Hà Nội, Thứ Năm Ngày 25/04/2024

Bình Dương: Cho người thân ở nhờ, bị chiếm luôn nhà

DTVN 09:04 16/09/2020

Là chủ sở hữu hợp pháp của toàn bộ phần đất và tài sản gắn liền với đất nhưng chị Thảo không thể về nhà vì bị những người mà gia đình mình cho ở nhờ xua đuổi.

Có nhà nhưng không thể về

Mới đây, chúng tôi nhận được đơn phản ánh và kêu cứu về việc bị chiếm giữ trái phép đất và nhà ở của chị Nguyễn Thị Thu Thảo cư ngụ tại Phường Tân Bình, TP Dĩ An, Tỉnh Bình Dương. Chị Thảo hiện cũng đang là nguyên đơn trong vụ tranh chấp đòi nhà ở và đất cho ở nhờ do Toà án nhân dân (TAND) TP Dĩ An đang thụ lý giải quyết.

Theo đơn trình bày của chị Thảo, năm 1982, bố chị là ông Nguyễn Văn Tấn đã nhận chuyển nhượng phần đất có diện tích 234m2 tại Dĩ An, tỉnh Bình Dương từ ông Huỳnh Văn Tô với giá 12 ngàn đồng. Sau khi mua phần đất này, ông Tấn cho bà Nguyễn Thị Út (là em ruột ông Tấn) ở nhờ để tiện chăm sóc mẹ của hai người.

Ngày 30/06/2010, UBND huyện Dĩ An (nay là TP Dĩ An) đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (lần đầu) số BB 846568 đối với toàn bộ phần đất nói trên cho ông Tấn theo thủ tục kê khai và xác nhận của chính quyền địa phương đầy đủ.

Đến ngày 25/08/2014, ông Tấn và bà Lê Thị Thu Thuỷ (vợ ông) quyết định giao cho chị Thảo toàn bộ phần đất và tài sản khác gắn liền với đất bằng việc ký kết hợp đồng tặng cho số 4259, quyển số 08-TP/CC-SCC/HĐGD tại Văn Phòng Công Chứng Dĩ An, TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương.

Sau đó, ngày 19/05/2014, chị Thảo đã được UBND TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BV 057847, số vào sổ cấp GCN CH 13509 đối với toàn bộ thửa đất và nhà nói trên.

Ngôi nhà là sở hữu hợp pháp của chị Thảo nhưng đang có nguy cơ bị mất trắng

Đến năm 2015, sau khi hoàn tất thủ tục sang tên và được công nhận quyền sử dụng đất, vợ chồng chị Thảo đã đầu tư làm vách, sửa chữa nội thất để tiện việc sinh hoạt. Lúc này, vì nể tình là bà con trong gia đình, nên chị Thảo đồng ý tiếp tục cho những người này ở nhờ tại phần nhà đất này.

Chị Thảo viết trong đơn: “Từ lúc bố mẹ tôi lấy nhau cho tới lúc tôi được sinh ra, lớn lên, dù là người được cho ở nhờ, nhưng gia đình họ hàng tôi luôn tìm cách gây ra mâu thuẫn, tác động đến cuộc sống và hạnh phúc gia đình tôi. Bố tôi thì lại luôn nghe lời xúi giục và bịa đặt từ phía nhà nội, nên thường xuyên đánh mắng 2 mẹ con. Ngay cả khi tôi lập gia đình, rồi về đầu tư sửa chữa để sinh sống trên chính ngôi nhà của mình, thì việc này vẫn tiếp diễn. Chịu không nổi, 2 vợ chồng đành phải thuê nhà, dọn ra ở riêng, còn mẹ tôi không chịu đựng nổi nên đành đi lên Lâm Đồng làm thuê và ở trọ trên đó”

Sau một thời gian ra ở riêng nhưng do điều kiện khó khăn, vợ chồng chị Thảo tính quay trở lại ngôi nhà của mình để sinh sống thì từ đây chuyện “bi hài” bắt đầu xảy ra. Những người họ hàng của chị (bao gồm cả những người mới dọn về ở) gây khó dễ, thậm chí không cho cô bước vào khu đất và nhà, vốn là sở hữu hợp pháp của mình.

Dù đã nhiều lần thương lượng và đưa ra đề xuất, thậm chí tự nguyện tặng 1/2 phần đất nhưng những người này vẫn không đồng ý mà muốn chiếm luôn phần đất này. Bất đắc dĩ, chị Thảo phải làm đơn khởi kiện ra toà án để đòi quyền lợi hợp pháp cho mình. Đồng thời, ngày 17/09/2019, TAND TP Dĩ An đã thụ lý giải quyết vụ án theo số 362/2018/TLST-DS.

“Đường cùng, tôi mới phải kiện ra toà, chứ hay ho gì cảnh người trong nhà kiện cáo lẫn nhau” chị Thảo cho biết.

Thẩm phán thụ lý vụ án vi phạm tố tụng?

Theo nội dung của đơn này, chị Thảo cũng cho rằng vị Thẩm phán giải quyết vụ án này là bà Trần Thị Kim Hoa vi phạm nghiêm trọng về mặt tố tụng, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong quá trình xét xử đã được pháp luật quy định rõ ràng.

Đầu tiên là việc giả mạo tài liệu, chứng cứ trắng trợn nhưng vẫn được vị Thẩm phán này công nhận. Cụ thể, đó là bản cam kết của ông Tấn với nội dung ông Tấn thừa nhận rằng có nhận của ông Nguyễn Văn Phước (là anh hai ông Tấn) tờ giấy mua miếng đất từ ông Huỳnh Văn Tô. Sau đó, ông Tấn đã thay mặt gia đình, và được ông Phước cho đứng tên miếng đất. Sau khi ra sổ, khi nào ông Phước cần, ông Tấn sẽ sang tên lại cho anh hai mình và cam kết không tự ý chuyển nhượng, tặng cho miếng đất này cho ai cả.

Điều đáng nói là bản cam kết này được lập vào ngày 06/09/2009. Thế nhưng, trong giấy cam kết, ông Tấn lại ghi rõ số chứng minh thư của mình, và chứng minh thư này được cấp vào ngày 27/06/2018 (hoàn toàn trùng khớp với ngày cấp của chứng minh thư hiện nay), tức sau khi bản cam kết này ra đời… 9 năm.

Giấy cam kết được lập năm 2009 nhưng người cam kết có CMND được cấp năm 2018 vẫn được công nhận là chứng cứ của vụ kiện

“Chứng minh thư của bố tôi được cấp vào năm 2018, nhưng bản cam kết lại được lập vào năm 2009. Ai cũng có thể nhìn ra, đây là một bản cam kết giả mạo, được lập ra để đối phó với việc khởi kiện của tôi. Thế nhưng, “bản cam kết” này đã được Thẩm phán Trần Thị Kim Hoa ký xác nhận trên bản photo với nội dung đã đối chiếu bản chính ngày 27/05/2020”, chị Thảo cho biết.

Tiếp đến là vi phạm theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 209, điểm b khoản 4 Điều 210, điểm b khoản 3 và khoản 4 Điều 211 của Bộ luật tố tụng dân sự, khi 1 vụ án có luật sư thì buổi làm việc này phải có ý kiến và sự trình bày của luật sư.

Cụ thể, khi có sự hỗ trợ về pháp lý của luật sư thì chị Thảo cũng không nhận được sự tôn trọng và tiếp tục gây khó khăn từ phía Tòa án. Trong đơn chị Thảo viết: “Dù luật sư của chị đã đăng ký và hoàn tất thủ tục làm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, nhưng trong các buổi làm việc lại không được phía Tòa án mời tham dự. Ngay cả buổi “kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải” ngày 25/08/2020, luật sư của chị vẫn không được mời tham dự với lý do được giải thích là “không bắt buộc” và “chỉ triệu tập khi đưa ra xét xử”.

Bên cạnh đó, theo chị Thảo, gần 1 năm trôi qua, kể từ khi nộp đơn khởi kiện vụ án, mỗi lần gặp mặt, chị luôn trong tình trạng bị các bên dùng lời lẽ xúc phạm, chửi bới… bao gồm cả các luật sư (tham gia với tư cách là người đại diện theo ủy quyền) và ngay cả khi làm việc tại Tòa trước sự có mặt của Thẩm phán Trần Thị Kim Hoa.

“Tôi thực sự rất mệt mỏi. Đã nhiều lần, tôi muốn 2 bên gia đình ngồi lại hoà giải với nhau, dù sao cũng là máu mủ họ hàng, nhưng bất thành. Giờ chỉ mong Tòa án mau mang vụ án của mình ra xét xử. Nhưng với tình trạng hiện nay, nhất là sự bịa đặt, giả mạo tài liệu trắng trợn như vậy, tôi sẽ đối diện nguy cơ mất luôn toàn bộ nhà và đất vốn dĩ đang thuộc sở hữu của mình dù Nhà nước đã công nhận”, chị Thảo nói.

Hơn nữa, điều chị Thảo lo lắng là sau khi giành được toàn bộ nhà đất, thì những người này sẽ tiếp tục đuổi ông Tấn ra khỏi ngôi nhà này như họ đã từng đối xử. Chị Thảo cho biết thêm: “Ngay như năm ngoái, dù đang nghe theo lời xúi giục của họ, nhưng khi đổ bệnh và nằm bệnh viện gần 1 tháng trên TPHCM thì cũng chỉ có 2 vợ chồng tôi đứng ra chăm sóc và lo mọi chi phí cho bố tôi”.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Phan Hiển/Sỡ hữu trí tuệ

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/binh-duong-cho-nguoi-than-o-nho-bi-chiem-luon-nha-d82520.html

Bạn đang đọc bài viết Bình Dương: Cho người thân ở nhờ, bị chiếm luôn nhà tại chuyên mục Xã hội. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Xã hội