Hà Nội, Thứ Bảy Ngày 20/04/2024

Xã Xuân Quế: Chủ hụi không có mặt ở địa phương, người dân ngồi trên đống lửa?

DTVN 09:07 22/09/2020

Trong những ngày này hàng chục hộ gia đình tham gia chơi hụi tại xã Xuân Quế, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai rơi vào cảnh hoang mang vì bổng dưng người “chủ hụi” bỏ đi khỏi địa phương.

Điều đáng nói, không ít người dân với mục đích chơi hụi như một hình thức “tích góp” tiền nhằm đến lúc “hốt hụi” giải quyết khó khăn cuộc sống, thì bây giờ lại chịu đựng cảnh...ngậm đắng nuốt cay!

"Tin nhau là chính"

Ngày 21/9/2020, khi biết phóng viên tìm về xã Xuân Quế (huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai) để tìm hiểu vụ nghi vấn “bể hụi” vừa xảy ra tại địa phương này, nhiều người dân kéo nhau đến chia sẻ nỗi cay đắng, mất mát của họ.

Nhiều người dân tham gia chơi hụi đứng ngồi không yên khi bị nghi vấn “bể hụi” tại xã Xuân Quế, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai (chụp ngày 21/9/2020).

Họ không tin rằng, sự việc xảy ra giữa những người thân quen, tin tưởng sống với nhau hàng chục năm qua ở địa phương này. Nhiều người dân là nạn nhân vụ nghi vấn “bể hụi” cho biết giữa họ và “chủ hụi” là bà Đỗ Thị Kim Dung (cùng ngụ tại xã Xuân Quế) đã thân quen, tin tưởng nhau từ nhiều năm nay.

Khi bà Kim Dung đặt vấn đề làm cái (chủ hụi) thì một số chị em phụ nữ tin tưởng và tham gia. Tất cả họ cùng tham gia chơi hụi như hình thức cùng góp vốn xoay chuyển bằng cách “hốt hụi” giữa các người chơi, nhằm có đồng tiền khi gia đình cần giải quyết khó khăn.

Cứ mỗi tháng, mỗi “dây hụi” là một nhóm người chơi góp tiền đều đặn cho bà Kim Dung. Có nhiều “dây hụi” do bà Dung làm “chủ hụi”. Theo quy định, mỗi “dây hụi” có nhiều người tham gia, cứu đến một ngày quy định hàng tháng là các người chơi “đóng hụi”. Đồng thời sẽ có một người nhận được tiền bằng cách “hốt hụi” trúng.

Bà Lê Thị Biên (ngụ tại xã Xuân Quế) cho biết từ tháng 11/2019 bà tham gia chơi 5 chân hụi (giá 1 triệu đồng/chân/tháng) do bà Kim Dung đứng ra làm “chủ hụi”. Cùng với thời điểm đó bà Biên chơi tiếp 5 chân hụi (giá 500 ngàn đồng/chân/tháng), và “chồng hụi” theo 3 chân. Như vậy, tính tổng số tiền thiệt hại của bà Biên cho đến thời điểm bà “chủ hụi” Kim Dung không có mặt tại địa phương là 193 triệu đồng.

Tương tự, bà Hồ Thị Kim Hoa (cùng ngụ tại xã Xuân Quế) cho biết tham gia “góp hụi” kiếm tiền lời phát sinh với bà Kim Dung, vừa tham gia chơi các chân hụi, “chồng theo” hụi với số tiền thiệt hại hơn 400 triệu đồng. Cùng bối cảnh cay đắng như bà Kim Hoa, bà Nguyễn Thị Thu Hồng cho biết tham gia chơi các “chân hụi” giá 1 triệu đồng/tháng, và 500 ngàn đồng/tháng với tổng số tiền thiệt hại hơn 250 triệu đồng.

“Khi bà Kim Dung không có mặt tại địa phương, tôi đã lên tận nhà của bà Dung. Tôi yêu cầu gia đình bà Kim Dung chỉ trả cho tôi 100 triệu đồng, còn lại 150 triệu đồng tôi bỏ qua, nhưng gia đình bà Kim Dung cũng không thực hiện”, bà Nguyễn Thị Thu Hồng bức xúc tâm sự.

Người thân của “chủ hụi” cũng bị vướng vào...

Điều đáng nói, bên cạnh những nạn nhân trong vụ “bể hụi” này, còn có cả những người quen thân và bà con họ hàng với bà “chủ hụi” Kim Dung. Cụ thể, bà Vũ Thị Tâm cho biết bà là chị dâu của bà “chủ hụi” Kim Dung. Bà Tâm nghẹn ngào kể: “Khi bà Kim Dung đặt vấn đề lo tiền xây nhà lập gia đình cho con của bà, tôi cho bà mượn nóng số tiền 150 triệu đồng. Vì tin nhau nên tôi và bà Kim Dung không hề viết giấy tờ vay mượn”.

Chưa xong, đến tháng 11/2019, bà Tâm chơi thêm 3 chân hụi (1 triệu đồng/tháng), 8 chân hụi (500 ngàn đồng/tháng). Qua năm 2020, bà Tâm còn chơi tiếp mấy chân hụi (500 đồng/tháng). Như vậy tổng thiệt hại của bà Tâm trong chơi hụi và cho mượn nóng đối với bà Kim Dung lên đến 282 triệu đồng.

Bà Vũ Thị Tâm (áo hồng) cay đắng khi bà là chị dâu của “chủ hụi” cũng bị thiệt hại hơn 280 triệu đồng giờ chưa biết phải kêu cứu vào đâu.

Nhưng điều chúng tôi ghi nhận, không chỉ những người chơi hụi bị thiệt hại tiền với bà Kim Dung trong vai trò “chủ hụi”. Chúng tôi còn ghi nhận thêm những trường hợp bị thiệt hại tiền với vai trò là “chủ hụi”, còn bà Kim Dung lại là người chơi hụi. Cụ thể Bà Hồ Thị Hương (ngụ tại xã Xuân Quế) với vai trò là người làm “chủ hụi” nhỏ, còn bà Kim Dung với vai trò là người tham gia chơi nên đã “hốt hụi”.

Tính đến thời điểm tháng 3/2020, bà Kim Dung đã “hốt hụi” rồi đi khỏi địa phương, gây thiệt hại cho bà Hương 180 triệu đồng. Bà Hương đưa cho chúng tôi xem đầy đủ các giấy tờ có chữ viết ghi nhận “hốt hụi” với số tiền cụ thể, cùng chữ lý của bà Kim Dung.

Còn trường hợp khác cũng có ghi nhận đầy đủ giấy tờ chơi hụi. Đó là bà Nguyễn Thị Văn (ngụ tại xã Xuân Quế, năm nay 81 tuổi) cho biết trước đó cũng cho bà Kim Dung tham gia chơi hụi, sau 3 lần bà Kim Dung “hốt hụi” gây thiệt hại cho bà Văn số tiền 140 triệu đồng.

Còn khá nhiều trường hợp người dân tham gia chơi hụi với bà Dung mà chúng tôi không thể nào ghi nhận hết được. Theo số liệu chúng tôi có được, hiện tại có hơn 30 trường hợp người dân đã tham gia chơi hụi (phần lớn) và góp hụi cho bà Kim Dung. Tính đến thời điểm bà Kim Dung không có mặt tại địa phương và người chơi không thể liên lạc được, với tổng số tiền thiệt hại của những người tham gia chơi hụi lên đến hơn 4 tỷ đồng.

Một số giấy ghi nhận nợ tiền của “chủ hụi” với người dân, số tiền hàng trăm triệu đồng.

Làm gì khi bị “giật hụi”?

Trao đổi về vấn đề chơi hụi, Luật sư Trần Minh Tuấn (Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai), cho biết: Nghị định 19/2019/NĐ-CP quy định rất chặt chẽ về vấn đề chơi hụi, nhằm hạn chế rủi ro, bảo vệ người chơi hụi và chủ hụi. Việc bồi thường thiệt hại (nếu có), khi có tranh chấp về hụi hoặc phát sinh từ hụi thì tranh chấp đó được giải quyết bằng thương lượng, hoà giải hoặc yêu cầu tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, người chơi hụi có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi cho “vay tiền” lãi nặng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, huy động vốn trái pháp luật. Về thủ tục khởi kiện đòi tiền hụi, sau khi thương lượng, hòa giải không thành, người chơi hụi có quyền khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền để đòi lại tiền do bị chủ hụi giật.

Về xử lý trách nhiệm hình sự, theo nhận định của Luật sư Tuấn, tranh chấp về hụi thông thường được giải quyết theo pháp luật về dân sự, tuy nhiên, trường hợp chủ hụi có hành vi, thủ đoạn gian dối, bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản thì có thể cấu thành tội phạm và bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Như vậy, hành vi giật tiền của chủ hụi hoàn toàn có thể phạm tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Trong trường hợp thỏa mãn các điều kiện cấu thành tội này, người chơi hụi có quyền làm Đơn tố cáo chủ hụi đến cơ quan công an để giải quyết.
Khi đủ yếu tố cấu thành tội phạm, chủ hụi có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc “phạt tù” từ 06 tháng đến 03 năm, thậm chí bị phạt tù nhiều hơn nếu có tình tiết tăng nặng hoặc giá trị tài sản quá lớn.

Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” (Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017) khi đáp ứng 02 điều kiện:

Thứ nhất, thực hiện một trong các hành vi sau: Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả; vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

Thứ hai, giá trị tài sản chiếm đoạt thuộc các trường hợp: Từ 4.000.000 đồng trở lên; Dưới 4.000.000 đồng nhưng có nhân thân xấu (từng phạm tội về tài sản, chưa được xóa án tích); Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.

Theo Sở hữu trí tuệ

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/xa-xuan-que-chu-hui-khong-co-mat-o-dia-phuong-nguoi-dan-ngoi-tren-dong-lua-d82789.html

Bạn đang đọc bài viết Xã Xuân Quế: Chủ hụi không có mặt ở địa phương, người dân ngồi trên đống lửa? tại chuyên mục Đời sống – Xã hội. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Đời sống – Xã hội