Theo thông tin từ Bộ Y tế, tính từ ngày 27/04 đến nay, nước ta đã ghi nhận hơn 52.000 ca mắc Covid-19 tại nhiều tỉnh thành trên cả nước. Trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) là địa phương đang có số trường hợp bệnh nhân mắc Covid-19 cao nhất với hơn 30.000 trường hợp được ghi nhận. Bên cạnh đó có 10.667 ca bệnh đã được điều trị khỏi, còn 118 ca nặng đang điều trị ICU (hồi sức tích cực) và 18 ca bệnh nguy kịch đang điều trị ECMO (thiết bị tim, phổi nhân tạo).
Sự nguy hiểm của biến thể Delta đã tạo nên áp lực rất lớn cho khối điều trị, kéo theo đó là sự lo lắng từ người dân. Thực tế ghi nhận ghi nhận đã có không ít người dân tìm mua các thiết bị thở máy, thiết bị tạo ô xy, tích trữ các bình khí ô xy để "phòng" cho những tình huống xấu sẽ xảy ra.
Bộ Y tế khẳng định không thiếu máy thở, khí oxy cho người bệnh, do đó người dân hoàn toàn có thể an tâm. Ảnh minh hoạ. |
Vừa qua, Bộ Y tế đã tiến hành khảo sát và đánh giá năng lực sản xuất ô xy tại nước ta, kết quả cho thấy, khả năng cung ứng ô xy từ các đơn vị sản xuất trong nước cao gấp 30 lần so với nhu cầu hiện nay tại các bệnh viện. Như vậy, nguồn cung cấp khí ô xy cho cả nước đều không thiếu. Do đó, người dân không nên mua, tích trữ các bình khí ô xy tại nhà vì không những không thể sử dụng được mà còn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất lớn.
Trước thực trạng, người dân tự mua máy tạo ô xy, máy thở, bình ô xy... để tự dùng tại nhà, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, đối với các trường hợp bệnh nhân mắc Covid-19 có xuất hiện tình trạng suy hô hấp, khó thở thì việc sử dụng các thiết bị, hệ thống hỗ trợ hô hấp cho bệnh nhân là điều cần thiết. Tuy nhiên, không phải tất cả các trường hợp bệnh nhân Covid-19 đều cần đến thở máy.
BS Khoa cũng cho biết, theo dữ liệu được ghi nhận trong đợt dịch lần này có khoảng 80% các bệnh nhân không triệu chứng hoặc có biểu hiện lâm sàng nhẹ chỉ có khoảng 5% số ca cần thở oxy gọng kính, 0,17% thở máy không xâm nhập và 1,3% số ca thở máy xâm nhập. Việc thiết lập, vận hành và đưa vào sử dụng hệ thống máy thở cũng khác và yêu cầu cao hơn so với các thiết bị theo dõi sức khỏe thông thường tại nhà như nhiệt kế, máy đo huyết áp, máy đo đường huyết… mà người dân có thể sử dụng.
Theo đó việc thiết lập và vận hành hệ thống máy thở cần được thực hiện tại các cơ sở y tế có đầy đủ trang thiết bị phụ trợ (hệ thống oxy, hệ thống khí nén), cần có thầy thuốc (bác sĩ, điều dưỡng) được đào tạo chuyên môn bài bản để vận hành. Đồng thời quá trình bệnh nhân sử dụng máy thở cũng cần được kiểm tra, theo dõi định kỳ, tiến hành các xét nghiệm cần thiết để có những chỉ định và xử lý kịp thời. Trong điều kiện gia đình, không thể thiết lập các hệ thống máy thở cũng như không thể cắt cử các kíp chuyên môn đến vận hành và theo dõi việc sử dụng máy thở tại nhà riêng cho bệnh nhân.
Ngày 19/07/2021, Bộ Y tế cũng đã có công văn đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố rà soát và bảo đảm khả năng cung cấp ô xy y tế, sẵn sàng ứng phó trước mức độ lan truyền, tăng số bệnh nhân nặng ở các tỉnh, thành phố. Tuyệt đối không để tình trạng thiếu ô xy y tế trong cấp cứu, điều trị.
Bộ Y tế và thành phố Hồ Chí Minh cam kết không thiếu máy thở cho người bệnh, do đó người dân hoàn toàn có thể yên tâm. Người dân không nên mua, tích trữ máy thở vì vừa gây lãng phí do không thể tự dùng được, mà còn tạo sự khan hiếm nguồn cung khiến các cơ sở y tế, bệnh viện có thể không thể mua được máy cho bệnh nhân cần trong trường hợp dịch có những diễn biến khó lường", BS Khoa nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương cũng đưa ra cảnh báo, việc người dân tự ý mua các thiết bị tạo ô xy để sử dụng tại nhà là không cần thiết. Khi mắc Covid-19, người bệnh cần được điều trị chuyên biệt, không thể đơn thuần điều trị tại nhà với ô xy y tế.
Ngoài ra, việc người dân không có chuyên môn dự trữ trong nhà có thể gây ra nổ như áp suất vượt quá mức tối đa cho phép của bình; bình ôxy không được kiểm định, khí ôxy nạp vào bình không bảo đảm mức độ an toàn. Nếu nhiệt độ tăng cao thì áp suất bên trong bình cũng tăng dẫn đến cháy nổ gây nguy hiểm cho người sử dụng. Ths. BS Vũ Trần Thiên Quân – Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM cho rằng, không phải máy đo nồng độ oxy trong máu (SpO2) nào cũng đạt chuẩn, nếu người dân mua qua mạng, hàng hóa không rõ nguồn gốc thì không thể biết được chất lượng.
Cũng theo BS Quân, người dân không nên tự trang bị máy SpO2. Bởi tuy thao tác đơn giản, nhưng có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến kết quả oxy máu khi đo bằng máy SpO2 như tưới máu kém vùng đo SpO2 kém, nhịp tim không đều, nhiễu chuyển động, truyền ánh sáng bị chặn như những người sơn móng tay màu xanh hoặc đen… có thể cho ra kết quả không chuẩn xác
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hồng Đức, Cố vấn chuyên môn Trung tâm Điều trị bệnh hô hấp phổi Việt (quận 10, thành phố Hồ Chí Minh) còn lưu ý: “Nguồn ô xy có từ bình nén, ô xy lỏng, máy tách ô xy. Nếu không được kiểm tra, tư vấn trước khi dùng, người bệnh dễ bị ứ khí CO2, thậm chí ngưng thở. Ngoài ra, bình chứa khí ô xy còn là nguồn gây cháy rất lớn, nếu để gần nguồn lửa như hút thuốc, hay tháo lắp van giảm áp sai quy định…”.
Theo Chất lượng Việt Nam Online