Hà Nội, Thứ Năm Ngày 21/11/2024

Các quốc gia trên thế giới xử lý vấn nạn hàng giả như thế nào?

VIETQ 12:36 26/03/2023

Mặc dù cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp ngăn chặn nhưng tình trạng sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ hàng nhái, hàng giả vẫn diễn ra hết sức phức tạp

Vì đâu hàng giả còn 'lộng hành'?

Theo thống kê của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), mỗi năm có khoảng 1.500 đơn khiếu nại của người tiêu dùng liên quan tới các giao dịch mua bán trên các nền tảng trực tuyến. Cụ thể, như hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ và mua bán không có hóa đơn chứng từ.

Chính từ những loại hàng hóa kém chất lượng này đang khiến người tiêu dùng ngày càng mất niềm tin vào các nền tảng bán hàng trực tuyến như Facebook, Zalo, TikTok... và cả các sàn thương mại điện tử uy tín. Mặc dù lực lượng tham gia đấu tranh, ngăn chặn tình trạng sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ hàng nhái, hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ khá đông đảo và tích cực, song vẫn gặp nhiều khó khăn, lúng túng trong phát hiện và xử lý.

Về mặt nguyên nhân, theo ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, hiện trang thiết bị phục vụ thực thi công vụ chưa đáp ứng được những thay đổi của công nghệ sản xuất, mô hình kinh doanh mới. Hơn nữa, việc phối hợp giữa các đơn vị liên quan đến xử lý các hành vi vi phạm về hàng giả, hàng nhái trong thương mại điện tử như công an, quản lý thị trường, hải quan, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ người tiêu dùng vẫn hạn chế.

Theo các chuyên gia, hiện mỗi sàn giao dịch thương mại điện tử có trên 5.000 thương hiệu và hàng nghìn đối tác kinh doanh đa dạng các mặt hàng. Đáng lưu ý, các sàn giao dịch thương mại điện tử chủ yếu cho thuê "gian hàng” online. Vì vậy, sản phẩm không về kho chứa của bất kỳ sàn giao dịch nào nên không phát hiện được hàng hoá vi phạm.

Không những thế, việc kiểm soát, định danh tài khoản người bán, đăng tải chào bán, chào mua chưa thật sự chặt chẽ, chưa thường xuyên, liên tục của các sàn giao dịch thương mại điện tử cũng được cho là một trong những “kẽ hở” để các đối tượng lợi dụng đưa hàng hóa vi phạm lên bày bán công khai trên các sàn này. Bên cạnh đó, nhận thức của một bộ phận người tiêu dùng còn hạn chế, như biết hàng giả vẫn mua vì giá rẻ, thích hàng nhái thương hiệu nổi tiếng hoặc chưa đủ kỹ năng và thông tin để nhận biết.

Ảnh minh hoạ

Hiện nay, trên thị trường có 4 sàn thương mại điện tử lớn là Tiki, Lazada, Shopee, Sendo lại có tới ba sàn là Sendo,Shopee, Lazada đang hoạt động theo hình thức khách hàng tự giao dịch với nhau (C2C). Điều này đồng nghĩa với việc các sàn này vẫn rộng cửa cho cá nhân mở shop online mà không cần đăng ký kinh doanh, không cần các loại giấy tờ quan trọng như đăng ký thương hiệu, giấy chứng nhận sở hữu trí tuệ...

Ngoài ra, chỉ khi các cá nhân này đăng và bán sản phẩm rồi, sàn mới sử dụng công cụ để kiểm tra. Đây cũng là nguyên nhân khiến hàng giả, hàng nhái vẫn tràn lan. Nhận định từ các chuyên gia, đặc điểm của sàn thương mại điện tử bán theo hình thức C2C là có phần mở hơn. Người nào muốn bán hàng chỉ cần yêu cầu duy nhất là chứng minh thư nhân dân/căn cước công dân. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn có thể làm giả, đó là chưa tính đến việc các chủ gian hàng này cố tình đăng các hình ảnh không đúng sự thật về sản phẩm, ngay cả các sàn sử dụng công cụ lọc cũng chỉ đạt khoảng 80%.

Thời gian qua, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã phối hợp với Tổng cục Quản lý thị trường xây dựng “Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử giai đoạn 2021-2025” với nhiều nội dung và giải pháp đồng bộ, có sự vào cuộc của Bộ Công Thương, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng (lực lượng biên phòng), Ngân hàng Nhà nước, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính (Hải quan, Thuế)... nhằm hướng đến các giải pháp tổng thể, toàn diện.

Để nâng cao hiệu quả ngăn chặn hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng, theo ông Trần Hữu Linh, Tổng cục Quản lý thị trường sẽ xây dựng kịp thời các kế hoạch, phương án cụ thể, triển khai đồng bộ, thường xuyên hoạt động kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính.

Cụ thể với hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa không bảo đảm an toàn thực phẩm và nhất là các vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử, xuất xứ hàng hóa. Cùng đó, thực hiện tốt nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành, nhất là kế hoạch thanh tra 120 thương nhân phân phối trong lĩnh vực xăng dầu đã được Bộ Công Thương phê duyệt.

Mặt khác, lực lượng sẽ tập trung kiểm tra việc kinh doanh, vận chuyển trái phép hàng hóa trên thị trường nội địa; chủ trì và phối hợp với lực lượng Công an và các cơ quan liên quan triệt phá các tụ điểm tập kết, buôn bán hàng lậu, hàng giả. Đặc biệt, tiếp tục rà soát, đánh giá những yêu cầu thực tế để đối chiếu với năng lực, điều kiện cụ thể, đặc biệt là phân tích, làm rõ những khiếm khuyết, tồn tại, bất cập trong hoạt động của lực lượng tại mỗi địa phương.

Quy định pháp luật về hàng giả tại một số nước

Tại Nhật Bản, dù dùng với mục đích cá nhân hay mục đích kinh doanh, tất cả các hàng giả, hàng nhái được gửi từ nước ngoài hoặc được mang đến bởi người nước ngoài đến đây đều bị cấm. Luật pháp Nhật Bản thể hiện rõ rằng hành vi đưa hàng giả vào Nhật Bản sẽ cấu thành hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu và bản quyền thiết kế. Hình phạt tù đối với hành vi này đến 10 năm hoặc phạt tiền lên đến 10 triệu yên, hoặc cả 2.

Mỹ và châu Âu là những quốc gia tôn trọng vấn đề bản quyền, thương hiệu ở top đầu thế giới. Vì vậy, việc xài hàng giả sẽ khiến cho khách hàng phải chịu một mức phạt rất nặng hoặc có thể bị truy tố nếu đem một lượng lớn hàng giả, dù đó là người dân trong nước hay du khách nước ngoài.

Tại Pháp, người tiêu dùng có thể bị phạt với mức phạt tối đa lên tới 300.000 euro (tương đương 7,7 tỷ đồng) hoặc ngồi tù 3 năm nếu du khách đem một số lượng lớn hàng giả nhập cảnh vào nước này. Tại Bỉ, nếu bị phát hiện mang đồ giả, du khách có thể bị phạt từ 500 – 100.000 euro (tương đương 12,1 triệu đồng tới 2,5 tỷ đồng). Các băng đĩa ca nhạc, phim lậu nếu mang vào nước này bị phát hiện, du khách cũng chịu trách nhiệm tương tự.

Tại Ý cũng có luật quy định người tiêu dùng phải chịu khoản tiền phạt lên tới 11.000 euro khi sử dụng hàng giả, hàng nhái từ những nhà cung cấp bất hợp pháp. Hải quan Croatia có thể phạt 15.000 Euro cho hành vi này.

Chính quyền Ireland cũng mạnh tay với nạn hàng giả. Bất kỳ ai mang hàng giả vào đất nước này đều bị coi là phạm tội. Du khách có thể ngồi tù 1 năm hoặc nộp phạt từ 5.000 đến 126.000 euro, tùy thuộc vào món hàng giả mà khách sở hữu. Nếu giá trị thật của món hàng giả lớn hơn 250.000 euro, người tiêu dùng có thể nhận bản án tới 5 năm tù. Tại Áo, số tiền phạt có thể lên đến 15.000 euro, nhưng người tiêu dùng bị lừa mua phải hàng giả trên mạng sẽ không bị phạt

Bạn đang đọc bài viết Các quốc gia trên thế giới xử lý vấn nạn hàng giả như thế nào? tại chuyên mục Tin tức 24h. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tin tức 24h