Với khối tài sản này, Jeff Bezos đã bỏ xa các tỷ phú đồng nghiệp trở thành người giàu nhất thế giới với khối tài sản 207 tỷ USD, theo Bloomberg Billionaires Index.
Ít ai biết, khi thành lập Amazon khởi đầu từ một cửa hàng bán sách trực tuyến, Jeff Bezos – người giàu nhất thế giới hiện nay - cho rằng công ty này chỉ có 30% cơ hội thành công.
"Tôi đã nghĩ rằng chỉ có 30% khả năng gây dựng công ty thành công mà thôi", Bezos cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên KING-TV năm 2000. "Tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ tạo ra một Amazon như ngày nay. Tôi là người ngạc nhiên nhất thế giới ấy chứ".
Bezos thậm chí từng nói với cha mẹ - những người đã đầu tư 245.000 USD vào công ty của con trai năm 1995 - rằng "khả năng cao là họ sẽ mất sạch số tiền này", ông cho biết trong một cuộc phỏng vấn khác trên Tạp chí Evening.
Nhà sáng lập và Giám đốc điều hành Amazon - Jeff Bezos |
Dù cha mẹ Bezos hỗ trợ tài chính cho con trai, nhưng họ không khỏi lo lắng về quyết định của ông. Cha Bezos - ông Mike Bezos kể lại rằng vợ ông - bà Jacklyn từng khuyên tỷ phú "Đừng bỏ việc" và hỏi "Liệu con có thể làm việc này cả buổi đêm và cuối tuần không?"
"Những gì xảy ra trong 25 năm qua ở Amazon nằm ngoài kỳ vọng của tôi", Bezos chia sẻ trong một sự kiện tại Ấn Độ hồi tháng 1. "Đúng là tôi muốn gây dựng một công ty, nhưng không phải công ty như các bạn thấy hôm nay".
Khi nhìn lại thành công của mình với Amazon, Bezos từng nói rằng “những quyết định tốt nhất” của ông đều được thực hiện theo cùng một cách.
“Tất cả những quyết định tốt nhất của tôi trong kinh doanh và trong cuộc sống đều được đưa ra bằng trái tim, trực giác và sự gan dạ - chứ không phải bằng phân tích,” Bezos nói trong một cuộc phỏng vấn tại Câu lạc bộ Kinh tế Washington DC vào năm 2018.
“Khi bạn có thể đưa ra quyết định với sự phân tích, bạn nên làm như vậy, nhưng hóa ra trong cuộc sống, những quyết định quan trọng nhất lại luôn được thực hiện bằng bản năng, trực giác, vị giác và trái tim. Nếu không có trực giác, Amazon sẽ bỏ lỡ “những khám phá vượt trội” dẫn đến thành công như ngày hôm nay", Bezos viết trong lá thư gửi cổ đông năm 2018.
Vào những năm 1980, Bezos là sinh viên chuyên ngành vật lý tại Đại học Princeton. Là một trong 25 sinh viên đứng đầu nhưng Bezos khi đó tin rằng bản thân không đủ thông minh để cạnh tranh với những người khác. Vì thế, ông quyết định đổi chuyên ngành sang kỹ thuật điện và khoa học máy tính, theo Wired. Và chính quyết định đó là bước ngoặt đưa ông đến với ý tưởng khởi nghiệp cùng Amazon.
"Trong hầu hết ngành nghề, nếu bạn nằm trong ngưỡng phần trăm thứ 90 (tức là bạn tốt hơn 90% người cùng chuyên môn), bạn sẽ có ích. Còn trong ngành vật lý lý thuyết, bạn phải là một trong 50 người giỏi nhất thế giới, nếu không bạn gần như vô dụng", Bezos chia sẻ.
CEO của Amazon tốt nghiệp Đại học Princeton vào năm 1986, chuyên ngành kỹ thuật điện và khoa học máy tính.
Thành lập Amazon là một ván bài với Bezos. Năm 1994, ông quyết định từ bỏ công việc ổn định tại một quỹ đầu tư ở thành phố New York, khi biết được rằng internet khi đó tăng trưởng 2.300%/năm, một con số đáng kinh ngạc.
Điều này thúc đẩy ông ra mắt ý tưởng về website bán sách trực tuyến Amazon vào năm 1995. Đến nay, cửa hàng trực tuyến ấy đang bán đủ thứ và có vốn hóa khoảng 1.700 tỷ USD.
Amazon đã vượt qua đại dịch như thế nào?
Amazon là một trong không nhiều doanh nghiệp vượt qua được nghịch cảnh do Covid-19 gây ra trên toàn cầu.
Hồi cuối tháng 4/2020, Jeff Bezos từng nhận định: “Đây là quãng thời gian khó khăn nhất mà chúng tôi từng phải đối mặt”.
Có lẽ không riêng Jeff Bezos, mọi doanh nhân trên toàn cầu đều có trải nghiệm không lấy làm dễ chịu khi đại dịch phủ bóng đen lên nền kinh tế, tác động làm thay đổi đột ngột nhu cầu, thói quen… của khách hàng, khiến hàng loạt chiến lược, mục tiêu phải thay đổi để “sống sót”.
Đội ngũ lãnh đạo của Amazon đã sớm nhìn nhận đại dịch Covid-19 chính là sự kiện tạo đứt gãy mang tính lịch sử. Jeff Bezos, vốn đang tập trung cho việc phát triển một doanh nghiệp khác là Blue Origin, ngay lập tức quay trở lại tham gia các hoạt động thường nhật của Amazon, gặp gỡ hàng ngày với đội ngũ quản lý cao cấp.
Trong thời gian ngắn, nhu cầu đối với các dịch vụ thương mại điện tử của Amazon tăng vọt do người dân phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Do đó, Amazon cần nhanh chóng “uống thuốc tăng lực” nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu của khách hàng. Để làm được điều này, Công ty quyết định thuê thêm 175.000 nhân viên.
Chủ trương tăng cường sản xuất đã thúc đẩy doanh thu quý II/2020 của Amazon tăng 40% so với cùng kỳ năm 2019, lên 88,9 tỷ USD, sau khi tăng 26% trong quý I/2020.
Tuy nhiên, đi kèm với doanh thu vượt trội là các khoản chi phí gia tăng. Theo đó, riêng chi phí liên quan đến kiểm soát dịch Covid-19 dự kiến trong quý III là hơn 2 tỷ USD, chi phí vận chuyển hàng hóa trên toàn cầu chứng kiến mức tăng 68%, lên 13,7 tỷ USD trong quý II. Tính đến cuối quý II, lực lượng nhân sự tại Amazon tăng 34%, lên 876.800 nhân viên toàn thời gian và bán thời gian.
Tất nhiên, những kết quả vượt trội luôn đi kèm với nhiều khó khăn phải vượt qua. Amazon phải giải quyết nhiều vấn đề: từ việc hàng ngàn người bán hàng tăng giá sản phẩm trên nền tảng thương mại điện tử này, cho tới công nhân biểu tình phản đối môi trường làm việc có nhiều rủi ro với dịch bệnh.
Trong quý II, "gã khổng lồ" thương mại trực tuyến Mỹ đã chi hơn 4 tỷ USD để làm sạch các cơ sở kho vận, tuyển thêm nhân lực, đề nghị tăng lương tạm thời, tiến hành xét nghiệm Covid-19 cho nhân viên… Những chi phí này được xem là cái giá hợp lý phải trả để đảm bảo hoạt động của doanh nghiệp được thông suốt.
Bên cạnh việc củng cố hoạt động thường nhật, Amazon cũng nhanh chóng cập nhật những giải pháp cần thiết trong thời dịch. Alexa, ứng dụng trợ lý thông minh của hãng hiện có thể trả lời tới hàng nghìn câu hỏi liên quan tới Covid-19. Thậm chí, Công ty đã đăng ký sở hữu trí tuệ với công nghệ cho phép Alexa nhận ra tiếng ho!
Cùng lúc, Bezos quyết định đầu tư mạnh tay hơn vào cuộc đua công nghệ tự động hoá: xây dựng chuỗi đóng gói hàng hoá - vận chuyển tự động với công nghệ xe tự lái, robot nhỏ, drone…
Bằng cách nào Amazon thích ứng nhanh tới vậy với đại dịch, khi bộ máy khá cồng kềnh? Theo giới chuyên gia, một trong những sức mạnh lớn nhất của Công ty chính là mô hình hoạt động “liên bang” trong 1 quốc gia thống nhất. Mỗi khu vực hoạt động có một người lãnh đạo riêng am hiểu tình hình. Toàn bộ hoạt động diễn ra thông suốt tại các thành phố theo quy chuẩn địa phương. Trong khi đó, Bezos đóng vai trò vị thủ lĩnh liên bang, đưa ra những quyết định quan trọng nhất. Tuy nhiên, đội ngũ lãnh đạo tinh nhuệ của ông có không gian để đưa ra quyết định nhanh chóng, tiến hành đầu tư, theo đuổi các sáng kiến mới thay vì chỉ lo bộ máy chạy thường nhật.
Hà Linh (T/H)/SHTT