Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

Các doanh nghiệp bức xúc vì sữa, đồ uống không được cho là mặt hàng thiết yếu

CHẤT LƯỢNG VIỆT NAM ONLINE 14:09 27/07/2021

Vừa qua, các doanh nghiệp trong lĩnh vực đồ uống liên tục phản ánh hàng hoá không được vận chuyển đến các đại lý vì không được cho là mặt hàng thiết yếu.

Phản ánh đến Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), nhiều hiệp hội ngành hàng cho biết các biện pháp hạn chế đi lại, hạn chế lưu thông của các địa phương trong thời gian qua đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đặc biệt, thiếu sự đồng bộ, nhất quán trong các quy định, chính sách áp dụng của các địa phương càng gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp trong giao dịch, lưu thông hàng hóa.

Sữa, nước đóng lon... được cho là mặt hàng không thiết yếu ở một số tỉnh thành khiến việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa của các doanh nghiệp gặp không ít khó khăn. Ảnh minh hoạ

Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp sản xuất đồ uống (nước giải khát, sữa, bia, nước ngọt…) không được xếp vào nhóm hàng hoá thiết yếu nên không được lưu chuyển đến đại lý bán hàng. Việc hàng hóa không được lưu thông khiến góp phần gây khan hiếm trên thị trường.

Các doanh nghiệp cũng phản ánh, đồ uống thường có thời hạn sử dụng ngắn, khoảng 02-03 tháng, nếu tình hình dịch bệnh kéo dài, hàng hoá không được lưu thông sẽ hết hạn sử dụng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, mặt hàng sữa được xếp vào nhóm hàng hoá thiết yếu ở tỉnh này, nhưng không thuộc nhóm hàng hoá thiết yếu ở tỉnh khác nên các doanh nghiệp sữa cũng không thể giao hàng đến đại lý.

Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, các hiệp hội ngành hàng cho hay thủ tục khai báo hải quan và tình hình tắc nghẽn tại các cảng biển là những điểm nghẽn cần được giải quyết cả trong ngắn hạn và dài hạn. Một số doanh nghiệp xuất khẩu buộc phải đưa hàng ra phao số không để đưa hàng lên tàu, thay vì tại cảng do không kịp tiến độ giao hàng.

Bên cạnh đó, sự ngăn cách, kiểm soát chặt chẽ giữa các tỉnh, và những quy định không đồng nhất của cơ quan hải quan càng gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt đối với các mặt hàng thực phẩm đòi hỏi điều kiện bảo quản khắt khe, thời hạn sử dụng ngắn...

Trước những khó khăn nêu trên, các hiệp hội ngành hàng đều thống nhất đề xuất ưu tiên cho các doanh nghiệp sớm được tiêm vaccine phòng COVID-19, có thể cân nhắc trên cơ sở doanh nghiệp tự chịu chi phí để đảm bảo an toàn cho người lao động, sớm ổn định sản xuất kinh doanh. Đưa các đối tượng trong ngành logistics thuộc diện ưu tiên cao hơn trong danh sách tiêm vaccine nhằm đảm bảo dòng lưu thông hàng hoá được thông suốt.

Bên cạnh đó, bổ sung các mặt hàng thực phẩm kể cả đồ uống, sữa…và các nguyên liệu, dịch vụ (bao gồm cả dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa…) phục vụ sản xuất kinh doanh trong ngành chế biến chế tạo là các mặt hàng, dịch vụ thiết yếu phục vụ tiêu dùng, sản xuất nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và cho quá trình lưu thông hàng hoá.

Ngoài ra, áp dụng linh hoạt quy định về giờ làm thêm trong thời kỳ dịch bệnh, cho phép doanh nghiệp có thể làm thêm nhiều hơn quy định trong tháng, nhưng vẫn đảm bảo không quá tổng thời gian làm thêm trong cả năm do nghỉ dịch lâu nên khi quay lại sản xuất, các doanh nghiệp phải làm tăng ca cho kịp tiến độ giao hàng;

Bộ Tài chính xem xét tăng thời gian ân hạn giãn, hoãn nộp thuế, phí tránh để doanh nghiệp rơi vào tình trạng nợ xấu; xem xét duy trì các giải pháp đã áp dụng trước đây như giảm phí trước bạ… nhằm hỗ trợ phục hồi thị trường tiêu dùng trong nước. Các tổ chức tài chính xem xét tăng hạn mức tín dụng cho doanh nghiệp do giá các mặt hàng đầu vào nhập khẩu đều bị tăng giá do đại dịch khiến hạn mức hiện tại không đảm bảo thu mua đủ nguồn cung cho doanh nghiệp.

Bản thân các địa phương nên trao đổi với hiệp hội, doanh nghiệp trên địa bàn và thống nhất các quy định giữa các địa phương nhằm tránh tình trạng cát cứ gây ách tắc lưu thông hàng hóa, gián đoạn chuỗi sản xuất; cho phép các doanh nghiệp sớm được quay trở lại sản xuất khi các điều kiện phòng chống dịch bệnh được đảm bảo; gỡ bỏ quy định về định mức số lượng xe ô tô ra vào địa phương; cho phép sử dụng kết quả test nhanh, test gộp đối với lái xe và người lao động di chuyển liên tỉnh thay vì chỉ chấp nhận kết quả PCR.

Theo Chất lượng Việt Nam Online

Link gốc : https://vietq.vn/cac-doanh-nghiep-buc-xuc-vi-sua-do-uong-khong-duoc-cho-la-mat-hang-thiet-yeu-d189336.html

Bạn đang đọc bài viết Các doanh nghiệp bức xúc vì sữa, đồ uống không được cho là mặt hàng thiết yếu tại chuyên mục Thị trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Thị trường