Hà Nội, Thứ Hai Ngày 16/09/2024

Người dân đổ xô tích trữ máy thở: Bộ Y tế nói gì?

DOANH NHÂN VIỆT NAM 16:16 19/07/2021

Bộ Y tế cho biết khả năng cung ứng ô xy cao hơn 30 lần nên việc người dân đi mua máy thở, bình khí ô xy là không cần thiết, thậm chí có thể dẫn tới cháy nổ.

Trước đó, báo chí đã phản ánh hiện tượng người dân khu vực phía Nam, nhất là tại Tp.HCM đã săn lùng máy tạo oxy y tế để có thể sử dụng tại nhà trước thông tin các căn mắc Covid-19 liên tục tăng cao cùng thông tin ngành y tế sẽ cho F0 được cách ly tại nhà.

Cụ thể, nhiều người dân trong thành phố đã chấp nhận đặt những loại máy tạo oxy y tế nhãn hiệu nước ngoài với giá 11 triệu đồng, máy đo nồng độ ô xy với giá 3 triệu đồng, máy đo huyết áp 1,1 triệu đồng… sau khi nghe những thông tin xấu về dịch bệnh.

Theo khảo sát từ TTXVN thì bởi nhu cầu vượt quá nguồn cung nên giá các mặt hàng cao đột biến. Trước đây, một máy tạo ô xy “Made in China” có giá khoảng 8 triệu đồng thì tuần trước đã "đội" lên 11 triệu đồng, đến ngày 17/7 được niêm yết với giá 24 triệu đồng. Thậm chí, có máy đã tăng giá lên gấp 4 lần so với giá ban đầu nhưng cũng không còn hàng và khách hàng đều phải chờ từ 7 – 10 ngày mới được nhận hàng sau khi đặt cọc.

Theo Bộ Y tế, hiện tại người dân chưa đủ điều kiện để vận hành máy trợ thở tại nhà. Ảnh Báo Lao Động

Trong khi đó, một số dòng sản phẩm của hãng Mekics có nguồn gốc Hàn Quốc có giá dao động từ 135 - 385 triệu đồng/máy, còn hàng từ Đức có giá rẻ hơn đáng kể từ 39 - 50 triệu đồng/máy... người mua sẽ đợi 1-2 tuần, thậm chí 3 tuần mới có hàng.

Trước tình hình trên, đại diện bộ Y tế bác sĩ Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã phải lên tiếng khuyến cáo tới người dân.

Đối với các trường hợp suy hô hấp, khó thở thì việc sử dụng các thiết bị, hệ thống hỗ trợ hô hấp cho bệnh nhân là điều cần thiết. Tuy nhiên không phải tất cả các trường hợp bệnh nhân Covid-19 đều cần đến thở máy. Ông Khoa lấy dẫn chứng về làn sóng lần thứ 4 có khoảng 80% các bệnh nhân không triệu chứng hoặc có biểu hiện lâm sàng nhẹ chỉ có khoảng 5% số ca cần thở ô xy gọng kính, 0,17% thở máy không xâm nhập và 1,3% số ca thở máy xâm nhập.

Chưa kể với điều kiện gia đình thì vấn đề thiết lập, vận hành và đưa vào sử dụng hệ thống máy thở có nhiều điểm khác và yêu cầu cao hơn so với các thiết bị theo dõi sức khỏe thông thường tại nhà như nhiệt kế, máy đo huyết áp, máy đo đường huyết…

Làm rõ việc này hơn, theo thông tin từ Bộ Y tế thì vận hành hệ thống máy thở cần phải đảm bảo các điều kiện tại các cơ sở y tế có đầy đủ trang thiết bị phụ trợ (hệ thống ô xy, hệ thống khí nén). Ngoài ra, cần có thầy thuốc (bác sĩ, điều dưỡng) được đào tạo chuyên môn bài bản để vận hành. Đồng thời, quá trình bệnh nhân sử dụng máy thở cũng cần được kiểm tra, theo dõi định kỳ, tiến hành các xét nghiệm để đưa ra định hướng điều trị cần thiết và xử lý kịp thời.

Với những nội dung trên thì việc sử dụng máy trợ thở ô xy tại nhà là không khả thi nếu không có đội ngũ chuyên môn chuyên nghiệp đảm trách.

Bên cạnh đó, bác sĩ Nguyễn Trọng Khoa còn cảnh báo về nguy cơ cháy nổ hiện hữu nếu sử dụng và tích trữ các loại bình ô xy không đúng cách.

Hiện tại, Bộ Y tế đã tiến hành khảo sát và đánh giá năng lực sản xuất ô xy tại nước ta, kết quả khả quan về mặt cung ứng từ các đơn vị sản xuất trong nước cao gấp nhiều lần so với nhu cầu hiện nay tại các bệnh viện. Do đó, người dân không nên quá lo lắng bởi nguồn cung cấp khí ô xy cho toàn bộ Việt Nam hay riêng tại Tp.HCM đều không thiếu.

Theo Tạp chí điện tử Doanh nhân Việt Nam

Link gốc : https://doanhnhanvn.vn/bo-y-te-len-tieng-truoc-hien-tuong-do-xo-mua-may-tro-tho-35783.html

Bạn đang đọc bài viết Người dân đổ xô tích trữ máy thở: Bộ Y tế nói gì? tại chuyên mục Đời sống – Xã hội. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Đời sống – Xã hội