beGroup giữ vị trí thứ 2 về thị phần gọi xe công nghệ tại Việt Nam
Thông tin về việc sáp nhập của hai thương hiệu gọi xe lớn của Đông Nam Á là Gojek và Grab là vấn đề được quan tâm từ đầu năm 2020. Diễn biến mới nhất, các cuộc đàm phán về việc sát nhập đã đạt được những kết quả quan trọng, nguồn tin từ DealStreetAsia cho hay. Trong đó, Softbank (nhà đầu tư lớn tại Grab) và các nhà đầu tư khác của hai bên đang tích cực thúc đẩy hoàn tất thương vụ này.
Vô hình chung, điều này theo dự báo sẽ tạo nên một áp lực vô cùng lớn cho các đơn vị còn lại, đơn cử beGroup. Trong thông báo mới nhất, đại diện BeGroup chính thức lên tiếng về vấn đề này. Bà Nguyễn Hoàng Phương, CEO beGroup tin rằng khả năng sáp nhập là điều hoàn toàn có thể với bất kỳ doanh nghiệp nào nếu sự sáp nhập giúp cho các bên có thể tận dụng ưu thế của nhau.
"Tuy nhiên, nếu lý do sáp nhập không xuất phát từ khách hàng, cộng đồng tài xế và nhân viên thì nó sẽ không tạo ra nhiều giá trị tích cực cho thị trường. Điều đó cho chúng ta thấy rằng một số các ứng dụng có nguồn gốc nước ngoài đến Việt Nam để khai thác, tìm kiếm lợi nhuận tối đa và khi quyền lợi của nhà đầu tư bị ảnh hưởng, họ sẵn sàng từ bỏ thương hiệu, giá trị của mình để sáp nhập và "tận thu" nhiều hơn nữa", vị này nói.
Lấy thêm minh chứng cho sự tự tin lúc này, beGroup cho biết khi Grab mua Uber tại Việt Nam nhưng thị trường vẫn đủ lớn cho công ty tham gia và phát triển ổn định. Như vậy, lần sáp nhập của Grab và GoJek cũng sẽ không thể làm thay đổi quy luật cạnh tranh vốn có của thị trường.
"Các nhà đầu tư dù bàn tính việc chia sẻ lợi ích, thị phần nhưng khách hàng mới là người quyết định họ bỏ tiền vào đâu, tin tưởng thương hiệu nào. Cạnh tranh là động lực để các công ty cung cấp dịch vụ ngày càng hoàn thiện bản thân và mang lại nhiều giá trị cho khách hàng hơn. Nếu mất đi cạnh tranh sẽ mất đi giá trị dịch vụ và cuối cùng, tài xế và khách hàng lại là những người chịu thiệt thòi nhất trong toàn bộ câu chuyện này, một khi sự độc quyền lên ngôi và quyết định tất cả", bà Phương nhấn mạnh.
Liên quan đến câu hỏi liệu có vi phạm luật cạnh tranh, beGroup không đưa ra bình luận, vì đó là quyết định của các doanh nghiệp tham gia và họ sẽ phải tuân theo quy định hiện hành của pháp luật nước sở tại.
Về beGroup, đây là công ty vận tải công nghệ ra đời từ tháng 12/2018 tại Việt Nam. Đến nay, ứng dụng "be" đã phát triển dịch vụ beBike (dịch vụ đặt xe 2 bánh), beCar (dịch vụ đặt xe 4 bánh), be Taxi (dịch vụ đặt xe Taxi)…
Theo thống kê từ beGroup, ứng dụng gọi xe "be" đã được tải xuống hơn 8 triệu thiết bị di động với hơn 100.000 tài xế, khoảng 350.000 chuyến xe được yêu cầu mỗi ngày và đã hoàn thành hơn 80 triệu chuyến xe beBike và beCar kể từ khi bắt đầu chính thức triển khai dịch vụ. Tính đến nay, ứng dụng gọi xe "be" đã có mặt tại 10 tỉnh. Theo báo cáo từ Công ty nghiên cứu thị trường ABI Research tại Việt Nam (công bố tháng 9/2019), beGroup giữ vị trí thứ 2 về thị phần gọi xe công nghệ tại Việt Nam.
Hai vấn đề mấu chốt khiến be vật lộn
"2 năm vừa qua chúng tôi rất vất vả cạnh tranh với đối tác nước ngoài", cựu CEO Trần Thanh Hải lần đầu lên tiếng sau khi rời beGroup. Ông Hải rời doanh nghiệp gọi xe mình sáng lập vào ngày 24/12 năm ngoái.
"Thị trường đón nhận nhiệt liệt. Năm nay bọn tôi có bỏ ra 1.000 - 2.000 tỷ đồng, họ sẽ "vứt" vào thị trường 3.000 tỷ. Lúc ấy cạnh tranh cực kỳ khốc liệt, cực kỳ khó khăn. Tôi không ủng hộ bảo hộ, cái quan trọng chúng ta đề cập tới là sân chơi công bằng, nhưng thế nào là công bằng? Không thể nói thị trường công bằng khi một ông cầm 1 tỷ USD vào thị trường, tổng các ông trong nước cầm 500 triệu USD"
"Làm be, tôi luôn nói trong suốt 2 năm qua: Tài xế là người Việt, xe là của người Việt, đường sá đi lại là đất Việt, xăng đổ là của người Việt, tiền trả bằng Việt Nam đồng, tại sao chúng ta lại bị phụ thuộc vào "tay chơi" nước ngoài?", ông Hải chia sẻ tại tọa đàm chính sách "Ứng dụng Kinh tế Nền tảng Số tăng sức cạnh tranh cho Việt Nam" do do UPGen phối hợp với Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức.
"Khi tiềm lực tài chính không phải yếu tố phù hợp để cạnh tranh, chúng ta buộc phải sử dụng nhiều yếu tố khác, từ sáng tạo, công nghệ đến các yếu tố "local" - đặc điểm của thị trường địa phương - nơi mà theo chúng tôi, Nhà nước đóng vai trò rất quan trọng trong việc tạo ra một sân chơi công bằng"
"Một sân chơi công bằng không có nghĩa tất tần tật mọi thứ giống nhau, khi một công ty nước ngoài có thể bỏ vào thị trường một vài tỷ USD thì doanh nghiệp Việt khó có thể cạnh tranh bằng tiền. Vì vậy, vai trò của Chính phủ rất quan trọng trong việc tạo cơ chế, khung pháp lý… để làm sao các doanh nghiệp cạnh tranh bằng việc tạo ra giá trị tương lai thay vì dùng tiền của hiện tại để cạnh tranh", ông Nam nhấn mạnh.
Câu chuyện công bằng được ông Nam thuật lại lời ví von của ông Hải: Có 2 anh chơi trò leo lên tầng 2 bằng thang. Một người dùng thang leo lên trước, sau đó đưa ra luật chơi gọi là "công bằng" với tất cả là từ giờ mọi người sẽ leo lên mà không dùng thang.
Mộc Diêp(T/H)/ Sở hữu trí tuệ