưa chính xác thì hoàn toàn có thể khiếu nại. Nếu cổ đông thấy HĐQT không minh bạch, có thể chỉ rõ không minh bạch ở điểm nào chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm”, ông Thanh nói.
Theo ông Đào Ngọc Thanh, trước đây, Vinaconex ít tham gia đầu tư, trong khi đó từ năm ngoái đến năm nay tổng công ty gia tăng hoạt động. Tổng công ty thực hiện nhiều dự án nhưng chưa ghi nhận dòng tiền.
Đối với việc tái cấu trúc phần vốn của Tổng công ty tại Công ty liên doanh TNHH phát triển đô thị mới An Khánh (An Khánh JVC), ông Đào Ngọc Thanh cho biết, An Khánh JVC được thành lập từ năm 2006, là chủ đầu tư dự án khu đô thị mới Bắc An Khánh (Splendora) với diện tích hơn 264 ha tại Hoài Đức, Hà Nội. Công ty có vốn điều lệ hơn 680,53 tỷ đồng, do Vinaconex và CTCP Địa ốc Phú Long góp, mỗi bên 50%.
Ông Đào Ngọc Thanh cho rằng, việc các cổ đông có những ý kiến tranh luận là hết sức bình thường. Tuy nhiên, những tranh cãi đó nếu kéo dài, không tìm được tiếng nói chung thì cũng gây thiệt hại cho các cổ đông. Một đống tiền nằm ở đó không thu được gì, trong khi lãi vay ngày một tăng. Một năm mấy trăm tỷ tiền lãi.
Tất cả chi phí là các cổ đông của liên doanh đều phải chịu và đương nhiên Vinaconex cũng phải chịu một nửa. Khoản nợ hiện nay của An Khánh JVC là 3.406 tỷ đồng làm phát sinh chi phí tài chính rất lớn, tăng áp lực tài chính và tăng lỗ lũy kế hàng năm.
Ông Đào Ngọc Thanh đưa ra 2 phương án xử lý vấn đề này để trình cổ đông như sau:
Phương án 1 là Vinaconex chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của Tổng công ty tại An Khánh JVC cho thành viên góp vốn còn lại hoặc các nhà đầu tư khác để thu hồi vốn.
Phương án hai là Vinaconex đàm phán mua lại toàn bộ phần vốn góp của đối tác còn lại để Vinaconex chủ động điều hành và triển khai dự án.
Như vậy, một là chuyển nhượng cho bên sở hữu còn lại, nếu bên đó không đồng ý thì chuyển cho người khác. Nhưng Vinaconex cũng sẵn sàng mua lại, Vinaconex có đủ khả năng, năng lực để thực hiện dự án. Đồng thời, Vinaconex muốn kết thúc câu chuyện này trong năm 2020.
Hoàng Anh/ Sở Hữu Trí tuệ