Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

Thua lỗ, nợ nần chồng chất, số phận của Bệnh viện GTVT sẽ đi về đâu?

DTVN 16:04 08/09/2020

Tổng doanh thu 6 tháng đầu năm 2020 của Cty CP Bệnh viện GTVT chỉ đạt 70,8 tỷ đồng, bằng 73% so với cùng kỳ năm 2019 và ghi nhận khoản lỗ lũy kế tính đến 30/6/2020 lên tới 134,7 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh của Công ty cổ phần Bệnh viện GTVT – cơ sở khám chữa bệnh duy nhất trên phạm vi cả nước được thí điểm CPH tiếp tục diễn biến rất xấu nếu chiếu theo Báo cáo giám sát tài chính 6 tháng đầu năm 2020 vừa được gửi tới Bộ GTVT.

Do năm 2020, Công ty cổ phần Bệnh viện GTVT không tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên nên không ban hành các chỉ tiêu kinh doanh năm 2020 nên việc so sánh phải đối chứng với kết quả kinh doanh năm 2019.

Cụ thể, tổng doanh thu 6 tháng đầu năm 2020 của Công ty cổ phần Bệnh viện GTVT chỉ đạt 70,8 tỷ đồng, bằng 73% so với cùng kỳ năm 2019, trong khi phải gánh khoản chi phí lên tới 87,8 tỷ đồng.

Với kết quả kinh doanh nói trên, Công ty cổ phần Bệnh viện GTVT ghi nhận khoản lỗ lũy kế tính đến 30/6/2020 lên tới 134,7 tỷ đồng, làm giảm vốn chủ sở hữu xuống còn 269,4 tỷ đồng.

Ban lãnh đạo Công ty cổ phần Bệnh viện GTVT cho biết, tính đến 30/6/2020, công nợ phải thu ngắn hạn của bệnh viện là 96,7 tỷ đồng, trong đó phải thu từ cơ quan Bảo hiểm xã hội TP. Hà Nội là 96,34 tỷ đồng; công nợ phải trả ngắn hạn là 73,746 tỷ đồng.

Với tình hình công nợ phải thu, phải trả như trên, Công ty cổ phần Bệnh viện GTVT đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc chi trả cho người lao động các khoản như: lương, phụ cấp phẫu thủ thuật, phụ cấp trực, phụ cấp độc hại... đúng định kỳ.

Nợ phải trả Bảo hiểm xã hội Đống Đa tiền BHXH, BHYT của Bệnh viện GTVT lên tới 4,688 tỷ đồng đã ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động khi nghỉ hưu trí do không chốt được sổ BHXN. Cũng do không thanh toán đúng hạn nên nhiều nhà cung cấp đã dừng cung ứng thuốc, hóa chất, vật tư cho Bệnh viện GTVT.

Từ cuối năm 2018 đến nay, HĐQT Công ty cổ phần Bệnh viện GTVT tê liệt sau khi nhóm cổ đông chiến lược là Tập đoàn T&T xin từ nhiệm nhưng không được bổ sung kịp thời.

Vào đầu tháng 8/2020, Tập đoàn T&T tiếp tục gửi đơn kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ đề nghị được hoàn lại tiền mua cổ phần Công ty cổ phần Bệnh viện GTVT.

Tổng doanh thu 6 tháng đầu năm 2020 của Công ty cổ phần Bệnh viện GTVT chỉ đạt 70,8 tỷ đồng.

Cuộc “hôn phối” chóng vánh với Tập đoàn T&T

Bệnh viện Giao thông vận tải Trung ương là bệnh viện công lập đầu tiên được thí điểm cổ phần hóa theo chỉ đạo của Chính phủ.

Theo phương án cổ phần hóa đã được phê duyệt, Nhà nước sẽ nắm giữ 30% vốn điều lệ tương ứng 5,04 triệu cổ phần; 10,52% vốn điều lệ sẽ bán ưu đãi cho người lao động; 29,48% vốn điều lệ tương ứng 4,952 triệu cổ phần sẽ được bán đấu giá công khai ra công chúng.

Với mong muốn trở thành cổ đông chi phối, Công ty cổ phần Tập đoàn T&T đã tham gia đấu giá công khai mua 4,952 triệu cổ phần, tương ứng 29,48% vốn điều lệ Công ty cổ phần Bệnh viện GTVT vào cuối tháng 10/2015.

Theo tờ Dân Việt, tới cuối năm 2018, Tập đoàn T&T của Bầu Hiển vẫn đang nắm 51,43% vốn điều lệ Bệnh viện, 30% cổ phần do Nhà nước nắm giữ; phần còn lại được nắm giữ bởi một số cổ đông nhỏ lẻ và cán bộ công nhân viên.

Từng được đánh giá là cuộc “hôn phối” rất đẹp, song từ tháng 4/2018 cuộc “hôn nhân” này bắt đầu rơi vào bất ổn khi T&T phát văn bản đề nghị Bộ trưởng các bộ GTVT, Tài chính, Y tế cho phép nhà đầu tư này thoái toàn bộ vốn đầu tư và không tham gia vào HĐQT, Ban Kiểm soát trong tư cách là cổ đông chiến lược tại Công ty CP Bệnh viện GTVT.

Quyết định số 1129/QĐ-TTg ngày 21/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Phương án thí điểm cổ phần hóa Bệnh viện GTVT Trung ương đã nêu rõ: “Vốn điều lệ sẽ được điều chỉnh tăng phần vốn nhà nước tương ứng giá trị quyết toán Dự án ODA tòa nhà Bệnh viện, đồng thời, sẽ tiếp tục bán phần vốn nhà nước để duy trì tỷ lệ vốn điều lệ mà Nhà nước nắm giữ tại Công ty cổ phần Bệnh viện GTVT là 30%”.

Tuy nhiên, tại Công văn số 157/TB-VPCP ngày 3/5/2018 của Văn phòng Chính phủ quyết định về việc Bộ GTVT ngừng thoái vốn và giữ nguyên tỷ lệ sở hữu sau khi tăng vốn điều lệ tương ứng giá trị quyết toán dự án ODA tòa nhà Bệnh viện, dẫn đến Nhà nước sẽ nắm giữ trên 71% vốn điều lệ thay vì 30% như tại Quyết định 1129/QĐ-TTg cũng như thông tin cáo bạch đã công bố cho nhà đầu tư khi chào bán cổ phần phổ thông trên sàn giao dịch chứng khoán đã đưa ra trước đó.

Như vậy, tỷ lệ nắm giữ của nhóm cổ đông chiến lược là Tập đoàn T&T sau khi Bệnh viện Giao thông Vận tải tăng vốn điều lệ sẽ giảm xuống 28,88%. Với tỷ lệ sở hữu này, nhà đầu tư chiến lược không có quyền phủ quyết và tiếng nói không có nhiều trọng lượng trong điều hành Công ty. Đây được cho là nguyên nhân chính khiến T&T quyết định sẽ thoái vốn.

Liên quan đến vấn đề này, bầu Hiển từng cho biết: "Mong muốn cao nhất của chúng tôi là đầu tư xứng tầm, để tạo ra một cơ sở khám chữa bệnh chất lượng quốc tế, phần nào tạo thuận lợi cho người bệnh có thể điều trị ngay trong nước, không phải vất vả, tốn kém khi ra nước ngoài.

Vậy nhưng, với chủ trương không giảm vốn nhà nước tại Bệnh viện GTVT thì cơ cấu cổ đông của Bệnh viện là hơn 70% vốn nhà nước, gần 30% vốn của nhà đầu tư chiến lược, sẽ rất khó cho chúng tôi trong việc tham gia đầu tư thêm, tham gia quản trị Bệnh viện.

Tôi từng có niềm tin mãnh liệt là khi mọi khó khăn đã được tháo gỡ, có cơ chế phân cấp, phân quyền, cơ chế thu nhập, cơ chế chuyên môn làm rõ, chắc chắn Bệnh viện sẽ thành công, nhưng cơ cấu sở hữu 70:30 không cho phép thực hiện được những điều đó.

Cũng sẽ rất khó cho Bệnh viện vì việc cổ phần hóa như vậy đồng nghĩa với mỗi năm Bệnh viện sẽ bị cắt hàng chục tỷ đồng kinh phí hỗ trợ hoạt động. Bởi vậy, dù rất trăn trở nhưng chúng tôi đã phải quyết định đề xuất với Chính phủ cho thoái vốn tại đây".

Cuộc “ly hôn” này đã khiến Bệnh viện GTVT gặp rất nhiều khó khăn khi rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Trong trường hợp Nhà nước chấp thuận mua lại lô cổ phần T&T, phần vốn nhà nước tại Bệnh viện GTVT sẽ lên tới gần 95%. Số cổ phần còn lại chủ yếu được nắm giữ bởi cán bộ, công nhân viên và công đoàn Bệnh viện GTVT.

Mặc dù cổ đông Nhà nước nắm quyền chi phối tuyệt đối, nhưng do vẫn còn hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, Bệnh viện GTVT vẫn sẽ không thể tiếp cận được gói hỗ trợ 25 tỷ đồng/năm từng nhận được từ ngân sách nhà nước trong vai trò là cơ sở y tế công lập.

“Giải pháp tốt nhất là Nhà nước mua lại toàn bộ cổ phần đã bán để tái công lập Bệnh viện GTVT, giúp ổn định hoạt động của một trong những cơ sở khám chữa bệnh uy tín tại Thủ đô”, một lãnh đạo Cục Y tế GTVT (Bộ GTVT) cho biết.

Hà Linh (T/H)/Sở hữu trí tuệ

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/thua-lo-no-nan-chong-chat-so-phan-cua-benh-vien-gtvt-se-di-ve-dau-d82081.html

Bạn đang đọc bài viết Thua lỗ, nợ nần chồng chất, số phận của Bệnh viện GTVT sẽ đi về đâu? tại chuyên mục Doanh nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Doanh nghiệp