Hà Nội, Thứ Năm Ngày 21/11/2024

Sản phẩm Sao Thái Dương lọt danh sách ‘phòng, hỗ trợ điều trị Covid-19’: Tình cờ hay bất thường?

VIETQ 08:40 27/07/2021

Động thái thu hồi công văn vừa ban hành một cách nhanh chóng từ Bộ Y tế cũng như những “lùm xùm” liên quan tới sản phẩm Kovir đang khiến dư luận không khỏi hoài nghi về chất lượng

cũng như lý do sản phẩm của Công ty Cổ phần Sao Thái Dương lọt vào danh sách của Bộ Y tế.

Từng bị cảnh báo "thổi phồng" chất lượng, sản phẩm của Sao Thái Dương vẫn lọt “danh sách ưu tiên”?

Hai ngày gần đây, dư luận đang hết sức quan tâm tới việc Bộ Y tế “gấp gáp” ra văn bản số 5967/BYT-YDCT để thu hồi công văn số 5944/BYT-YDCT chỉ mới ban hành trước đó có 2 ngày.

Trước đó, nội dung công văn số 5944/BYT-YDCT có đề cập tới việc tăng cường phòng, chống dịch bệnh Covid-19 bằng thuốc cổ truyền, sản phẩm từ dược liệu. Kèm theo đó là danh mục phụ lục gồm 12 loại thuốc, sản phẩm cổ truyền phòng, hỗ trợ điều trị Covid-19.

Sau khi công văn số 5944/BYT-YDCT được công bố, dư luận xã hội bắt đầu “nóng” lên với những ý kiến xoay quanh điểm khó lý giải từ việc ban hành công văn cũng như phụ lục gồm 12 sản phẩm được cho là có thể “phòng, hỗ trợ điều trị Covid-19”.

Điều mà dư luận băn khoăn là không hiểu vì lý do, cơ sở nào mà Bộ Y tế lại đưa ra danh mục 12 loại thuốc, dược liệu được cho là có thể “phòng, hỗ trợ điều trị Covid-19” mà không có bất kỳ dẫn giải chi tiết nào liên quan tới công dụng, tác dụng của sản phẩm đối với quá trình điều trị cho bệnh nhân Covid-19? Công văn của Bộ Y tế cũng không có dẫn giải chi tiết, cụ thể về cách sử dụng sản phẩm theo liều lượng nào, dùng trong bao lâu, dùng khi nào để đạt được hiệu quả phòng, điều trị Covid-19? Câu hỏi về việc những ai, đối tượng nào (hay tất cả người dân) có thể sử dụng những sản phẩm này và có hay không tác dụng phụ của sản phẩm cũng không được giải thích một cách rõ ràng.

Chưa dừng lại ở đó, công văn số 5944/BYT-YDCT còn làm nảy sinh luồng ý kiến băn khoăn về việc liệu Bộ Y tế có “vô tình” quảng bá cho một số sản phẩm nhất định trên thị trường và gây nên tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các đơn vị sản xuất, phân phối thuốc, dược liệu cổ truyền hay không. Bởi trên thực tế, sau khi có công văn này, nhiều người tiêu dùng đã đổ xô đi mua những sản phẩm mà Bộ Y tế liệt kê để phòng, hỗ trợ điều trị Covid-19.

Tạm dừng lại những băn khoăn, nghi vấn xoay quanh mục đích, cách thức mà Bộ Y tế ban hành công văn số 5944/BYT-YDCT, dư luận cũng không khỏi bất ngờ khi trong danh sách 12 sản phẩm được liệt kê có cả sản phẩm đã từng dính “tai tiếng” của Công ty Cổ phần Sao Thái Dương.

Theo đó, nội dung ghi trong phần phụ lục của công văn số 5944/BYT-YDCT có đề cập tới tên sản phẩm Kovir. Được biết, tiền thân của sản phẩm Viên nang mềm Kovir trước đây vốn là sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ Kovir được Công ty Cổ phần Sao Thái Dương sản xuất và lưu hành trên thị trường từ năm 2017 – thời điểm chưa xuất hiện dịch bệnh COVID-19. Văn bản xác nhận công bố sản phẩm Kovir do Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm ký ngày 31/7/2017.

Bẵng đi hai năm sau, khi dịch COVID -19 bùng phát trên thế giới và tại Việt Nam, sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Kovir của Công ty Sao Thái Dương bất ngờ được quảng cáo rầm rộ trên các trang mạng xã hội với những công dụng sai sự thật, khác với bản chất, chất lượng vốn có của sản phẩm. Thậm chí, ngay cả Cục An toàn thực phẩm cũng đã có thông báo “tuýt còi” sản phẩm này.

Cụ thể, vào ngày 14/9/2020, Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế (VFA) đã phát đi thông báo cảnh báo thông tin quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe Kovir.

Cục An toàn thực phẩm cho biết, trên một số phương tiện thông tin đại chúng và trang mạng xã hội có đưa thông tin sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Kovir của Công ty Cổ phần Sao Thái Dương có thể làm người tiêu dùng hiểu lầm sản phẩm trên có công dụng: hiệu quả cao đối với các bệnh Virus từ sau lần uống đầu tiên; hỗ trợ điều trị Covid-19.

Cục An toàn thực phẩm khẳng định thông tin như vậy là không chính xác, không có loại thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe nào có công dụng dự phòng, điều trị hoặc hỗ trợ điều trị Covid -19. Cục An toàn thực phẩm cũng cho biết phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông và các Bộ ngành để xác minh, xử lý theo quy định.

Chỉ trong vòng chưa đầy một năm bị Cục An toàn thực phẩm “tuýt còi”, bằng một cách “thần kỳ” nào đó, sản phẩm Kovir nghiễm nhiên có trong danh sách 12 sản phẩm được Bộ Y tế liệt kê kèm công văn số 5944/BYT-YDCT.

Và trên thực tế, người tiêu dùng cũng không thể biết vì sao sản phẩm Kovir lại lọt vào danh sách này chứ không phải sản phẩm của một doanh nghiệp khác. Người tiêu dùng cũng không thể biết vì lý nào mà một sản phẩm từng bị “tuýt còi” vì quảng cáo gây hiểu nhầm có thể hỗ trợ điều trị Covid -19 nay lại nghiễm nhiên nằm trong danh sách các sản phẩm được công bố dùng để phòng, hỗ trợ điều trị Covid-19?

Đột ngột tăng giá, Sao Thái Dương liệu có biết trước “thời cơ”?

Theo quảng cáo về sản phẩm, thành phần viên uống Kovir được chiết xuất từ sài hồ, đảng sâm, phục linh, tiền hồ, cát cánh, chỉ xác, xuyên khung, bạc hà, cam thảo, sinh khương... Theo quảng cáo của nhà sản xuất, sản phẩm này được phát triển từ bài thuốc y học cổ truyền “Nhân sâm bài độc tán”.

Trên website của Sao Thái Dương, viên uống Kovir được giới thiệu là có tác dụng tăng sức đề kháng, dành cho người có các biểu hiện ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, đau họng…

Vào ngày 19/7/2021, Công ty Cổ phần Sao Thái Dương đột ngột ra văn bản thông báo tăng giá viên nang cứng Kovir lên tới 1 triệu đồng/2 vỉ 15 viên; viên nang mềm hộp 5 vỉ có giá 1.250.000 đồng áp dụng từ 19/7/2021. Văn bản này do ông Nguyễn Hữu Thắng – Tổng Giám đốc Công ty CP Sao Thái Dương ký.

Ngay tại bảng giá của Sao Thái Dương, dù không nhắc tới Covid-19 nhưng lại ghi công dụng: Hỗ trợ phòng và điều trị sớm các bệnh do virus gây ra… dùng cho trường hợp F1, giúp giảm nguy cơ F1 thành F0. Liều đủ dùng là 15 ngày. Thậm chí, Sao Thái Dương còn quảng bá: Sản phẩm được nghiên cứu tại Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Đại học Y Thái Bình, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.

Kỳ lạ thay, tới 5 ngày sau, tức ngày 24/7, Bộ Y tế ra công văn số 5944/BYT-YDCT hướng dẫn sử dụng có đề cập đến các thuốc được có tác dụng "phòng, điều trị Covid-19". Trong đó công khai nêu tên sản phẩm Kovir thuộc Công ty Cổ phần Sao Thái Dương.

Việc Công ty Cổ phần Sao Thái Dương đột ngột tăng giá sản phẩm Kovir chỉ trước vài ngày so với công văn của Bộ Y tế liệu có phải là sự trùng hợp hay phía công ty này đã biết trước thông tin sản phẩm của mình sẽ nằm trong danh sách của Bộ Y tế?

Bên cạnh đó, với thành phần của sản phẩm ghi trên website của Sao Thái Dương: “Bột mịn cao hỗn hợp dược liệu 600mg (được chiết xuất từ các dược liệu sau: Sài hồ 245mg, Phục linh 245mg, Đảng sâm 245mg, Tiền hồ 245mg, Cát cánh 163mg, Xuyên khung 163mg, Chỉ xác 163mg, Khương hoạt 163mg, Độc hoạt 163mg, Cam thảo 163mg, Sinh khương 82mg, Bạc hà 82mg)” và công dụng chỉ là “nâng cao sức đề kháng” thì tại sao sản phẩm Kovir lại được nâng giá lên tới 1 triệu đồng/hộp? Việc Sao Thái Dương đột ngột nâng giá sản phẩm giữa lúc dịch Covid-19 diễn ra căng thẳng liệu có phải là hành động lợi dụng dịch bệnh và sức khỏe của người dân để trục lợi?

Những nghi vấn về sản phẩm chưa được cấp phép?

Chưa dừng lại ở nghi vấn về việc vì sao sản phẩm của Sao Thái Dương có trong danh sách của Bộ Y tế hay những nghi ngờ về việc công ty này đột ngột tăng giá sản phẩm, dư luận còn ngỡ ngàng khi xuất hiện thông tin nghi vấn về việc dù chưa được cấp phép nhưng sản phẩm Viên nang cứng Kovir vẫn có tên trong danh mục một số thuốc cổ truyền và các sản phẩm y học cổ truyền trong phòng và hỗ trợ điều trị Covid-19 được ban hành kèm theo công văn của Bộ Y tế gửi tới một số địa phương phía Nam - nơi tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.

Cụ thể, vào 24/6/2021, Cục Quản lý Y dược cổ truyền – Bộ Y tế ban hành công văn số 648/YDCT-QLY gửi Sở Y tế tỉnh Bình Dương; Sở Y tế tỉnh Đồng Nai; Sở Y tế, Bệnh viện YHCT, Viện Y – Dược học dân tộc TP.HCM về việc sử dụng sản phẩm YHCT và hướng dẫn sử dụng một số thuốc, sản phẩm YHCT trong phòng, nâng cao sức khoẻ, hỗ trợ điều trị COVID-19.

Nội dung công văn số 648 nêu rõ: “Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị căn cứ hướng dẫn sử dụng một số thuốc cổ truyền, sản phẩm y học cổ truyền trong phòng, hỗ trợ điều trị Covid-19 ban hành kèm theo công văn này để hướng dẫn, chỉ đạo sử dụng cho người bệnh nhiễm vi – rút SARS-CoV-2, đội ngũ y, bác sỹ tuyến đầu và đối tượng cách ly (F1)”.

Trong danh sách kèm theo, có các sản phẩm là viên nang Kovir (cứng và mềm) và Nobel tăng cường miễn dịch của Công ty Cổ phần Sao Thái Dương. Điều đáng ngạc nhiên là, sản phẩm Viên nang cứng Kovir của Công ty Cổ phần Sao Thái Dương vào ngày 25/6/2021 mới được Cục Quản lý Dược – Bộ Y tế cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm số 5819/2021/ĐKSP.

Thế nhưng không hiểu vì lý do gì, mà trước đó chỉ 1 ngày, sản phẩm Viên nang cứng Kovir đã nằm trong danh mục Nhóm sản phẩm y học cổ truyền dùng trong phòng bệnh thuộc phần Hướng dẫn sử dụng một số thuốc cổ truyền và các sản phẩm y học cổ truyền trong phòng và hỗ trợ điều trị COVID-19, được ban hành kèm theo công văn số 648/YDCT-QLY ngày 24/6/2021 của Cục Quản lý Y dược cổ truyền – Bộ Y tế?

Một thông tin khác cũng đáng lưu ý là vào ngày 17/7/2021, trên trang Facebook tích xanh có tên “Nguyen Thi Huong Lien” được cho là của người đồng sáng lập Sao Thái Dương có đăng tải bài viết với nội dung khẳng định: “Ngày 24/7/2021, Bộ Y tế đã chính thức có văn bản kèm danh mục 27 sản phẩm đông y vào tham gia hỗ trợ điều trị COVID-19”, trong đó nêu tên 6 sản phẩm của Công ty Cổ phần Sao Thái Dương. Sau đó Viên nang Kovir quả thật đã lọt vào danh mục kèm theo công văn số 5944/BYT-YDCT của Bộ Y tế”.

Vậy tại sao bài đăng của một cá nhân xuất hiện trước khi có công văn số 5944/BYT-YDCT tới 7 ngày lại có thể biết rõ thông tin rằng sản phẩm của Sao Thái Dương sẽ được Bộ Y tế cho vào danh mục? Công ty Cổ phần Sao Thái Dương liệu có được báo trước thông tin về việc này hay cá nhân nào đã làm lộ, lọt thông tin của Bộ Y tế? Tại sao chỉ 2 ngày sau khi xuất hiện bài đăng về việc sản phẩm của Sao Thái Dương sẽ xuất hiện trong văn bản của Bộ Y tế, sản phẩm này lại ngay lập tức được Công ty tăng giá?

Về tất cả những nghi vấn và thắc mắc từ phía cộng đồng, dư luận xã hội, rất cần có sự lên tiếng lý giải từ cả phía Bộ Y tế và Công ty Cổ phần Sao Thái Dương.

Công ty Cổ phần Sao Thái Dương được thành lập ngày 24/5/2002, đóng trụ sở chính tại phố Vĩnh Hưng, phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Ngành nghề chính là sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu. Người đại diện theo pháp luật, Tổng giám đốc của Sao Thái Dương là ông Nguyễn Hữu Thắng, sinh năm 1971, thường trú tại phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, TP. Hà Nội.

Vào tháng 11/2018, Sao Thái Dương đã có màn tăng vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng lên 150 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông của công ty rất cô đặc với chỉ 3 người, tính đến hết năm 2020, gồm: Nguyễn Hữu Thắng 51%, Nguyễn Thị Hương Liên 48%, Nguyễn Hải Yến 1%.

Giai đoạn 2016 – 2019, tổng tài sản của Sao Thái Dương tăng khá mạnh từ 285 tỷ đồng lên 653 tỷ đồng, tức tăng gấp 2,3 lần. Phần đa là tài sản dài hạn. Tài trợ chính cho sự tăng trưởng của tài sản là nợ phải trả - tăng mạnh từ 150 tỷ đồng lên 479 tỷ đồng trong cùng giai đoạn nêu trên, tức tăng gấp 3,2 lần.

Nợ ngắn hạn chiếm ưu trong cơ cấu nợ phải trả của công ty (thấp nhất là 77% vào năm 2019). Tuy nhiên, diễn biến đáng chú ý về nợ của Sao Thái Dương đó là sự tăng lên rất mạnh của khoản nợ vay dài hạn. Trong 4 năm nói trên, nợ dài hạn đã tăng từ 3 tỷ đồng lên tới 108 tỷ đồng, tức tăng gấp 36 lần.

Trong khi đó, vốn chủ sở hữu không biến động quá lớn, những năm 2016 – 2019 lần lượt là: 135 tỷ đồng, 195 tỷ đồng, 173 tỷ đồng và 173 tỷ đồng. Nhờ vốn chủ khá dày dặn, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của công ty không quá cao.

Về tình hình kinh doanh, 2016 – 2019 có thể nói là thời kỳ làm ăn phát đạt của Sao Thái Dương khi doanh thu thuần tăng trưởng rất mạnh, lần lượt là: 69 tỷ đồng, 466 tỷ đồng, 667 tỷ đồng và 828 tỷ đồng. Tính chung 4 năm, doanh thu đã tăng gấp 12 lần. Biên lãi gộp cải thiện liên tục qua các năm, từ 30% (2016) lên 35% (2017), 37% (2018) rồi 38% (2019). Tuy vậy, lãi sau thuế của công ty khá mỏng. Năm 2016, công ty chỉ báo lãi 157 triệu đồng, năm 2017, số lãi tăng lên 2,1 tỷ đồng, năm 2018 là 6,3 tỷ đồng và 2019 là 7,3 tỷ đồng.

Chất lượng Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin!

Link gốc : https://vietq.vn/vu-san-pham-sao-thai-duong-lot-vao-danh-sach-bo-y-te-bat-thuong-hay-chi-la-tinh-co-d189344.html

Bạn đang đọc bài viết Sản phẩm Sao Thái Dương lọt danh sách ‘phòng, hỗ trợ điều trị Covid-19’: Tình cờ hay bất thường? tại chuyên mục Tiêu dùng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tiêu dùng