Nhằm thúc đẩy đầu tư tư nhân trong cung cấp dịch vụ công, góp phần cải cách bộ máy hành chính Nhà nước và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã thực hiện một nghiên cứu chuyên sâu về thực trạng xã hội hóa dịch vụ công, đi sâu phân tích thực trạng và đề xuất các giải pháp để tăng cường thu hút tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ công. Nghiên cứu của VCCI lựa chọn lĩnh vực dịch vụ đánh giá sự phù hợp, lĩnh vực tác động trực tiếp đến các hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp. Báo cáo Hành trình chuyển đổi vai trò của doanh nghiệp tư nhân trong cung cấp dịch vụ công tại Việt Nam được thực hiện với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID).
Sân bay Vân Đồn Sân là sân bay tư nhân đầu tiên của Việt Nam khẳng định giá trị tiên phong |
Phát triển thị trường dịch vụ sự nghiệp công và thu hút mạnh mẽ các thành phần kinh tế tham gia phát triển dịch vụ sự nghiệp công là một mục tiêu quan trọng được đặt ra trong Nghị quyết Trung ương 6 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa 12.
Trên thực tế dù đã có những chuyển biến tích cực, xã hội hóa các dịch vụ công vẫn rất chậm so với tiến trình đổi mới nền kinh tế, đang gặp nhiều cản trở và hạn chế. Theo khảo sát của VCCI, hiện doanh nghiệp tư nhân tham gia cung ứng dịch vụ công còn phải chịu nhiều rào cản trong gia nhập thị trường như quá nhiều giấy phép con, nhiều thanh kiểm tra do chồng chéo nhiều cơ quan chủ quản… Theo đó, đã có 57% doanh nghiệp tư nhân được hỏi hoàn toàn ủng hộ Nhà nước chuyển giao thực hiện dịch vụ công cho tư nhân, 42% ủng hộ nhưng còn quan ngại.
Lo ngại độc quyền, sân trước, sân sau
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết, việc mở cửa cho tư nhân tham gia cung cấp hàng hoá, dịch vụ công cho xã hội sẽ tiết kiệm nhiều chi phí cho Nhà nước.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch VCCI, những dịch vụ mà cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam nắm giữ còn rất nhiều. Nhìn ra thế giới, chúng ta thấy có nước cho phép tư nhân phóng tàu vũ trụ, sản xuất vũ khí, vận hành nhà tù, lưu trữ và xuất bản các văn bản pháp luật và án lệ… với nhiều tiềm năng. Do đó, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh việc xã hội hoá, tư nhân hoá các dịch vụ công để tận dụng sự năng động, mạnh mẽ của khối tư nhân.
Ông Lộc cho rằng, trong bối cảnh hiện nay Nhà nước nên tạo cơ điều kiện để tư nhân phát triển, thay vì là người chèo đò cần chuyển thành người lái đò. Nhà nước chỉ nên đứng ra để đảm bảo năng lực của các doanh nghiệp, chống độc quyền, chống tình trạng “sân sau”, bảo đảm an toàn dịch vụ, thúc đẩy cạnh tranh cũng như đưa ra các điều kiện, quy chuẩn, tiêu chuẩn để làm chuẩn mực cho tư nhân cung ứng dịch vụ công.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI |
Công bố bản báo cáo “Hành trình chuyển đổi: Vai trò của doanh nghiệp tư nhân trong cung cấp dịch vụ công tại Việt Nam”, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI nhận định: Theo Báo cáo, hiện Việt Nam có 20 ngành, lĩnh vực không cho phép tư nhân tham gia cung cấp hàng hoá, dịch vụ gồm: sản xuất/mua bán vật liệu nổ công nghiệp, sản xuất vàng miếng, phát hành xổ số kiến thiết, in đúc tiền, phát hành tem bưu chính Việt Nam, truyền tải và điều độ hệ thống điện quốc gia, xây dựng và vận hành thuỷ điện đa mục tiêu, vận hành hệ thống đèn biển và luồng hàng hải công cộng, vận hành hệ thống đài thông tin duyên hải, dịch vụ không lưu, khai thác hệ thống hạ tầng đường sắt do nhà nước đầu tư, cung ứng dịch vụ lâm nghiệp tại rừng đặc dụng, xuất bản…
Về lý thuyết, các doanh nghiệp tư nhân được tham gia cung cấp tất cả những hàng hoá, dịch vụ không thuộc danh mục này và danh mục cấm kinh doanh. Tuy nhiên, trên thực tế, rất nhiều ngành, lĩnh vực hiện nay tư nhân vẫn không tham gia được.
Ở một số lĩnh vực dù không có quy định cấm hoặc hạn chế doanh nghiệp tư nhân hoạt động, nhưng quá trình tham gia của các doanh nghiệp tư nhân rất khó khăn. Hầu hết chỉ dành cho các doanh nghiệp nhà nước mà không qua đấu thầu, tính độc quyền nhà nước vẫn rất cao.
Ông Tuấn cũng dẫn ví dụ của ngành than. Hiện nay, lĩnh vực khai thác than không thuộc diện độc quyền nhà nước. Tuy nhiên, các mỏ than đá chỉ được cấp cho Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt nam và Tổng công ty Đông Bắc - hai doanh nghiệp nhà nước, khai thác.
Hay, lĩnh vực hạ tầng sân bay, đường bộ, bến cảng, luồng tuyến đường thuỷ và hàng hải…điển hình như dịch vụ duy tu, bảo trì hệ thống đường sắt quốc gia, dự toán ngân sách giao cho Bộ Giao thông Vận tải và bộ này giao luôn cho Tổng công ty Đường sắt thực hiện nhiệm vụ, chứ không tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu…
"Có tình trạng một số lĩnh vực chỉ có một hoặc một vài đơn vị cung cấp dịch vụ, hoặc chỉ định dành cho một số doanh nghiệp… Điều này dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh và nguyên nhân nảy sinh ra các doanh nghiệp sân sau, sân trước. Ngoài ra, việc các đơn vị sự nghiệp trực thuộc trực tiếp bộ quản lý ngành đang tồn tại phổ biến gây ra những xung đột lợi ích cho các cơ quan quản lý, bởi cơ quan này vừa đảm nhận chức năng quản lý vừa nhận được lợi ích từ phí dịch vụ kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hoá đó", Trưởng ban Pháp chế VCCI nhận định.
Nhà nước cần chuyển từ “người chèo đò” sang là “người lái đò”
Theo ông Phan Vinh Quang, chuyên gia dự án Nghiên cứu đánh giá và phân tích của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ, thực tế khi doanh nghiệp tư nhân trong tham gia cung ứng các dịch vụ công sẽ giảm được nhiều chi phí, thời gian chờ đợi giảm đi rất nhiều và đem lại sự hài lòng về chất lượng, cũng như chế được nạn tham nhũng. Đồng thời cho rằng, nếu không có thể chế mở lối thì doanh nghiệp tư nhân khó có thể tham gia vào việc cung cấp các dịch vụ công.
"Nếu như không có những Nghị quyết, không có pháp luật không có sự mở đường chấp nhận là không còn độc quyền của nhà nước, nhà nước vẫn quản lý, song bỏ tư duy chủ thì lúc đó chúng ta mới thu hút được tư nhân tham gia vào các dịch vụ này. Thứ hai nữa là phương pháp hành xử trong việc thực thi cơ chế, chính sách đó chúng ta có luật rồi nhưng nếu như chúng ta hành xử mà vẫn thiên vị cho đơn vị nhà nước chẳng hạn, thì tư nhân thì người ta tham gia rất là khó. Do đó, mọi thứ tôi nghĩ là phải minh bạch công khai, rõ ràng minh bạch ra và như vậy thì sẽ thu hút được sự tham gia của tư nhân", ông Phan Vinh Quang nêu ý kiến.
Từ những thực trạng này, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc khuyến nghị: Nhà nước thay vì là “người chèo đò”, cần chuyển sang là “người lái đò”: “Nhà nước nên làm luật chơi, “sân chơi” và là trọng tài cho các doanh nghiệp tư nhân hơn là trực tiếp làm dịch vụ công. Nhà nước chỉ nên đứng ra để đảm bảo năng lực của các doanh nghiệp, chống độc quyền, chống tình trạng “sân sau”, bảo dảm an toàn dịch vụ, thúc đẩy cạnh tranh… cũng như đưa ra các điều kiện, quy chuẩn, tiêu chuẩn để làm chuẩn mực cho tư nhân cung ứng dịch vụ công”.
Bàn về giải pháp thúc đẩy vai trò của tư nhân tham gia dịch vụ công, nhiều ý kiến cho rằng, việc cho tư nhân tham gia cung ứng dịch vụ công là bài toán tương đối phức tạp, cần phải giải quyết trong nhiều vấn đề.
Cơ quan nhà nước có thể tiến hành hậu kiểm bằng cách kiểm tra ngẫu nhiễn việc tuân thủ quy định; hợp tác, chia sẻ cơ sở dữ liệu nhất định giữa cơ quan nhà nước với doanh nghiệp tư nhân để việc cung ứng được thuận lợi hơn.
Cần phân loại lĩnh vực Nhà nước vẫn nắm giữ và lĩnh vực cho tư nhân tham gia; danh mục các dịch vụ công bắt buộc phải đấu thầu cho phép tư nhân tham gia; phân biệt dịch vụ độc quyền và dịch vụ có cạnh tranh; thúc đẩy mạnh mẽ kế hoạch doanh nghiệp hóa, cổ phần hóa các đơn vị nhà nước.
Tiến tới công khai toàn bộ danh sách các đơn vị đánh giá sự phù hợp được chỉ định theo chỉ tiêu và lĩnh vực trong cùng một bảng dữ liệu. Chỉ cần nhìn vào bảng này là có thể nhanh chóng xác định được những chỉ tiêu, lĩnh vực nào chỉ có một hoặc một vài đơn vị cung cấp dịch vụ ở các miền khác nhau để thúc đẩy việc chỉ định thêm.
Ngoài ra, không được chỉ định các đơn vị trực thuộc cơ quan quản lý chuyên ngành. Trong trường hợp không có các đơn vị tư nhân đủ năng lực, nên chỉ định cho các đơn vị Nhà nước thuộc bộ hoặc địa phương khác.
Theo Tạp chí điện tử Doanh nhân Việt Nam