Hà Nội, Thứ Bảy Ngày 20/04/2024

Âm thầm “móc túi” khách hàng mỗi chuyến đi và số tiền cả tỷ đồng vào túi Grab

DTVN 11:03 07/10/2020

Grab không thừa nhận mình là doanh nghiệp kinh doanh vận tải để thu phí nền tảng 2.000 đồng của khách hàng là vô lý.

Grab phụ thu của khách hàng 2.000 đồng tiền sử dụng dịch vụ trên mỗi chuyến đi

Từ đầu năm đến nay, ngoài giá cước tính theo số km di chuyển, khách hàng dùng các ứng dụng trên thị trường gọi xe công nghệ phải trả thêm phí sử dụng nền tảng 2.000 đồng cho mỗi chuyến đi. Với hàng trăm nghìn chuyến xe mỗi ngày thì đây là số tiền khổng lồ, cả tỷ đồng. Điều đáng nói là khách hàng không hề được biết về việc này và số tiền cứ thế chảy thẳng vào túi các hãng xe.

Mức phí nền tảng được các ứng dụng gọi xe là Grab, be tính trực tiếp vào tổng số tiền khách hàng phải trả cho mỗi chuyến xe. Sau nhiều tháng các ứng dụng gọi xe công nghệ thu loại phí này nhưng nhiều khách hàng không hề biết.

Chị T.H, nhân Công ty FPT Telecom cho biết, hàng ngày, GrabCar là phương tiện đi làm chính của chị. Trung bình một tháng cả đi làm và đi chơi chị sẽ đi khoảng 40 - 50 chuyến. Tuy nhiên, trong các chuyến đi, chị thường không để ý đến cơ cấu giá thành mà chỉ quan tâm đến mức giá trong các khung giờ cao điểm, thấp điểm và ngày mưa.

“Việc Grab phụ thu của khách hàng 2.000 đồng tiền sử dụng dịch vụ trên mỗi chuyến đi không chỉ vô lý mà còn thể hiện sự thiếu minh bạch, lợi dụng lòng tin và sự chủ quan của khách hàng để thu tiền. Thay vì cách làm mập mờ hiện tại, Grab cần phải minh bạch hóa thông tin giống như một số ứng dụng gọi đồ ăn như: Thu dịch vụ gì, thu bao nhiêu để hành khách có thể xem xét mức thu đó có hợp lý hay không và có sử dụng dịch vụ hay không”, chị H. nói sau khi biết mình phải trả thêm phí sử dụng.

Là một khách hàng thân quen của Grab khi sử dụng tới khoảng 50 chuyến xe GrabBike mỗi tháng cho việc đi lại, tuy nhiên, khi nghe PV đề cập việc thu phí nền tảng, chị Hồ Anh Vân, giáo viên tại một trung tâm trên địa bàn Hà Nội tỏ ra khá bất ngờ và bức xúc.

Theo chị Vân, thực tế, chị đã từng tra cơ cấu giá cước chuyến đi trên ứng dụng Grab. Tuy nhiên, thông tin Grab đưa tới cho người dùng chỉ là một số yếu tố chung chung như: Giá cước 2km đầu, sau 2km đầu tiên, phụ thu khi thay đổi lộ trình, phụ phí theo khung giờ tại Hà Nội và các tỉnh thành... chứ không hề có khoản phí nền tảng.

“Đây là sự mập mờ Grab cần phải giải thích với khách hàng. Thực tế, hiện tại, trên thị trường xe công nghệ, Grab luôn thu giá cước cao hơn 10 - 20% so với các hãng khác, chưa kể việc tăng phí cao ngất ngưởng vào khung giờ cao điểm, đặc biệt là những ngày thời tiết mưa gió. Mỗi chuyến đi phụ phí 2.000 đồng có thể không đáng là bao so với người đi ít, song với hàng trăm nghìn người sử dụng hàng ngày, Grab đã nghiễm nhiên thu về khoản phí quá lớn”, chị Vân nói và cho rằng, với những khách hàng đi số lượng chuyến lớn trong tháng, đây còn là sự thiệt thòi khi mất thêm hàng trăm nghìn đồng/tháng (tương đương số tiền cho 2 - 3 chuyến đi).

Đồng quan điểm, theo anh Đ.H, giáo viên Trường TH School (Hà Nội), chính sách thu phí nền tảng thiếu minh bạch của Grab không chỉ thể hiện sự thiếu tôn trọng khách hàng mà còn truất quyền lựa chọn của người sử dụng bởi trên thị trường hiện tại, có những ứng dụng, dịch vụ còn tốt hơn nhiều Grab. “Trong bối cảnh các chính sách khuyến mại của Grab ngày càng ít, việc thu phí nền tảng nếu được công khai tôi tin rằng nhiều khách hàng sẽ từ bỏ ứng dụng này”, anh Đ.H nói.

Grab thu phí của khách hàng là vô lý

Grab luôn phủ nhận mình quyết định giá cước, vậy trong mối quan hệ Grab và khách hàng thì ai là người quyết định giá cước?

Nếu Grab không quyết định giá cước thì phải là bên vận tải quyết định giá cước cho quãng đường di chuyển. Thực tế, hợp tác xã vận tải chỉ là bình phong, không điều hành lái xe, không quyết định giá cước, chỉ có mỗi một việc là bán phù hiệu.

Grab không đơn thuần là đơn vị cung ứng phần mềm, bởi nếu chỉ đơn thuần cung cấp phần mềm thì Grab chỉ bán phần mềm cho bên vận tải là xong, không được quyết định giá cước, không được điều hành lái xe.

Toàn bộ quá trình vận tải từ quyết định giá cước, đến điều hành tài xế đều do Grab thực hiện thông qua phần mềm của Grab.

Khi hành khách đặt trên App (ứng dụng) của Grab đã hiển thị số tiền cho quãng đường và thời gian di chuyển. Khách hàng trả số tiền được hiển thị trên ứng dụng của Grab chứ không phải thương lượng với tài xế.

App của Grab hiển thị từ vị trí A đến vị trí B hết bao nhiêu tiền và nhiệm vụ của lái xe là thu tiền hoặc khách hàng thanh toán bằng thẻ qua ứng dụng của Grab. Giá cước giờ cao điểm hay thấp điểm đều do Grab quyết định, thậm chí khách hàng hủy chuyến cũng bị Grab trừ tiền.

Dịch vụ vận tải gồm nhiều công đoạn như tìm kiếm khách hàng, kết nối giữa khách hàng với người làm vận tải, định giá vận tải, thỏa thuận, vận chuyển, thanh toán.

Các ứng dụng gọi xe chỉ mua công đoạn vận chuyển, còn việc công bố dịch vụ, tên sản phẩm, điều hành sản phẩm, đến thỏa thuận, thanh toán đều do họ thực hiện.

“Giấy trắng mực đen” đã rõ ràng, không cần tranh cãi. Không phải ngẫu nhiên TAND TP HCM đã phán quyết Grab đang điều hành lái xe, quyết định giá cước vận tải.

Khách hàng mua dịch vụ là mua dưới thương hiệu của Grab và các ứng dụng gọi xe chứ không phải là của bên vận tải. Các nền tảng kết nối như Grab, be, Goviet... đang điều hành và định giá cước vận tải đúng theo định nghĩa tại Nghị định 10. Vì vậy, Grab không thừa nhận mình là DN kinh doanh vận tải để thu phí nền tảng 2.000 đồng của khách hàng là vô lý.

Mộc Diệp(T/H)/ Sở hữu trí tuệ

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/am-tham-moc-tui-khach-hang-moi-chuyen-di-va-so-tien-ca-ty-dong-vao-tui-grab-d83415.html

Bạn đang đọc bài viết Âm thầm “móc túi” khách hàng mỗi chuyến đi và số tiền cả tỷ đồng vào túi Grab tại chuyên mục Kinh doanh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Kinh doanh