Báo cáo về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc và việc quản lý, sử dụng Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp năm 2018 cho thấy, năm 2018, nợ phải trả của các Tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước giảm 1% so với năm 2017, song con số này vẫn rất lớn 1.454.668 tỷ đồng.
Theo số liệu báo cáo hợp nhất về tổng tài sản của các Tập đoàn kinh tế, Tổng Công ty Nhà nước, Công ty mẹ - công ty con (TĐ,TCT) là 2.690.431 tỷ đồng, tăng 1% so với thực hiện năm 2017. Trong cơ cấu về tài sản, tỷ trọng tài sản cố định chiếm bình quân 38%.
Báo cáo của Công ty mẹ Tập đoàn kinh tế, Công ty mẹ Tổng Công ty Nhà nước, Công ty mẹ trong nhóm Công ty mẹ - Công ty con (Công ty mẹ) có tổng tài sản 1.913.463 tỷ đồng (tính riêng Công ty mẹ khối TĐ, TCT tổng tài sản là 1.873.053 tỷ đồng), tăng 1% so với thực hiện năm 2017. Trong đó, tài sản cố định chiếm 18% tổng tài sản.
Báo cáo hợp nhất của các TĐ,TCT có tổng các khoản phải thu là 324.358 tỷ đồng, tăng 4% so với thực hiện năm 2017. Trong đó, nợ phải thu khó đòi là 12.277 tỷ đồng , tăng 2% so với thực hiện năm 2017, chiếm 2% tổng số nợ phải thu.
Báo cáo của Công ty mẹ, tổng các khoản phải thu là 388.965 tỷ đồng giảm 6% so với năm 2017. Trong đó, nợ phải thu khó đòi là 16.543 tỷ đồng, tăng 2,29 lần so với thực hiện năm 2017, chiếm 1% tổng số nợ phải thu.
Tỷ lệ các khoản phải thu/Tổng tài sản năm 2018 là 13% (số liệu báo cáo hợp nhất) và 20% (số liệu báo cáo Công ty mẹ).
TĐ Dầu khí Quốc gia Việt Nam nợ 114.769 tỷ đồng. Ảnh: Trần Quý |
Một số Công ty mẹ có tỷ lệ nợ phải thu/Tổng tài sản ở mức cao (trên 40%) như: Công ty mẹ - TCT Lương thực Miền Bắc (nợ phải thu là 5.486 tỷ đồng, chiếm 44%); Công ty mẹ - TCT Thái Sơn (nợ phải thu 2.041 tỷ đồng, bằng 62%); Công ty mẹ - TCT Truyền thông đa phương tiện (nợ phải thu 778 tỷ đồng, bằng 62%); Công ty mẹ - TCT Tài nguyên và Môi trường VN (nợ phải thu 218 tỷ đồng, chiếm 50%).
Một số Công ty mẹ có giá trị tuyệt đối của chỉ tiêu nợ phải thu khó đòi năm 2018 tăng cao so với năm 2017 như: Công ty mẹ - TĐ Hóa chất VN 10.082 tỷ đồng (năm 2017 là 695 tỷ đồng); Công ty mẹ - TCT Thương mại Sài Gòn 321 tỷ đồng (năm 2017 là 250 tỷ đồng); Công ty mẹ - TCT Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị 240 tỷ đồng (năm 2017 là 147 tỷ đồng); Công ty mẹ - TCT 789 là 31 tỷ đồng (năm 2017 là 7 tỷ đồng).
Báo cáo hợp nhất của các TĐ,TCT có tổng số hàng tồn kho là 146.811 tỷ đồng, giảm 3% so với năm 2017, chiếm 6%/Tổng tài sản (Công ty mẹ là 49.508 tỷ đồng, giảm 12% so với năm 2017, chiếm 3%/Tổng tài sản). Trong đó, một số TĐ,TCT có giá trị hàng tồn kho lớn như: TĐ Dầu khí quốc gia VN (24.730 tỷ đồng); TĐ Viễn thông quân đội (19.907 tỷ đồng); TĐ Điện lực VN (17.175 tỷ đồng); TĐ Than Khoáng sản Việt Nam (12.345 tỷ đồng); TĐ Hóa chất VN (9.680 tỷ đồng); TCT Thuốc lá (9.290 tỷ đồng); TCT Đầu tư phát triển nhà và đô thị (7.783 tỷ đồng)...
Theo báo cáo hợp nhất của các TĐ,TCT có tổng số nợ phải trả là 1.454.668 tỷ đồng, mặc dù giảm 1% so với thực hiện năm 2017, nhưng vẫn chiếm 54% tổng nguồn vốn của các TĐ, TCT. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu bình quân năm 2018 là 1,13 lần (Công ty mẹ là 1,20 lần); có 17 Công ty mẹ có tỷ lệ Nợ phải trả/Vốn chủ sở hữu lớn hơn 3 lần).
Trong đó: Nợ vay (vay ngắn hạn và dài hạn) từ các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng trong nước (NHTM & TCTD) của các TĐ, TCT là 374.025 tỷ đồng, giảm 9% so với thực hiện năm 2017. Một số TĐ, TCT có số nợ vay từ các NHTM & TCTD tương đối lớn như: TĐ Điện lực VN (95.933 tỷ đồng); TĐ Dầu khí QGVN (114.769 tỷ đồng); TĐ CN Than - Khoáng sản VN (42.961 tỷ đồng); TĐ Viễn thông quân đội (28.658 tỷ đồng); TĐ Hóa chất VN (27.467 tỷ đồng); TCT CN Xi măng VN (11.056 tỷ đồng)...
Theo Trần Quý/Thanh tra