79,7 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động trong 7 tháng 2021
Mặc dù Chính phủ, các bộ, ngành liên quan và Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch Covid -19, nhưng đợt dịch thứ 4 bùng phát đã khiến nhiều doanh nghiệp tiếp tục rơi vào khó khăn.
Theo thông tin vừa được Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố vào sáng 29/7 vừa qua, trong 7 tháng năm 2021, cả nước có gần 79,7 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Theo đó, trong 7 tháng năm 2021, cả nước có gần 40,3 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời có 28 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ giải thể, tăng 28,6% và 11,4 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 27,4%.
Như vậy, tính trung bình mỗi tháng có gần 11,4 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Tính riêng tháng 7/2021, cả nước có 4.527 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 17,1% so với tháng trước và tăng 34,3% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, tháng 7 năm nay còn có 3.932 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ giải thể, giảm 24,9% so với tháng trước và tăng 28,2% so với cùng kỳ năm trước; 1.442 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 24,9% và giảm 4,1%.
Hơn 13.600 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay lại hoạt động
Theo Tổng cục Thống kê, dịch Covid-19 lần thứ tư diễn biến phức tạp, số ca nhiễm bởi biến chủng mới ngày càng tăng và thực hiện giãn cách xã hội ở 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo Chỉ thị số 16/CT-TTg đã ảnh hưởng đến đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp trong tháng 7 và 7 tháng năm 2021.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, trong tháng 7/2021, cả nước có 8.740 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký gần 122,8 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký 71,2 nghìn người, giảm 22,8% về số doanh nghiệp, giảm 25,3% về vốn đăng ký và giảm 0,9% về số lao động so với tháng 6/2021.
Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 14 tỷ đồng, giảm 3,3% so với tháng trước và giảm 22,5% so với cùng kỳ năm trước.
Trong tháng 7/2021, cả nước có 4.947 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 1,6% so với tháng trước và tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 7 tháng năm 2021, cả nước có 75,8 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1065,4 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 555,5 nghìn lao động, tăng 0,8% về số doanh nghiệp, tăng 13,8% về vốn đăng ký và giảm 7,2% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 7 tháng đạt 14,1 tỷ đồng, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm trước.
Nếu tính cả 1.366,7 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của gần 27,6 nghìn doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 7 tháng năm 2021 là 2.432,1 nghìn tỷ đồng, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm 2020.
Bên cạnh đó, còn có 29,6 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong 7 tháng năm 2021 là 105,4 nghìn.
Như vậy, trung bình mỗi tháng có gần 15,1 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Tìm cơ hội trong thách thức
Nhìn các con số mà Tổng cục Thống kê vừa đưa ra, khó có thể phủ nhận sức ảnh hưởng nặng nề khi dịch Covid -19 kéo dài suốt 2 năm vừa qua. Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, số ca nhiễm bởi biến chủng mới ngày càng tăng và việc thực hiện giãn sách xã hội ở nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo Chỉ thị số 16/CT-TTg đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi mặt đời sống, kinh tế - xã hội. Đặc biệt, cộng đồng doanh đang bị tác động rất lớn, nhất là đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Để vượt qua thử thách này, nhiều doanh nghiệp phải nhanh chóng chuyển đổi mô hình, tổ chức lại sản xuất, kinh doanh nhằm thích ứng với đại dịch toàn cầu.
Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch thường trực, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cho biết, khảo sát thu thập thông tin doanh nghiệp trong 6 tháng năm 2021 cho thấy trong diễn biến phức tạp của dịch, số lượng doanh nghiệp rơi vào tình trạng rất khó khăn chiếm 11%; số lượng doanh nghiệp khó khăn, cần hỗ trợ chiếm 45% và doanh nghiệp vẫn trong quá trình bình ổn hoạt động sản xuất kinh doanh chiếm 44%. Các doanh nghiệp đang sử dụng nguồn vốn tự có chiếm 66%, doanh nghiệp sử dụng vốn vay ngân hàng chiếm 9% và số lượng doanh nghiệp khó khăn cần vay vốn ngân hàng để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh chiếm 25%. Ngoài khó khăn về vốn, các doanh nghiệp cũng gặp những khó khăn do đặc thù của ngành sản xuất trước quy định phòng dịch.
Còn theo Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh, thời gian qua, dịch Covid -19 đã làm trên 70% doanh nghiệp bị ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp phải tạm ngưng hoạt động hoặc tạm đóng cửa, đa số doanh nghiệp khác đều giảm từ 50% đến 90% doanh thu so với thời điểm trước dịch.
Với thị trường bất động sản, đại dịch Covid -19 đã tác động mạnh mẽ đến lĩnh vực này suốt gần hai năm qua. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cho biết, nhiều cổ phiếu bất động sản bị giảm sàn, nằm sàn, tất cả các doanh nghiệp bất động sản đều bị tác động rõ rệt, các sự kiện đông người như quảng bá tiếp thị bán hàng đều bị hủy bỏ. Thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng và thị trường bất động sản cho thuê bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là tình trạng các mặt bằng cho thuê tại khối đế các tòa nhà cao tầng và nhiều mặt bằng nhà phố cho thuê bị nhiều khách thuê trả lại…
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cũng tiến hành khảo sát đánh giá tác động của dịch Covid-19 đối với các doanh nghiệp. Kết quả nghiên cứu cho thấy, trên 87% số doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid -19. Các lĩnh vực như dệt may, truyền thông, bất động sản, sản xuất thiết bị điện, xe có động cơ, giáo dục, lao động, bán lẻ, điện tử, du lịch,... bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Đa số doanh nghiệp cho biết dịch Covid -19 đã ảnh hưởng tới việc tiếp cận khách hàng, đến dòng tiền và nhân công của họ. Số lượng lao động phải cho nghỉ việc ở mỗi doanh nghiệp do dịch bệnh Covid -19 theo khu vực kinh tế được tính toán từ số liệu các doanh nghiệp có cung cấp thông tin. Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, nếu như số lao động trong ngành du lịch năm 2019 cả nước là 2,9 triệu người thì kể từ khi dịch Covid -19 bùng phát đến nay, gần 90% đã nghỉ việc hoặc tạm thời ngừng làm việc.
Có thể thấy, Covid -19 đã gây ra nhiều thách thức, khó khăn cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm mở ra nhiều cơ hội để các ý tưởng, dự án khởi nghiệp nắm bắt thời cơ, tìm ra hướng đi mới phù hợp với nhu cầu thị trường.
Nhiều chuyên gia cho rằng doanh nghiệp trong nước, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp cần lưu ý, chú trọng đào tạo đội ngũ nhân viên, nắm bắt các giải pháp công nghệ để có thể biến những ý tưởng kinh doanh trở thành hiện thực trong giai đoạn này. Để khơi thông chuỗi cung ứng toàn cầu, các doanh nghiệp tại Việt Nam và thế giới đã đầu tư, tập trung khai thác các lợi thế từ chuyển đổi số.
Theo Tạp chí điện tử Doanh nhân Việt Nam