Số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nêu rõ, so với tháng 4/2021, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2021 tăng 0,16%, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính tháng 5/2021 có 8 nhóm tăng giá so với tháng trước và 3 nhóm giảm giá.
So với cùng kỳ 2020, CPI tháng 5/2021 tăng 2,9%. Trong 11 nhóm hàng tiêu dùng chính có 9 nhóm tăng giá và 2 nhóm giảm giá. Nhóm giao thông tăng cao nhất 21,24% so với tháng 5/2020, chủ yếu do cùng kỳ năm trước giá xăng, dầu trong nước giảm sâu theo giá nhiên liệu thế giới.
Ở chiều ngược lại, trong nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, nhóm thực phẩm tháng 5/2021 giảm 1,12% do cùng thời điểm này năm 2020, giá thịt lợn ở mức cao vì nguồn cung thiếu khi chịu ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi. Đồng thời do các quán ăn, nhà hàng được mở cửa trở lại sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội nên nhu cầu thực phẩm tăng làm giá các mặt hàng thực phẩm tăng cao. Nhóm bưu chính, viễn thông có chỉ số giá giảm nhiều nhất với 0,88% do giá các loại điện thoại giảm.
Đáng chú ý, chỉ số giá nhóm ăn uống ngoài gia đình tháng 5/2021 tăng 0,31% so với tháng 4/2021 do trong tháng có kỳ nghỉ Lễ 30/4-1/5, trong đó chỉ số giá ăn ngoài gia đình tăng 0,38%; chỉ số giá nhóm uống ngoài gia đình tăng 0,1%; đồ ăn nhanh mang đi tăng 0,06%.
Chỉ số giá nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tháng 5 giảm 0,23% so với tháng 4, chủ yếu do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương nên người dân hạn chế đi du lịch, đặc biệt du lịch theo tour làm cho giá dịch vụ du lịch trọn gói tháng 5/2021 giảm 0,7% so với tháng 4. Bên cạnh đó, thời tiết thuận lợi, đang rộ mùa khiến giá hoa tươi giảm mạnh, cụ thể giá nhóm cây, hoa cảnh giảm 2,05% so với tháng 4.
Lạm phát cơ bản tháng 5/2021 tăng 0,15% so với tháng trước, tăng 1,13% so với cùng kỳ 2021. Bình quân 5 tháng đầu năm 2021 lạm phát cơ bản tăng 0,82% so với cùng kỳ năm 2020, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 1,29%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, giá xăng, dầu và giá gas tăng. Mức lạm phát cơ bản tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm trước đều là mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây.
Nhìn vào số liệu 5 tháng với mức tăng thấp, chúng ta không thấy lo ngại về những diễn biến của nửa đầu năm 2021. Tuy nhiên, đi vào chi tiết, những diễn biến của giá cả trong nửa đầu năm nay cho thấy có những đặc điểm khác biệt lớn so với các kì tính giá trước của năm 2020 và những năm trước đó.
Điểm khác biệt lớn nhất là trong 5 tháng đầu năm nay, trừ một số mặt hàng khác là vẫn giữ giá thì còn lại các mặt hàng từ năng lượng, nguyên nhiên vật liệu cho sản xuất công nghiệp, các mặt hàng là đầu vào của sản xuất nông nghiệp như phân bón, những mặt hàng dùng cho ngành xây dựng như sắt thép, cát, xi măng, các chi phí khác như: vận chuyển hàng hóa, chi phí container... đều tăng giá hàng loạt.
Cụ thể, chi phí các mặt hàng dùng cho bữa ăn, sinh hoạt thiết yếu cho gia đình hàng ngày tăng từ 10 - 20%, thậm chí có loại lúc lên tới 35 - 40%. Giá các loại dịch vụ ăn uống ngoài gia đình cũng tăng 5-7%. Giá đầu vào các mặt hàng cho thức ăn gia súc, gia cầm cũng tăng từ 20 - 70%, sắt thép xi măng tăng 35-40%, học phí các trường đại học xem xét điều chỉnh tăng khá mạnh. Nếu tính riêng chỉ số giá của một số nhóm hàng thì: chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu cho sản xuất tháng 5/2021 tăng 4,47% so với cùng kì năm trước, trong đó dùng trong sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản, tăng cao hơn là 6,77%, dùng cho sản xuất công nghiệp tăng 4,95%, dùng cho xây dựng tăng 1,95%, v.v.
Như trên đã phân tích từ đầu năm đến nay, nhiều chuỗi cung ứng hàng hóa, cung ứng vận chuyển logistics bị đứt gãy nên đã tác động vào các mặt hàng sử dụng phương tiện vận chuyển làm cho giá cả cũng tăng lên. Từ đó dẫn tới việc tăng giá lan tỏa đến sản phẩm bán lẻ cho tiêu dùng xã hội. Riêng giá nông sản thực phẩm thì không chịu tác động nhiều ở chi phí vận chuyển mà lại chịu tác động do yếu tố bị giãn cách khoanh vùng dập dịch, thời kỳ này hàng loạt hàng nông sản thực phẩm, rau quả đã đến vụ thu hoạch rộ, chính vì vậy hàng hóa bị ứ đọng lại, nên giá bình quân ở nhiều vùng trên đất nước đã không tăng giá mà lại bị giảm giá rất mạnh từ 50 - 70%.
Trong thực tế thời gian vừa qua các tỉnh và thành phố có nhiều cố gắng trong việc liên doanh liên kết, xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm bị ùn ứ ở nhiều nơi, nhưng hiệu quả chưa được như mong muốn vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên ở nhóm hàng này thì giá bán lẻ cho người tiêu dùng không theo quy luật cùng lên cùng xuống mà giá bán của người nông dân tại ruộng và tại chuồng xuống khá thấp nhưng giá bán ở chợ và siêu thị, thậm chí ở các cửa hàng bình ổn giá, giá vẫn khá cao. Hoặc có giảm đôi chút, không đáng kể.
Một vấn đề cần quan tâm về giá bán lẻ đó là theo một số báo chí phản ảnh thì có một số nhà sản xuất ở số ít mặt hàng, vì không muốn tăng giá trực tiếp đã “khéo léo” thay đổi quy cách, bao bì và trọng lượng đóng gói còn giá vẫn giữ nguyên. Thực chất đây là việc tăng giá hàng hóa gián tiếp mà không phải người tiêu dùng nào cũng có thể hiểu rõ được.
Còn một vấn đề muôn thuở nữa là giá hàng hóa dịch vụ như cắt tóc, taxi, giá vận chuyển hàng, giá bún bánh phở đã lên thì hầu như không xuống mặc dù đầu vào có thời gian giảm khá mạnh. Điển hình cho giai đoạn này là mặt hàng thịt lợn, từ đầu năm đến nay, giá thịt lợn hơi liên tục giảm giá, cho đến cuối tháng 5, mức độ giảm so với đầu năm là 20 – 25%, nhưng giá bán lẻ tại siêu thị và các chợ hoặc đứng yên, hoặc giảm không đáng kể.
Ảnh minh họa |
Tất cả những tình hình trên cho ta thấy các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng xã hội trong 5 tháng qua đã chịu đựng cả sự tăng giá hợp lý lẫn vô lý về giá trong điều kiện họ đang phải tiết kiệm chi phí sản xuất kinh doanh và chi phí tiêu dùng. Có thể thấy rằng: những con số thống kê được công bố mới chỉ phản ánh 60 – 70% sự thực về giá đang diễn ra trên thị trường.
Tuy nhiên, đây cũng có thể không phải lỗi của cơ quan thống kê. Theo một số chuyên gia kinh tế dự đoán, lý do có thể nằm ở sự tập hợp mặt hàng và cách tính chỉ số giá theo quy định của quốc tế còn có những hạn chế khi áp dụng vào tình hình giá cả hàng hóa thực tế ở Việt Nam nên có những sai lệch giữa con số thống kê và thực tế phát sinh. Tình hình này đòi hỏi cần có thời gian tiếp tục nghiên cứu cho phù hợp và tiến dần tới thực tế phát sinh.
6 tháng cuối năm, tình hình giá cả có gì thay đổi?
Mặc dù những tháng đầu năm chỉ số CPI làm chúng ta tương đối yên tâm so vơi mục tiêu cả năm 2021, nhưng chúng ta không thể chủ quan với những diễn biến còn hết sức phức tạp của 6 tháng cuối năm. Về tình hình địa chính trị thế giới, công tác chống dịch đang có những khó khăn chưa giải quyết được và về cơ bản trong giai đoạn hiện nay, dịch vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp ở từng khu vực trên thế giới.
Ngoài ra, còn xuất hiện việc tăng cường dự trữ hàng hóa thiết yếu như vật liệu xây dựng, thức ăn gia súc với khối lượng rất lớn và tốc độ rất nhanh của một số nước. Tình hình này sẽ dẫn tới việc giá cả hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu có chiều hướng tăng. Tình huống giá cả hàng hóa, vật liệu giảm khó có thể xảy ra từ nay đến cuối năm 2021. Chưa kể, trong giai đoạn này, tại một số khu vực do tỷ lệ tiêm vaccine khá cao, nền kinh tế đang có chiều hướng khôi phục thì cầu của các mặt hàng chiến lược lại có thể tăng lên ở một chu kì mới.
Đối với Việt Nam, với sự phụ thuộc 70 – 80% vật tư, năng lượng, nguyên nhiên vật liệu cho sản xuất kinh doanh để tiêu dùng nội địa và xuất khẩu nên chắc chắn sẽ còn tiếp tục bị ảnh hưởng trong những tháng cuối năm 2021 và một số năm tiếp theo. Một yếu tố khác phải quan tâm đó là với các gói kích thích kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp của các nước trong đó có Việt Nam làm cho cung tiền tăng khá mạnh cũng dễ dẫn tới đẩy lạm phát tăng lên. Các chuỗi cung ứng bị đứt gãy chưa được nối lại sẽ là yếu tố tiếp tục làm cho chi phí vận chuyển logistics vẫn đứng ở mức cao. Những điều này chắc chắn ảnh hưởng mạnh khiến giá cả hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu, hàng têu dùng thiết yếu chưa thể giảm giá theo mong muốn ngay tức thì.
Nhìn một cách tổng quan, Việt Nam đang kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát ở một mức hợp lý, quan tâm đến giá cả các mặt hàng thiết yếu cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng. Nhưng với những vấn đề đã nêu ở trên cho thấy, khó khăn vẫn còn nhiều ở phía trước và nó đòi hỏi sự chỉ đạo sát sao, kịp thời và hiệu quả của Chính phủ, các bộ ngành và các địa phương, cộng với sự nỗ lực chủ quan của các doanh nghiệp để hạn chế đến mức thấp nhất những chỉ số tăng đột biến trong 6 tháng cuối năm nay.
Những giải pháp cần thực hiện
Muốn giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát hợp lý ở mức 4% trong năm 2021, cần phải huy động các nguồn lực ở trong doanh nghiệp, các tầng lớp dân cư vào sản xuất kinh doanh và sử dụng các nguồn lực đó để đầu tư cho cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất. Đồng thời, kiên quyết chống lãng phí và thất thoát, làm tổn hại đến sức mạnh chung của đất nước. Muốn kiềm chế được lạm phát và bảo đảm ổn định kinh tế xã hội và mức sống của từng gia đình Việt Nam, cần phải tổ chức tốt sản xuất theo quy hoạch, kế hoạch với năng suất cao, chất lượng đảm bảo và giá cả cạnh tranh.
Sản xuất phải gắn với một hệ thống phân phối đủ mạnh, mở rộng cửa đón hàng hóa, nhất là hàng hóa Việt Nam sản xuất với chi phí thấp nhất để hạn chế việc giải cứu hàng hóa ứ đọng của nông dân và các doanh nghiệp sản xuất mà từ trước đến nay vẫn còn tồn tại. Nhà nước cần kiểm soát giá những mặt hàng vật tư, năng lượng chủ yếu và những mặt hàng thuộc danh mục định giá để ổn định đầu vào cho sản xuất kinh doanh xã hội.
Nghiên cứu những mức dự trữ bình quân cần thiết cho việc tiêu thụ trong nước được ổn định và ít đột biến. Nhất là những mặt hàng như xăng dầu, nước ta hiện nay đã tự sản xuất được đến 65 -70%. Mặt khác, chúng ta không chỉ đơn thuần nhìn vào những tốn phí của quỹ hàng hóa dự trữ quốc gia mà phải nhìn xa hơn, rộng hơn do cái lợi rất lớn khi giá cả những mặt hàng thiết yếu được giữ tương đối ổn định khi có dự trữ, nhất là lúc các chuỗi cung ứng những hàng hóa đó đang có bất ổn ít nhiều đều ảnh hưởng đến thị trường giá cả ở Việt Nam trong năm nay và cả những năm tiếp theo.
Nhà nước và các địa phương, lực lượng chức năng phải làm tốt công tác kiểm soát thị trường, chống hàng lậu, hàng giả, gian lận thương mại, trốn thuế, vừa bảo vệ các doanh nghiệp, các sản phẩm chân chính, nghiêm trị các hành vi vi phạm phát luật sản xuất kinh doanh dịch vụ, quyền lợi người tiêu dùng. Về thống kê giá, đề nghị xem xét lại việc lấy số liệu mẫu phục vụ cho công tác thống kê cả số lượng mặt hàng, thời gian điều tra, đối tượng điều tra để có thể có những chỉ số CPI thiết thực hơn gắn với đời sống thực tế về giá cả trên thị trường Việt Nam trong những năm tới.
Dù còn nhiều khó khăn nhưng nếu làm được những điều trên, chúng ta tin tưởng rằng sẽ có một con số đáng khích lệ về CPI và khả năng CPI cả năm sẽ dao động khoảng 3,3 – 3,7%, đạt được mục tiêu mà Quốc hội và Chính phủ đã yêu cầu thực hiện trong năm nay, góp phần vào việc hoàn thành nhiệm vụ kinh tế xã hội, tạo tiền đề cho sự phát triển nhanh và bền vững cho những năm tiếp theo.
Theo Chất lượng Việt Nam Online