Tháng 3 năm 2016 Công an TP Hà Nội ra quyết định xử phạt hành chính 5 đối tượng trên địa bàn về hành vi “Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác khi họ không đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật” do các đối tượng này đã lập hàng loạt page facebook: “Né chốt 141 Hà Nội”, “Tránh chốt và né chốt 141” và “Tránh chốt 141” với mục đích cập nhật được thường xuyên chốt 141 làm nhiệm vụ
Ngày 7/3/2020, Công an tỉnh Thanh Hóa ra quyết định xử phạt hành chính đối với L.N.T. (SN 2001, trú tại thành phố Thanh Hóa) về hành vi “Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật” vì đã lập nhóm “Thông chốt, báo chốt TP.Thanh Hóa” với 17.404 thành viên tham gia.
..............................................................
Vậy, việc ban hành quyết định xử phạt này đúng sai thế nào?
Luật sư Hoàng Trọng Giáp chia sẻ với phóng viên xung quanh vấn đề này:
Xử phạt hành vi nêu trên đúng với tinh thần pháp luật vì đây là hành vi nguy hiểm cho xã hội. Bởi lẽ:
- Thứ nhất, việc cập nhật các chốt 141 làm nhiệm vụ sẽ giúp cho “quái xế” người tham gia giao thông có sử dụng rượu bia, không đội mũ bảo hiểm hoặc thường xuyên phóng nhanh vượt ẩu, lạng lách đánh võng “né chốt”, làm cản trở, tác động xấu đến hiệu quả công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm giao thông, đồng thời gây nguy hiểm cho những người tham gia giao thông khác.
- Thứ hai, hành vi này có thể để các đối tượng phạm pháp khác như tàng trữ, vận chuyển ma túy, vũ khí nguy hiểm, buôn lậu hoặc bắt cóc trẻ em… biết để né tránh sự kiểm tra, phát hiện, xử lý của lực lượng chức năng. Thực tế cho thấy, có nhiều vụ buôn lậu, vận chuyển ma túy được phát hiện bởi cảnh sát giao thông.
Tuy nhiên căn cứ pháp lý để xử phạt hành vi nêu trên được quy định tại điểm e khoản 3 Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP: "Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật". còn thiếu thuyết phục.
Chưa bị khiếu kiện nhưng sẽ còn nhiều tranh cãi.
--Luật sư Hoàng Trọng Giáp - Giám đốc công ty luật Hoàng Sa |
Luật sư Hoàng Trọng Giáp chia sẻ thêm:
- Thứ nhất không phải tài liệu mật!
Hành vi lập nhóm Zalo, lập Fanpage Face "thông chốt, né chốt" để thông tin tới mọi người từng địa điểm cụ thể chốt 141 làm việc, hay chốt kiểm tra nồng độ cồn ... hoàn toàn được lấy thông tin từ cổng thông tin của cơ quan Công an sở tại, những thông tin này được đăng tải công khai, ai cũng có thể tiếp cận được. Hành vi chia sẻ thông tin đã được công khai rồi thì pháp luật hoàn toàn cho phép, hơn nữa những thông tin công khai đó là để cho mọi người dân tiếp cận.
- Thứ hai chưa chứng minh được mục đích sai ở đâu, và cơ quan sở tại có cấm chia sẻ không?
Và nguyên văn của quy định tại điểm e khoản 3 Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP ghi rõ " ... mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật". Có thể cắt nghĩa cụm từ "không được sự đồng ý" ở đây tức là cơ quan sở tại cấm không cho chia sẻ, và cụm từ "sai mục đích theo quy định của pháp luật" tức là mục đích chia sẻ đó sai, vậy cần phải chứng minh mục đích chia sẻ đó sai theo quy định pháp luật nào? như thế nào được xem là chia sẻ đúng theo pháp luật. Biết đâu việc lập nhóm Zalo, lập Fanpage Face để thông báo cho nhau biết ở đó có chốt CSGT, tổ tuần tra 141, mọi người đừng uống rượu bia nếu lái xe đi qua đoạn đường đó thì sao? Như vậy mục đích là rất tốt cho xã hội đấy chứ.
- Thứ ba chưa có quy định cấm hành vi chia sẻ trong luật hiện hành!
Không có quy định nào cấm chia sẻ, cấm sử dụng, và việc làm đó không thuộc trường hợp bị cấm theo quy định tại bất kỳ văn bản pháp luật hiện hành nào.
Vì vậy, căn cứ để xử phạt nêu trên đang thiếu thuyết phục, và nếu bị khiếu nại, hoặc khởi kiện quyết định xử phạt hành chính ra Tòa án thì đó sẽ là một câu chuyện thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận. Thiết nghĩ nếu muốn phạt hành vi nêu trên thì cơ quan chức năng cần sửa đổi quy định pháp luật cho phù hợp.
Theo Tiêu dùng Việt Nam